Tới dự có Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi, Ngài H.E Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội; Ngài Alejandro Iglesias - Campos - đại diện IOC-UNESCO cùng đông đảo các nhà quản lý, lãnh đạo, khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu quản lý về lĩnh vực biển, hải đảo cùng tham dự.
Đây là hoạt động Bên lề Hội nghị thường niên lần thứ 2 của Ủy ban Liên Chính phủ Hải dương học UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Quy hoạch không gian biển được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19/02/2019 đến ngày 21/02/2019. Đây đồng thời là hoạt động đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Quy hoạch không gian biển hướng đến sử dụng, phát triển tài nguyên môi trường biển một cách bền vững song còn không ít lúng túng bởi đây là một loại quy hoạch hoàn toàn mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn.
Theo Luật Quy hoạch 2017 của Việt Nam, Quy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Sự phối hợp giữa Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo này, với mục tiêu: Đề xuất được các nội dung hỗ trợ thực hiện việc lập Quy hoạch không gian biển Việt Nam hướng tới kinh tế xanh bền vững, triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; Thống nhất nội dung đề xuất hỗ trợ việc lập Quy hoạch không gian biển và quản trị đại dương ở Việt Nam hướng tới kinh tế xanh bền vững.
Tại Hội thảo, MS Trần Lan Hương, Điều phối bộ phận Khoa học tự nhiên của UNESSCO đã đề xuất ý tưởng Chương trình hỗ trợ thực hiện quy hoạch không gian biển cho phía Việt Nam với mực tiêu cụ thể đó là: Hỗ trợ nâng cao năng lực kỹ thuật, tăng cường cơ chế điều phối giữa các cơ quan đối tác Việt Nam có liên quan; Nâng caonhận thức của cộng đồng về biển và đại dương; Đấy mạnh hợp tác với đối tác tư nhân. Trong đó nêu rõ 3 kết quả dự kiến quan trọng đạt được: Tăng cường năng lực thể chế về quản trị hải dương và quy hoạch không gian biển trong nước; Thiết lập hệ thống dữ liệu khoa học cho quy hoạch và quản lý biển và ven biển được thành lập; Tăng cường năng lực về Quy hoạch không gian biển và nâng cao nhận thức và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên biển.
Bàn về hoành động phối hợp xây dựng thành công quy hoạch không gian biển Việt nam và nhu cầu, mong muốn của Việt Nam về các vấn đề cần được quan tâm, hỗ trợ, các các chuyên gia, các nhà khoa học phía Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh yếu tố kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng Quy hoạch không gian biển Việt Nam, đáp ứng các tiêu chí mà Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra.
Trả lời vấn đề này, Ngài Alejandro Iglesias - Campos - đại diện IOC-UNESCO cho biết sẽ hỗ trợ một cách hiệu quả nhất những vấn đề mà phía Việt Nam mong muốn. Song phía Việt Nam cần đưa ra những nhu cầu cụ thể về yếu tố kỹ thuật, những vấn đề khó khăn trong việc xây dựng quy hoạch cần tư vấn…phía IOC-UNESCO sẵn sàng kết nối, đưa các chuyên gia quốc tế, những người có chuyên môn cao, giỏi về lĩnh vực quy hoạch không gian biển tới tập huấn và giúp đỡ, giới thiệu công nghệ để giúp Việt Nam. Đặc biệt về mặt đào tạo sẽ giúp Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo cho các chuyên gia, các nhà quản lý và giảng viên các trường đại học chuyên về lĩnh vực quy hoạch không gian biển để về lâu dài Việt Nam có thể có được nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng, chỉnh lý và triển khai thực hiện quy hoạch này.
Hội thảo đã đi đến thống nhất các nội dung cả hai bên cùng quan tâm để thúc đẩy quá trình xây dựng quy hoạch không gian biển cho Việt Nam, đáp ứng tiến độ, chất lượng mà phía Việt Nam mong muốn.