Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Thanh Tùng-Khương Trung| 03/06/2022 14:19

(TN&MT) - Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 3/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

1.jpg
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi)

Nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nội dung dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, đề nghị rà soát, hoàn thiện đồng bộ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật và dự kiến danh mục các văn bản hướng dẫn khác cần ban hành.

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo về tác động của việc các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn không được quy định tại Luật Dầu khí đối với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị dầu khí và việc quản lý toàn diện, đồng bộ hoạt động dầu khí. Hoạt động vận chuyển, tồn trữ, phân phối, xử lý, chế biến là hoạt động đầu tư kinh doanh có điều kiện, thực tế có nhiều yếu tố đặc thù, cần có quy định riêng điều chỉnh theo hướng chặt chẽ, phù hợp với đặc tính của hoạt động.

Bên cạnh đó, dự án Luật có quy định về triển khai dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ bao gồm phát triển khai thác, vận chuyển, xử lý dầu khí, thực chất là điều chỉnh một số hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn; đề nghị báo cáo về tính phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Một số ý kiến nhất trí phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn hoạt động dầu khí thượng nguồn, gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ quyền biển đảo quốc gia. Đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật khác có liên quan.

Về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể tại Điều 4 dự thảo Luật theo nguyên tắc bảo đảm tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật đối với các nội dung có liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về “điều kiện đầu tư kinh doanh” trong lĩnh vực dầu khí.

2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật. Ảnh: quochoi.vn

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa quy định đối với các bên ký kết hợp đồng dầu khí Việt Nam.

Về điều tra cơ bản về dầu khí, đề nghị báo cáo rõ về trường hợp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan này và nghiên cứu, bổ sung quy định rõ ràng, đầy đủ về: cơ chế thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí; các tiêu chí, điều kiện xác định trường hợp cơ quan quản lý nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí; cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia; hình thức ghi nhận sự thỏa thuận giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân; căn cứ, trách nhiệm thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong trường hợp thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí tại khu vực đã được giao thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản hoặc thăm dò, khai thác khoáng sản và các nội dung khác có liên quan. Bên cạnh đó, đề nghị quy định những nội dung cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí.

Rà soát điều kiện tham gia đấu thầu ký kết hợp đồng dầu khí

Về lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp tục rà soát quy định về điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nhất là điều kiện về “không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu”, quy định về “liên danh với các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia đấu thầu”. Rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về: phương pháp và tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu; hủy thầu; xử lý tình huống lựa chọn nhà thầu; cấm tham gia dự thầu trong hoạt động dầu khí và các nội dung khác có liên quan.

Về mối quan hệ với Luật Đấu thầu, đề nghị báo cáo tình hình thực hiện quy định pháp luật hiện hành và làm rõ: Các trường hợp lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí thực hiện theo Luật Đấu thầu; sự phân biệt các nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí; Luật điều chỉnh việc nhà đầu tư dầu khí lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, nhà thầu cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp đến thu dọn công trình dầu khí.

Đối với việc nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí) lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí, đề nghị quy định cụ thể những nội dung mang tính nguyên tắc cơ bản về việc nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, không phân biệt quốc tịch của nhà đầu tư hay nguồn vốn thực hiện dự án. Các nhà đầu tư dầu khí có quy trình, thủ tục riêng để lựa chọn nhà thầu nhưng phải trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc cơ bản này; trường hợp PVN và doanh nghiệp 100% vốn của PVN đồng thời là nhà đầu tư dầu khí thì việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về đấu thầu.

Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung các quy định tại Luật Dầu khí và quy định rõ tại Điều 4 dự thảo Luật; trường hợp cần thiết sửa đổi quy định có liên quan của Luật Đấu thầu thì cần quy định ngay tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

22.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Về phê duyệt hợp đồng dầu khí và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 22 dự thảo Luật) và hình thức và nội dung chính của hợp đồng dầu khí (Điều 23 dự thảo Luật), Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí; nội dung phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ quy định tại dự thảo Luật, nghị định của Chính phủ để bảo đảm lợi ích và chủ quyền quốc gia, bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, phù hợp với tinh thần phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với hợp đồng dầu khí tương đương với phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư khác. Phân cấp, giao thẩm quyền cho PVN đối với nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết hợp đồng dầu khí khi thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ gắn với cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về khái niệm hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC); xác định rõ giới hạn về loại hợp đồng được ký kết trong tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí; trường hợp ký kết các loại hợp đồng dầu khí khác ngoài hợp đồng PSC và hợp đồng tận thu tài nguyên dầu khí.

Về trường hợp dự án dầu khí là dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, đây là quy định mới, tuy nhiên, chưa có đánh giá tác động cụ thể. Quy định như dự thảo Luật chưa bảo đảm tính đồng bộ trong quan điểm tiếp cận đối với hoạt động đầu tư dầu khí là hoạt động có tính đặc thù và khác với Luật Đầu tư đã phân biệt giữa thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Dầu khí; chưa có quy định về quyết định đầu tư, ký kết hợp đồng dầu khí và các nội dung khác có liên quan đến triển khai hoạt động đầu tư dầu khí đối với các dự án dầu khí thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Do đó, đề nghị báo cáo, làm rõ nội dung này; chỉnh sửa theo hướng những nội dung liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, không phân biệt dự án theo tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công, bảo đảm thống nhất, phù hợp với thực tế và tính đặc thù của điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; đồng thời, bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể tại Điều 4 dự thảo Luật về trường hợp này.

Về các dự án dầu khí được triển khai theo chuỗi đồng bộ, đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định về quản lý, vận hành, tiếp cận đường ống vận chuyển dầu khí và các nội dung khác liên quan đến các hạng mục công trình dầu khí trên bờ. Báo cáo về tính phù hợp của quy định này với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật chỉ giới hạn hoạt động dầu khí thượng nguồn.

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị thiết kế Điều 52 dự thảo Luật theo hướng quy định 2 khoản về: PVN là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí, thực hiện quyền và nghĩa vụ như các nhà thầu khác theo quy định tại Chương VIII dự thảo Luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan áp dụng với doanh nghiệp nhà nước; PVN thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ, được hưởng quyền hạn và cơ chế xử lý chi phí đặc thù, đồng thời, phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định tại Chương IX dự thảo Luật.

Nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của PVN đối với nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình triển khai hợp đồng dầu khí khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ, bảo đảm minh bạch trong quá trình thực hiện. Rà soát các quy định tại dự thảo Luật để tránh trùng lặp, bảo đảm rõ ràng về phạm vi quyền và giới hạn nghĩa vụ, trách nhiệm khi PVN thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được bố cục gồm 11 Chương, 64 điều. Chương I - Những quy định chung (gồm 8 điều, từ Điều 1 đến Điều 8). Chương II - Điều tra cơ bản về dầu khí (gồm 5 điều, từ Điều 9 đến Điều 13). Chương III - Lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (gồm 8 điều, từ Điều 14 đến Điều 21). Chương IV - Hợp đồng dầu khí (gồm 12 điều, từ Điều 22 đến Điều 33). Chương V - Hoạt động dầu khí (gồm 12 điều, từ Điều 34 đến Điều 45). Chương VI - Ưu đãi trong hoạt động dầu khí (gồm 2 điều, Điều 46 và Điều 47). Chương VII - Công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán trong hoạt động dầu khí (gồm 2 điều, từ Điều 48 và Điều 49). Chương VIII - Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu (gồm 2 điều, từ Điều 50 và Điều 51). Chương IX - Chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (gồm 5 điều, từ Điều 52 đến Điều 56). Chương X - Quản lý nhà nước về dầu khí (gồm 5 điều, từ Điều 57 đến Điều 61). Chương XI - Điều khoản thi hành (gồm 3 điều, từ Điều 62 đến Điều 64).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO