Xã hội

Uống nước nguồn miền Bắc

TS. Nhà văn Trần Văn Miều 10/02/2024 - 12:21

(TN&MT) - Mùa xuân 2024, 5 cây Kơ nia là “hậu duệ” của cây Kơ nia Tổ trên 1.200 tuổi do tỉnh Bình Phước dâng tặng cho tỉnh Phú Thọ sẽ được trồng trong Lễ “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

screenshot_1704895188.jpg
123.jpg

Vậy là, Kơ nia không chỉ được “uống nước nguồn miền Bắc” mà sẽ được trồng để “uống nước nguồn miền Bắc” ở Làng Sen, ở Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, ở Bảo tàng Điện Biên Phủ, ở Pắc Bó (Cao Bằng), Khu Di tích lịch sử Tân Trào…

Huyền thoại Kơ nia

Khi tôi đang làm nghiên cứu sinh tại Trường đoàn cao cấp mang tên Lênin của Đoàn Thanh niên cộng sản Liên Xô (từ năm 1981 - 1985) có một lần được nghe một bạn nữ sinh viên Việt Nam hát bài “Bóng cây Kơ nia” nhạc Phan Huỳnh Điểu, lời thơ Ngọc Anh... Lời bài hát kể lại câu chuyện của 3 nhân vật người Tây Nguyên là người vợ, bà mẹ và người chồng là bộ đội giải phóng. Tình cảm của 3 nhân vật này rất sống động xoay quanh một “nhân vật” thứ tư - đó là cây Kơ nia huyền thoại.

Câu chuyện được người vợ kể rằng, cứ sáng sớm, chị lên rẫy, thấy bóng cây Kơ nia ngả che ngực mình, về nhà nhớ chồng không ngủ được. Buổi chiều, bà mẹ lên rẫy cũng thấy cây Kơ nia tỏa bóng tròn che lưng mình, về nhà mẹ nhớ con mẹ khóc. Người vợ hỏi cây Kơ nia, gió mày thổi về đâu? Và người vợ tự trả lời: “Về vùng mặt trời mọc” - Nơi có ánh sáng ban mai trong lành, tượng trưng cho ngày mai tươi sáng. Người mẹ cũng hỏi cây Kơ nia, rễ mày uống nước đâu? Người vợ nghe thấy tiếng trả lời của mẹ: “Uống nước nguồn miền Bắc” - nơi đó là hậu phương lớn của miền Nam, nơi có những người dân cùng chung dòng máu Lạc Hồng, nơi có Thủ đô Hà Nội, có Bác Hồ kính yêu…

Về nước, nhiều lần tôi được nghe bài hát “Bóng cây Kơ nia”. Lời bài hát in sâu vào trái tim tôi câu chuyện về 3 nhân vật với bóng cây Kơ nia huyền thoại. Cũng rất nhiều lần, tôi nghe thấy các nhà lâm học nói vui với nhau: “Cây Kơ nia có bộ rễ dài nhất, khỏe nhất trong các loài cây”. Câu chuyện về cây Kơ nia uống nước nguồn miền Bắc đã thôi thúc tôi đi tìm hình dáng loài cây huyền thoại này.

Từ cuộc gặp gỡ Xanh

Những năm từ 1986 đến 2014, tôi có nhiều lần vào công tác ở các tỉnh Tây Nguyên. Lần nào, tôi cũng tìm và chỉ gặp những cây Kơ nia “mồ côi” hoặc “cô đơn” hoặc “độc thân” được người dân trồng ở nhà rông, nhà văn hóa cộng đồng, bảo tàng, nhà thờ… Những cây này còn nhỏ nên chưa cho tôi cảm nhận được bộ rễ to khỏe, vạm vỡ, vững chắc của nó ăn sâu vào lòng đất.

Như vậy, suốt 28 năm, tôi đi tìm mà chưa có câu trả lời: “Tại sao nhà thơ Ngọc Anh mong muốn rễ cây Kơ nia được uống nước nguồn miền Bắc?”. Thế rồi, tình cờ, vào ngày 19/7/2014, một người phụ nữ nói cho tôi biết, bà và chồng mình cùng lực lượng cựu chiến binh đang khoanh nuôi, bảo vệ khu rừng có rất nhiều cây Kơ nia. Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Hồng Tươi - cựu chiến binh, thương binh hạng 4/4, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ B58 (gọi tắt là Công ty B58), và chồng bà là ông Phạm Công Trường - cựu chiến binh, Giám đốc Công ty B58.

Tôi gặp bà Tươi trong chuyến tàu ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi dự Lễ công nhận 2 cây Đa sộp là Cây Di sản Việt Nam. Tôi gọi đây là cuộc gặp gỡ Xanh của tôi và bà Tươi. Bởi vì, chúng tôi cùng quan tâm bàn luận về chủ đề Xanh. Đầu tiên là nói đến Mẹ Thiên nhiên đã ban tặng cho loài người màu Xanh bất tận và khát vọng Xanh - Khát vọng thời đại Hồ Chí Minh. Trong câu chuyện, bà Tươi cho biết, khu rừng ở Tiểu khu 379 Mã Đà có rất nhiều cây cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm, đặc biệt là cây Kơ nia. Thông tin của bà Tươi đã truyền cảm hứng cho tôi xây dựng kế hoạch khảo sát, tìm bằng chứng đề nghị công nhận Cây Di sản Việt Nam tại khu rừng này.

Ngày hôm sau, tôi và bà Tươi cùng dự Lễ công nhận 2 cây Đa sộp trên đảo Lý Sơn là Cây Di sản Việt Nam. Sau buổi lễ, tôi cùng bà Tươi trao đổi việc khảo sát tìm bằng chứng tại Tiểu khu 379 Mã Đà.

screenshot_1704895124.jpg

Như vậy, hai cây Cây Di sản Việt Nam trên đảo Lý Sơn đã tạo ra sự kết nối Xanh để chúng tôi tiến hành khảo sát cây cổ thụ ở Tiểu khu 379 Mã Đà. Có thể nói, bà Nguyễn Thị Hồng Tươi đã truyền cảm hứng Xanh cho tôi và tôi đã lan tỏa cảm hứng Xanh ấy đến Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Phúc Thanh - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cảm hứng Xanh của bà Tươi đã tạo nên sự kết nối Xanh đưa chúng tôi đến thăm khu rừng thuộc Tiểu khu 379 Mã Đà.

Tôi và Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh đến Đồng Xoài buổi tối ngày hôm trước thì sáng hôm sau cùng ông Phạm Công Trường, bà Nguyễn Thị Hồng Tươi và anh em cựu chiến binh Bình Phước vào thăm rừng. Vào đến cửa rừng, chúng tôi được chứng kiến cây Kơ nia cổ thụ cao to đến hàng chục người ôm không xuể. Hỏi anh em cựu chiến binh làm công tác bảo vệ thì được biết, trong khu rừng này có rất nhiều cây cổ thụ cao to, hùng vĩ. Bằng chứng đó củng cố quyết tâm của tôi sẽ khảo sát tìm bằng chứng, làm hồ sơ xin công nhận Cây Di sản cho Tiểu khu 379 Mã Đà.

Lần thứ hai, vào năm 2015, tôi được ông Phạm Công Trường đưa đi khảo sát rừng thuộc Tiểu khu 379 Mã Đà. Lần đi khảo sát này, chúng tôi đã lập hồ sơ đề nghị và được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 54 cây cổ thụ, thuộc 5 loài là Cây Di sản Việt Nam.

Lần thứ 3, vào tháng 10/2020, tôi, bà Nguyễn Thị Hồng Tươi, ông Mai Xuân Tâm và ông Trần Nam Thanh cùng cán bộ của Công ty B58 tiến hành khảo sát, lập hồ sơ bổ sung và được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xét công nhận 135 cây cổ thụ, thuộc 5 loài là Cây Di sản Việt Nam.

Lần thứ tư, từ ngày 11 đến ngày 19/7/2023, tôi cùng kỹ sư Lâm sinh Lê Huy Cường và cán bộ của Công ty B58 khảo sát, đo đếm, tính tuổi và lập hồ sơ xin công nhận bổ sung 27 cây cổ thụ tại Tiểu khu 379 Mã Đà là Cây Di sản Việt Nam.

Như vậy, chặng đường từ đảo Lý Sơn đến Tiểu khu 379 Mã Đà, với 9 năm, 4 tháng, 20 ngày, tôi cùng vợ chồng bà Tươi và anh em cựu chiến binh Bình Phước đã nghiên cứu, phát hiện, làm hồ sơ xin công nhận Quần thể 162 cây cổ thụ, thuộc 15 loài tại Tiểu khu 379 Mã Đà là Cây Di sản Việt Nam.

Đến bước đồng hành Xanh

Theo nghiên cứu của tôi cho thấy, Quần thể Cây Di sản Việt Nam tại Tiểu khu 379 Mã Đà có tính độc đáo, đặc sắc và duy nhất. Thứ nhất, hiện nay cả nước đã công nhận 13 Quần thể Cây Di sản Việt Nam; trong 13 quần thể, 12 quần thể khác chỉ có 1 đến 3 loài cây, riêng quần thể ở Mã Đà có 15 loài cây. Thứ hai, tuổi cây cổ thụ trong rừng cao: Trong 162 cây được xác định tuổi, có 18 cây dưới 500 tuổi và 144 cây trên 500 tuổi. Thứ ba, ở Mã Đà có Quần thể cây Kơ nia huyền thoại, đó là: Cây mọc tự nhiên; Cây tái sinh theo tự nhiên (gió, nước, động vật); Cây Kơ nia có tuổi đời cao: 130 cây đã tính tuổi, có 1 cây dưới 500 tuổi và 129 cây trên 500 tuổi. Trong đó, có 18 cây trên 900 tuổi, 7 cây trên 1.000 tuổi. Đặc biệt có Cây Kơ nia Tổ trên 1.200 tuổi.

Tôi cho rằng, có được Quần thể Cây Kơ nia huyền thoại là Cây Di sản Việt Nam tại Tiểu khu 379 Mã Đà là sự đồng hành Xanh của bốn lực lượng chính: Một là lực lượng cựu chiến binh tỉnh Bình Phước, tiêu biểu là vợ chồng cựu chiến binh Phạm Công Trường và Nguyễn Thị Hồng Tươi; Hai là các nhà khoa học, chuyên gia của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, tiêu biểu là Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội; Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội; Tiến sỹ, Nhà văn Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội; Nhà báo Phùng Quang Chính - Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam và Nguyễn Danh Trường - Phó Tổng thư ký Hội; Ba là cộng đồng Công ty B58 và Tập đoàn Trường Tươi, Bình Phước, tiêu biểu là ông Phạm Hương Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Tươi; cựu chiến binh Mai Xuân Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty B58; Đỗ Lâm Sinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty B58…; Cuối cùng là lực lượng phóng viên báo chí của Trung ương, các đoàn thể và địa phương đã đồng hành đưa tin, viết bài.

Và vòng tròn vĩnh cửu

Từ cảm hứng Xanh lan tỏa và đồng hành Xanh của các lực lượng cổ vũ, tôi đề xuất những hoạt động sáng tạo để tôn vinh Quần thể cây Kơ nia huyền thoại. Tôi đã thiết kế ý tưởng xây dựng biểu trưng Quần thể 162 Cây Di sản Việt Nam. Biểu trưng này bao gồm một vòng tròn vĩnh cửu, truyền đi thông điệp Xanh: “Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn Cây Di sản Việt Nam có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”; trên vòng tròn khắc 9 cặp bàn tay nắm chặt, thể hiện tinh thần “chung tay bảo vệ môi trường và bảo tồn Cây Di sản Việt Nam”. Tôi cũng đề nghị và được Công ty B58 đồng ý trao tặng tỉnh Phú Thọ 5 cây Kơ nia để trồng vào dịp đầu xuân năm 2024 tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng.

Trước khi đề xuất trồng 5 cây Kơ nia ở Đền Hùng, tôi tìm hiểu và được biết, ở miền Bắc đã có một số nơi trồng cây Kơ nia. Bài báo “Kỳ lạ Kơ nia” đăng trên Báo Tiền Phong ngày 26/3/2010 đã trích lại bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng: “Gia Lai có kỹ sư lâm sinh Nhữ Văn Vẻ công tác ở Trung tâm Dự án trồng rừng, là người lâu nay âm thầm ươm giống Kơ nia và đã trồng thử nghiệm thành công một số cây tại khuôn viên Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum… Cây Kơ nia của kỹ sư Vẻ được Lãnh đạo Tỉnh dùng làm quà tặng các đoàn khách mang về trồng các nơi như Tam Đảo, sân Học viện Hành chính quốc gia, sân Đại học An Ninh,…”.

Bài viết “Cây Kơ nia bên Lăng Bác Hồ” trên Trang tin điện tử của Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11/4/2012 đã kể lại: “…giữa năm 2002, đoàn Đại biểu tỉnh Gia Lai chuyển gỗ ra Hà Nội góp phần tu bổ Lăng Bác. Nghe đồng chí Tư lệnh Bảo vệ Lăng nói vui “Cây của mọi miền đất nước đã tụ họp về bên Người, chỉ còn thiếu cây Kơ nia của Tây Nguyên”, bà Rơ Châm HDéo - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai về báo cáo với tỉnh. Lãnh đạo tỉnh quyết định cho tìm bứng 9 cây Kơ nia con mọc tự nhiên từ 9 xã của huyện Kon Chơ-ro, giao cho “Kỹ sư Kơ nia” Nhữ Văn Vẻ chỉ đạo kỹ thuật thực hiện và bà Rơ Châm HDéo dẫn đầu đoàn mang ra Hà Nội. 4 cây trồng tại khu vực Nhà sàn của Bác, 3 cây trồng ở Khu di tích K84 và 2 cây trồng ở Nhà khách Công đoàn”.

Hai bài báo trên củng cố cho sáng kiến của tôi, tỉnh Bình Phước đã quyết định trao tặng 5 cây Kơ nia là “hậu duệ” của cây Kơ nia Tổ trên 1.200 tuổi cho tỉnh Phú Thọ để trồng trong dịp “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Tôi yên tâm rằng, cây Kơ nia ở Tây Nguyên đã được “uống nước nguồn miền Bắc” và hy vọng, rồi đây cây Kơ nia sẽ được trồng để “uống nước nguồn miền Bắc” ở Làng Sen, ở Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, ở Bảo tàng Điện Biên Phủ, ở Pắc Bó (Cao Bằng), Khu Di tích lịch sử Tân Trào… Đặc biệt, cây sẽ được uống nước nguồn miền Bắc ở Đất Tổ Hùng Vương!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Uống nước nguồn miền Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO