Ước mơ Xuân

Nhóm PV Báo TN&MT (thực hiện)| 08/02/2022 11:12

Xuân Nhâm Dần 2022 đã đến với mọi người mọi nhà. Đất nước vào Xuân, lòng người hân hoan đón chào năm mới với nhiều ước mơ, kỳ vọng mới. Ước mơ về một năm 2022 đất nước bình an và phát triển; ước mơ về một môi trường xanh - sạch - đẹp vẫn là dòng chảy chủ lưu ào ạt nhất, dòng chảy chung xuyên suốt bao trùm.

Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng trích đăng một trong số các đại diện cho Ước mơ Xuân trên mọi miền đất nước Việt Nam.

Đại úy Hờ A Thành, Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lèo (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La): Năm 2022 là năm của bình yên biên giới và kiểm soát tốt dịch bệnh

Đồn Biên phòng Mường Lèo được thành lập từ tháng 3/1963, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 45km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với nước bạn Lào với 18 cột mốc quốc giới. Năm nay, Đồn Biên phòng Mường Lèo đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang hơn, đời sống của cán bộ chiến sĩ được nâng lên, là động lực để chúng tôi cố gắng khắc phục, vượt qua khó khăn, kiên định mục tiêu giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn khu vực biên giới.

a1-1-.jpg
Đại úy Hờ A Thành

Tết của người lính Biên phòng bao giờ cũng đặc biệt. Đây là năm thứ ba tôi đón Tết xa gia đình, song vì nhiệm vụ, chúng tôi luôn sẵn sàng gác lại những mong muốn cho cá nhân, nêu cao tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Đầu xuân năm mới, tôi mong bản thân, gia đình, đồng đội và mọi người luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và bình an. Năm Nhâm Dần sẽ là năm đánh dấu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn; tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, tệ nạn mua bán người qua biên giới sẽ giảm mạnh.

Xã Mường Lèo là xã vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn. Tôi cũng mong trong năm 2022, các cấp chính quyền sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều chính sách tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho đồng bào, nhất là đầu tư trong công tác trồng và bảo vệ rừng để người dân sống được nhờ rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế tối đa các tác động vào rừng. Tiếp tục có thêm nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay triển khai các hoạt động thiết thực chăm lo cho các hộ nghèo, các gia đình chính sách... Bà con tiếp tục hưởng ứng tham gia đầy đủ các lớp học xóa mù chữ do đơn vị tổ chức, để mọi người dân đều biết cách đọc, cách viết, biết tính những phép tính đơn giản nhất, để hỗ trợ những giao tiếp thông thường trong cuộc sống.

Cá nhân tôi cũng sẽ cố gắng hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường tuần tra kiểm soát, chắc tay súng, trực sẵn sàng chiến đấu trên tuyến biên giới, đường mòn, lối mở do đơn vị phụ trách, bảo vệ địa bàn, bảo vệ các bản làng khu vực vùng biên để bà con các dân tộc nơi đây có một năm an toàn, một cái Tết ấm áp, vui vẻ. Đó cũng chính là niềm vui, niềm hạnh phúc, món quà lớn nhất với chúng tôi khi Xuân sang.

Kawa Wandi (Thụy Điển) đang sinh sống tại Việt Nam: Mong Việt Nam đầu tư hơn nữa cho giáo dục bảo vệ môi trường

Vợ chồng tôi cùng các con đã đến Việt Nam từ 2 năm nay. Chúng tôi vô cùng thích thú trước vẻ đẹp cổ kính của những nếp nhà hàng trăm năm tuổi ở Hội An. Sự thân thiện, mến khách và thái độ cởi mở, vui vẻ của người bản địa càng khiến chúng tôi thêm yêu vùng đất, con người nơi đây. Chúng tôi quyết định thuê nhà ở Hội An sinh sống để có điều kiện tham gia vào các hoạt động từ thiện. Xem Việt Nam là ngôi nhà thứ hai, tôi rất trăn trở với ô nhiễm không khí ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây đã kéo theo việc nhiều nhà máy, công trình xây dựng cùng các loại hình phương tiện giao thông tăng cao.

anh-kawa-wandi1.jpg
Kawa Wandi (Thụy Điển) đang sinh sống tại Việt Nam

Tôi mong Chính phủ Việt Nam quan tâm đầu tư nhiều hơn vào nguồn năng lượng thân thiện với môi trường như năng lượng mặt trời, gió và đưa các phương tiện giao thông công cộng đi vào hoạt động nhiều hơn. Chính phủ cũng cần có những chính sách trợ lực cho ô tô điện và xe máy điện như giảm thuế, thu hút đầu tư vào những lĩnh vực này để khuyến khích người tiêu dùng quan tâm hơn đến xe điện bởi giá xe và chi phí lăn bánh đều giảm theo.

Đương nhiên là chính quyền và người dân cũng cần giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm từ ni lông và nhựa; thành lập thêm các nhà máy tái chế rác thải. Ngoài ra, cũng cần đầu tư hơn nữa cho các công trình giáo dục các chủ đề bảo vệ môi trường, làm sao để giới trẻ hiểu được tác động, ảnh hưởng của rác nhựa đến khí hậu và môi trường. Từ đó, các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước sẽ hình thành ý thức và đạo đức về bảo vệ môi trường, có thái độ và hành động đúng đắn để bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa.

Hiện nay, ở Hội An, các khu chợ truyền thống, nhà hàng, khách sạn đã bắt đầu sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như lá chuối thay cho màng bọc, hộp xốp, dây chuối thay cho dây ni lông, dây thun… Đặc biệt, một số khách sạn đã tận dụng, chế biến các loại thức ăn, hoa quả, dầu ăn, xà phòng thừa, vải bỏ đi… trở thành hữu ích như xà phòng, nước lau nhà, nước rửa chén, túi xách, kể cả tinh chế tinh dầu từ các loại cây, hoa quả địa phương. Đây là một cách làm hiệu quả đã đưa câu chuyện tái chế, tái sử dụng thành một ý tưởng kinh doanh có tác động lớn đến môi trường và xã hội.

Chị Nguyễn Thị Tuyết - Tổ trưởng sản xuất Chi nhánh Đống Đa (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội): Mỗi người dân là một phân loại viên và giám sát viên phân loại rác

Tôi rất vui vì từ năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Một trong những điểm mới của Luật khiến tôi rất tâm đắc đó là Luật đã đề cập đến vấn đề phân loại rác tại nguồn, trách nhiệm phân loại của người xả rác cũng như những lợi ích mà người xả rác thu được nếu thực hiện phân loại (và ngược lại)…

a3796b6e-859c-40e2-a2e0-a17da699ff2e.jpeg
Chị Nguyễn Thị Tuyết - Tổ trưởng sản xuất Chi nhánh Đống Đa (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội)

Quá trình thực hiện nhiệm vụ của một công nhân môi trường, tôi nhận thấy lượng rác có thể tái chế như giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh… và rác có thể tái sử dụng còn bị thải bỏ rất nhiều ra môi trường; trong số đó cơ bản chưa được phân loại. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn cho môi trường nếu tất cả số rác đó bị chôn lấp vì có những loại rác cần cả hàng trăm năm, hàng nghìn năm để phân hủy. Không những thế, nếu những loại rác đó trôi nổi ra sông hồ sẽ gây ra thay đổi chất lượng môi trường nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi sử dụng các sản phẩm thủy sản.

Việc phân loại rác tại nguồn đã được các cơ quan chức năng đề cập đến từ lâu. Tôi mong người dân có ý thức phân loại rác để những người làm công tác vệ sinh môi trường như chúng tôi bớt vất vả hơn bởi nếu người dân không thực hiện phân loại thì khi thu gom xử lý rác, chúng tôi phải tự tay thực hiện phân loại để giảm áp lực cho môi trường, giảm diện tích đất cho chôn lấp và rút ngắn thời gian phân hủy rác.

Tôi cũng sẽ rất vui nếu việc phân loại rác được Luật Bảo vệ môi trường 2020 áp dụng thực thi có hiệu quả. Mỗi một cá nhân, hộ gia đình hay cơ quan phải thấy được trách nhiệm của mình trước môi trường. Tôi mong sao mỗi người dân như là một công nhân môi trường, tích cực phân loại rác ngay tại nhà mình hoặc ngay chính nơi mình xả rác. Mong sao chính quyền tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền ý thức trách nhiệm này đến dân để tất cả mọi người cùng đồng tâm thực hiện. Bên cạnh đó, tôi cũng mong chính quyền tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng giám sát việc xả rác trên địa bàn để có biện pháp mạnh tay hơn với những trường hợp không thực hiện phân loại rác. Đồng thời, khuyến khích người dân thực hiện giám sát lẫn nhau. Khi mỗi người dân là một công nhân môi trường, một phân loại viên, giám sát viên thì vấn đề phân loại rác chắc chắn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Bác sĩ CK2 Trần Văn Lời, PGĐ Bệnh viện Đa khoa An Giang: Mong mọi người dân đều khỏe mạnh

Chúng ta đã trải qua một năm 2021 với nhiều đau thương, mất mát do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư gây ra, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh, thành miền Nam. Sự nguy hiểm của biến chủng delta đã khiến cho hệ thống y tế nhiều tỉnh, thành miền Nam rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng. Trong thời điểm ấy, đội ngũ y bác sỹ, đặc biệt là đội ngũ tuyến đầu đã kiên cường, không ngại hiểm nguy, làm việc không kể ngày đêm để tranh thủ từng giây, từng phút giành lại sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân nặng.

bs-ck1-tran-van-loi-1-.jpg
Bác sĩ CK2 Trần Văn Lời, PGĐ Bệnh viện Đa khoa An Giang

Đến nay, dù tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, màu xanh đã dần bao phủ lên bản đồ theo dõi Covid-19 của các địa phương. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải luôn đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế và địa phương; tuyệt đối không được chủ quan vì những biến thể của virut Corona vẫn liên tục xuất hiện trên thế giới. Trong đó, với đội ngũ y bác sĩ, chúng tôi sẽ luôn trong tư thế sẵn sàng về nhân lực vật lực để không bị bất ngờ trước mọi diễn biến của đại dịch Covid-19.

Bước sang năm mới Nhâm Dần 2022, tôi mong ước đại dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi, mong tất cả mọi người dân đều an toàn, khỏe mạnh. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở nhằm đáp ứng nhanh nhất mọi nhu cầu chăm sóc y tế, khám chữa bệnh của người dân. Đặc biệt, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch; chấp hành nghiêm hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và biết lắng nghe cơ thể mình để chung tay cùng bác sĩ nâng cao chất lượng sức khỏe, đủ sức chiến thắng, vượt qua bệnh tật để mùa Xuân luôn trọn vẹn với mọi người, mọi nhà.

MC, diễn viên Charlie Winston (Hoa Kỳ) đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam: Yêu thương nhiều hơn, vì cộng đồng, vì xã hội nhiều hơn

Tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Định cư hơn 11 năm tại Việt Nam, văn hóa nơi đây đã có nhiều ảnh hưởng tích cực và thấm dần trong tôi. Dịp năm mới, người phương Tây không có thói quen du xuân hay thả bộ thong dong trên đường, nhưng người Việt Nam thì có phong tục “hái lộc đầu Xuân” bằng cách ghé thăm các ngôi chùa và xin một cành lộc nhỏ trong khuôn viên chùa vào thời khắc vừa bước sang năm mới. Tuy vậy, Tết dương lịch bên Mỹ cũng giống như Tết nguyên đán của Việt Nam, là dịp để mọi người về thăm gia đình, vui chơi, chào đón một năm mới và lên kế hoạch cho bản thân cùng gia đình.

anh-mc-dien-vien-charlie-winston-1.jpg
MC, diễn viên Charlie Winston (Hoa Kỳ)

Những người ngoại quốc ở lại Việt Nam như tôi có thể vì rất nhiều lý do, một trong những lý do lớn đó chính là do đại dịch. Dịch bệnh khiến tôi cũng như rất nhiều nghệ sĩ đã có quãng thời gian khá dài không được đi làm, phải ở nhà rất lâu và không được thể hiện bản thân mình với khán giả qua hoạt động nghệ thuật. Nhưng tôi thấy rất may mắn và hạnh phúc vì những tháng cuối năm, khi tình hình dịch bệnh trên đất nước VIệt Nam cơ bản được kiểm soát, tôi có cơ hội quay trở lại với nghệ thuật, với khán giả.

Vừa qua, một số bạn của tôi sinh sống tại thành thị băn khoăn vì không được về quê ăn Tết cùng gia đình. Tôi cũng đã trải qua cảm giác đó nên rất thấu hiểu nỗi nhớ quê hương, nhất là trong thời khắc Tết sum vầy, nhưng việc ưu tiên sự an toàn cho bản thân cũng như gia đình, bạn bè là một việc rất cần thiết. Chính vì vậy, tôi rất trân trọng quyết định ở lại thành phố của những bạn đang sống trong vùng dịch.

Thời gian sống chung với dịch Covid-19 đã khiến tôi suy nghĩ về nhiều điều. Có lẽ, “Sống chậm lại để yêu thương nhiều hơn” là thông điệp ý nghĩa nhất trong giai đoạn khó khăn năm 2021 và năm mới. Đó là bài học quý giá nhất tôi rút ra được trong năm vừa qua và tôi sẽ cố gắng giữ thói quen đó. Tôi cũng mong tất cả chúng ta hãy yêu thương nhiều hơn, vì cộng đồng, vì xã hội nhiều hơn, bởi chúng ta chỉ có thể bình yên khi môi trường quanh ta bình yên.

Đặng Trần Hoài Thu, học sinh Trường THPT Số 1 Phù Cát, tỉnh Bình Định: Em ước biển quê em mãi mãi màu xanh

Năm 2022, em ước mơ được trở thành sinh viên của một trường đại học để sau này có nghề nghiệp và cuộc sống ổn định, đóng góp sức lực nhỏ bé cho quê hương, đất nước nhiều hơn và giúp phụng dưỡng ba mẹ. Em sinh ra và lớn lên trên vùng quê ở huyện Phù Cát, ước mong của em là làm sao cho quê hương được giàu đẹp, mọi gia đình đều ấm no, hạnh phúc đón mùa xuân mới với nhiều thành tựu và thành công mới.

hinh-1-.jpg
Đặng Trần Hoài Thu, học sinh Trường THPT Số 1 Phù Cát, tỉnh Bình Định

Em rất thích bờ biển thành phố Quy Nhơn cũng như bãi biển Trung Lương của huyện Phù Cát quê em với vẻ đẹp thiên phú trời xanh, nước biếc, cát vàng trải dài êm ả hòa với sóng vỗ rì rào cùng làn gió mát trong lành. Em chỉ mong ước giữ mãi vẻ đẹp của biển để chúng em luôn được ra ngắm biển, ngắm thủy triều lên xuống, ngắm những con tàu vươn mình ra biển lớn rồi lại trở về đất liền sau những chuyến đánh bắt dài ngày.

Để biển luôn trong xanh, em mong mọi người, nhất là thế hệ học sinh chúng em cùng chung tay bảo vệ môi trường biển bằng những hàng động thiết thực như: không vứt rác nhất là rác thải nhựa bừa bãi xuống biển, nơi công cộng gần khu vực biển và hàng tuần, hàng tháng tổ chức buổi dọn vệ sinh, thu gom rác thải định kỳ để bảo vệ bờ biển của chúng ta. Hoạt động này giúp cho mỗi người dân, trong đó có học sinh chúng em ý thức và hành động về bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ sự sống của con người vì một môi trường xanh - sạch - đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ước mơ Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO