Bà Karin Hulshof, Phó Giám đốc Điều hành Quan hệ Đối tác của UNICEF cho biết: “Nhiều thảm họa khí hậu sẽ xảy ra. Những rủi ro của biến đổi khí hậu không còn là giả thuyết nữa. Chúng tồn tại ở đây. Và ngay cả khi chúng ta xây dựng khả năng phục hồi của cộng đồng trước các thảm họa khí hậu, chúng ta phải nỗ lực hơn nhiều trong việc ngăn chặn trước các rủi ro cho con em của chúng ta”.
Huy động tài trợ cho sáng kiến
Sáng kiến “Hôm nay và Ngày mai” của UNICEF lần đầu tiên kết hợp tài trợ cho các chương trình phòng ngừa rủi ro và phục hồi khẩn cấp cho trẻ em hiện nay với tài trợ chuyển giao rủi ro do thị trường bảo hiểm cung cấp nhằm ứng phó với các cơn bão trong tương lai.
Thanh niên là nhóm dân số rất dễ bị tổn thương và là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Năm ngoái, Chỉ số rủi ro khí hậu dành cho trẻ em của UNICEF ước tính, 400 triệu trẻ em hiện đang phải đối mặt với các cơn bão.
Trong 3 năm thí điểm đầu tiên, sáng kiến này sẽ tập trung vào Bangladesh, Comoros, Haiti, Fiji, Madagascar, Mozambique, Quần đảo Solomon và Vanuatu. UNICEF đang huy động 30 triệu USD cho sáng kiến này và kêu gọi thêm các đối tác công và tư phối hợp tham gia để thu hẹp khoảng cách tài chính nhân đạo ngày càng tăng đối với việc bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên sau thảm họa.
Mặc dù, thiệt hại do thời tiết cực đoan kéo dài và làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói qua các thế hệ, các cơ chế chuyển giao rủi ro hiện tại không đáp ứng được nhu cầu cụ thể của hàng trăm triệu trẻ em và thanh thiếu niên.
Sáng kiến “Hôm nay và Ngày mai” là cơ chế tài trợ rủi ro thiên tai khí hậu được sắp xếp trước và dựa trên hiện tượng nhằm hướng đến “khoảng cách bảo vệ trẻ em”, với sự hỗ trợ đầy đủ cho tương lai, được bảo đảm bởi chính phủ Đức và Vương quốc Anh.
Bảo vệ trẻ em khỏi sự tàn phá của khí hậu
Sáng kiến “Hôm nay và Ngày mai” được đưa ra trong bối cảnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm V20 gồm 58 quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu vừa khởi động sáng kiến “Lá chắn toàn cầu” nhằm chống lại rủi ro khí hậu.
Giám đốc Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức, Heike Henn kỳ vọng sáng kiến của UNICEF sẽ mang lại hiệu quả trong lĩnh vực chia sẻ kiến thức và nâng cao hiểu biết về các công cụ tài trợ rủi ro; cải thiện khả năng phục hồi của các tổ chức phát triển; giúp thu hẹp khoảng cách bảo vệ rủi ro thiên tai, đặc biệt là đối với bà mẹ và trẻ em.
Bộ trưởng Phát triển và phụ trách vấn đề Châu Phi của Vương quốc Anh, Andrew Mitchell ủng hộ mạnh mẽ việc mang lại nguồn tài chính được sắp xếp trước cho lĩnh vực nhân đạo, bao gồm cả khoản tài trợ mới này cho UNICEF để bảo vệ 15 triệu trẻ em, thanh niên và gia đình của họ trên khắp Châu Phi, Caribe, Châu Á và Thái Bình Dương và phản ứng nhanh chóng với sự tấn công của các cơn bão.
Theo UNICEF, bão và các thảm họa do bão gây ra, chẳng hạn như lũ lụt và lở đất, là loại thảm họa phát triển nhanh nhất do ảnh hưởng của khí hậu và là nguyên nhân chính gây ra tổn thất và thiệt hại toàn cầu. Nghiên cứu của UNICEF cho thấy, các khoản đầu tư nhằm giảm mức độ phơi nhiễm và tác động tiêu cực từ bão và các mối nguy hiểm khác có thể làm giảm đáng kể rủi ro khí hậu chung cho hàng triệu trẻ em.
Theo ông Simon Young, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Khí hậu và Khả năng phục hồi tại công ty tư vấn bảo hiểm quốc tế WTW, đơn vị xây dựng giải pháp bảo hiểm đánh giá, UNICEF là tổ chức đầu tiên của Liên Hợp Quốc, đồng thời là một trong những tổ chức nhân đạo lớn nhất trên toàn thế giới, thực hiện bảo hiểm rủi ro thiên tai theo yêu cầu để bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên và cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ.
Cùng với việc hối thúc các chính phủ và các doanh nghiệp lớn nhanh chóng giảm lượng khí thải, UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động ngay lập tức để bảo vệ trẻ em khỏi sự tàn phá của khí hậu bằng cách điều chỉnh các dịch vụ xã hội quan trọng liên quan đến trẻ.
UNICEF cũng kêu gọi các bên tìm kiếm các giải pháp nhằm hỗ trợ những người đang đối mặt với tổn thất và thiệt hại vượt quá giới hạn mà cộng đồng có thể thích nghi.