Từ chuyện bảo vệ cây…
Trong bộn bề của cuộc sống hiện đại, khi mà không ít người bị cuốn theo thế giới ảo, vẫn có chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khoa học, nhà quản lý đang lặn lội tìm tòi, thẩm định và gìn giữ những “di sản xanh” của đất nước.
Hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện vào tháng 3/2010, mặc dù, thời gian chưa phải là dài, chỉ với 8 năm đã có 2. 793 cây, thuộc 122 loài thực vật ở 53 tỉnh, thành phố của nước ta được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Từ mọi vừng miền của tổ quốc (Hà Giang, Cao Bằng), vùng cao Phan Xi Păng (Lào Cai) đến vùng cực Nam Côn Đảo; từ Tây Nguyên (Đắk Lắk) ra tới quần đảo Trường Sa đều có Cây Di sản Việt Nam. Khơi dậy và phát huy truyền thống tốt đẹp của người Việt trong việc bảo vệ thiên nhiên môi trường: Những cây cổ thụ đã trải qua bao thăng trầm lịch sử nơi gắn liền với các hoạt động truyền thống mang ý nghĩa văn hóa tâm linh của cả cộng đồng dân tộc Việt, là món quà thiên nhiên ban tặng cho dải đất hình chữ “ S” với sự đa dạng của các loại gen cây quý trong hệ sinh thái đa dạng và phong phú.
Để một cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản. Hội đồng Cây Di sản việt Nam gồm các nhà chuyên môn có liên quan trong lĩnh vực sinh học, lâm học, bảo vệ thực vật. Các thành viên của Hội đồng luôn đặt tôn chỉ khảo sát thẩm định tuổi và các thông tin về cây, bên cạnh đó còn tích cực tuyên truyền quảng bá về ý nghĩa, những chứng tích lịch sử, thông qua bảo tồn Cây Di sản Việt Nam: là cầu nối tình đoàn kết giữa con người với nhau, cùng bảo tồn những giá trị tốt đẹp.
Bảo vệ gìn giữ, chăm sóc cây cổ thụ, Cây Di sản Việt Nam ngoài những có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa đây còn là điểm đến cho khách thập phương, là phòng thí nghiệm sinh động cho hoạt động nghiên cứu khoa học, nơi giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương Tổ quốc Việt Nam. Bảo vệ được cây là do nhân dân.
Nhân dân thấy rõ giá trị vật chất và phi vật chất, gắn với tâm linh làng xã, gắn với anh hùng giữ nước nên họ xem cây là thành hoàng sống, mang phúc lại cho làng. Cây di sản là nhân chứng sinh thái và nhân chứng lịch sử của một vùng đất, không những mang giá trị văn hóa, tâm linh, giáo dục ý thức của nhân dân, cộng đồng mà còn mang lại giá trị kinh tế và chủ nhân của cây đó sẽ được hưởng một phần phí du lịch khi du khách đến chiêm ngưỡng.
…Nhìn sang mảng xanh đô thị
Cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam dù ở đâu cũng đều là "máu” là "thịt”, là món quà thiên nhiên ban tặng, là sự chăm chút, nâng niu của các thế hệ cha ông. Giữ gìn vẻ đẹp của cây di sản nói riêng và cây xanh nói chung là thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, bảo vệ sự sống của nhân loại
Thực tế, từ nhiều năm nay, cụm từ “bảo tồn di sản”, “di sản văn hóa”, “di sản đô thị”… đã phổ biến trong xã hội. Ai cũng biết bảo tồn di sản chính là gìn giữ mối liên hệ giữa quá khứ và tương lai thông qua những “vật chứng” như các di tích, di vật, lễ hội… thông qua ký ức lịch sử mà thế hệ trước di truyền cho thế hệ sau. Những “vật chứng” nếu thiếu đi cảm xúc của ký ức con người, chỉ là những kiến trúc những sự kiện vô hồn; nhưng ký ức con người cũng cần sự tồn tại của “vật chứng” để bám rễ vào đó tạo nên sức sống lan truyền giá trị và tình yêu đối với di sản văn hóa. Cây xanh trong đô thị cũng là một phần của di sản đô thị văn hóa bởi lợi ích mà nó mang lại cho con người tuy vô hình nhưng không hề vô giá trị.
Cây xanh đô thị gắn liền với các tuyến phố tạo mảng xanh giữa những gạch đá, bê tông, thép kính, được coi như “lá phổi xanh” điều hòa không khí, tạo sự trong lành và tươi mát cho không gian hạn hẹp của đô thị. Sự sinh động muôn màu sắc hình dáng của cây xanh tạo nên vẻ đẹp tự nhiên mà không bàn tay con người nào có thể làm được. Một thành phố đẹp có thể nào thiếu cây xanh, công viên, thiếu mùa lá đâm chồi nảy lộc, thiếu mùa lá rụng như níu bước chân người qua?
Mỗi thành phố, vô tình hay hữu ý, có loại cây đặc trưng riêng, như Hải Phòng “thành phố hoa phượng đỏ”, Hà Nội “mùa hoa sữa”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít bay bay”… Trải qua thời gian, môi trường biến đổi, đô thị phát triển, cây xanh trong thành phố trở thành chứng nhân của sự thay đổi ấy.
Thế nhưng soi chiếu vào bức tranh đô thị Việt Nam, có một thực tế, từ năm 1990 trở lại đây, việc trồng cây ở đô thị trở nên lộn xộn và nhiều khiếm khuyết. Cứ nhìn vào các khu đô thị (KĐT) mới sẽ thấy, chủ đầu tư khoe mô hình thiết kế với những mảng cây xanh ngăn ngắt, vậy mà khi hoàn thành xây dựng chỉ có vài cây sơ sài. Thậm chí, ở thời buổi "tấc đất tấc vàng", nhiều nhà đầu tư cố tình bỏ quên việc tạo mảng xanh, trồng nhiều cây cho KĐT, mà chỉ chăm chăm chồng lên cho thật cao tầng những chung cư vô hồn, nặng trịch. Có chăng, một số nơi dành chút ít chi phí cho trồng cây xanh, cũng tùy hứng, thích gì trồng nấy, thiếu sự nghiên cứu và quy hoạch cần thiết. Phải chăng tư duy ăn xổi, hay sự chi phối của "nhóm lợi ích" trong đầu tư, cho nên quy hoạch đô thị giờ được gói ghém trong việc làm sao gia tăng giá trị sử dụng đất cao nhất thay vì chú trọng đến chiều sâu của việc nâng cao chất lượng sống? Những câu chuyện lựa chọn xây mới bất luận phải phá bỏ không gian xanh đã đi vào tâm thức của người dân tại không ít đô thị, đã trở thành những tiếng thở dài của người dân mà chưa được hồi đáp. Nỗi lo thiếu cây xanh trong đô thị từ lâu đã lớn hơn lời cảnh báo.
Một đô thị phát triển không thể thiếu đường giao thông hiện đại, thiếu nhà cao tầng, thiếu những công trình đồ sộ. Nhưng một đô thị hiện đại văn minh cũng không thể vắng thiên nhiên mà cây xanh là yếu tố quan trọng nhất.
Cần ứng xử với cây xanh như với "di sản và ký ức" của một đất nước.