Thời sự

Ứng phó với sự cố, thiên tai: Tăng cường phối hợp trong chuẩn bị, xử lý và khắc phục

Mai Đan 07/08/2023 - 18:29

(TN&MT) - Chiều 7/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị thường trực Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn những tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023.

img_1240.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị

Không để bị động bất ngờ trong ứng phó sự cố, thiên tai

Những tháng đầu năm 2023, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan, đặc biệt là nắng nóng, mưa lũ, sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày 5/8/2023, trên cả nước xảy ra: 1.753 sự cố, thiên tai (1 áp thấp nhiệt đới, 2 cơn bão, 47 trận mưa lớn, ngập lụt, sụt lún, sạt lở đất, đá; 208 trận giông lốc và mưa đá; 27 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển; 151 trận động đất và 321 vụ sạt lở bờ sông) làm chết 267 người; mất tích 78 người; bị thương 291 người; chìm, cháy, hỏng 302 phương tiện; cháy 628 nhà xưởng và 1.176 ha rừng; sập đổ, tốc mái 9.075 nhà; hư hại 45.536 ha lúa và hoa màu...

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn (Ủy ban) đã chỉ đạo ban hành 52 công điện chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai bất thường Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn của các bộ, ngành, địa phương duy trì nghiêm chế độ ứng trực 24/24 giờ, chủ động nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống xảy ra.

img_1230.jpg
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn phát biểu tại hội nghị

Toàn quốc huy động 53.490 lượt người và 3.633 lượt phương tiện các loại để ứng phó, khắc phục với 1.753 vụ, cứu được 1.595 người và 178 phương tiện, hướng dẫn và di dời 747 hộ dân với 3.011 người tới nơi an toàn, thông báo hướng dẫn cho 103.898 phương tiện và 754.909 người biết thông tin của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời phòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Để chủ động ứng phó, khắc phục hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong những tháng cuối năm, Ủy ban tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương duy trì nghiêm lực lượng ứng trực 24/24h, nắm chắc tình hình chủ động ứng phó, khắc phục, xử lý các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả không để bị động bất ngờ; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.

img_1211.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội nghị

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật về công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó trọng tâm triển khai Luật Phòng thủ dân sự; triển khai thực hiện Đề án phát triển nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 ở các cấp bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn các tổ chức, Ban chỉ đạo, Ủy ban theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự; tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhằm nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cơ quan chỉ huy và các lực lực lượng…

Rà soát điểm có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo di dời

Báo cáo tình hình thiên tai 7 tháng đầu năm 2023, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT cho biết: Bão xuất hiện muộn và ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN), đến nửa cuối tháng 7 năm 2023 mới xuất hiện cơn bão đầu tiên trên Biển Đông. Nắng nóng xuất hiện nhiều và gay gắt hơn, từ tháng 1-7/2023, cả nước đã xuất hiện 16 đợt nắng nóng trên diện rộng (nhiều hơn so với TBNN), với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến từ 35-38 độ C. Trong khi đó, mưa nhiều ở Tây Nguyên và Nam Bộ, ít mưa ở Bắc Bộ.

Đáng chú ý, trong thời gian qua, đã xảy ra một số thiên tai sạt lở đất đá ở khu vực Tây Nguyên, Bắc Bộ. Qua đánh giá số liệu mưa cho thấy vụ sạt lở đất ở Phường 10, Thành phố Đà Lạt, lượng mưa tích lũy 12 giờ trước khi xảy ra sạt lở khoảng 50mm; vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, lượng mưa 12h trước đó đạt 170mm; vụ sạt lở đất, đá ở quốc lộ 6 Mai Châu, Hòa Bình ngày 4/8, lượng mưa 12 giờ trước đó dưới 10mm. Lượng mưa tích lũy trước khi xảy ra sạt lở là tương đối khác biệt giữa các khu vực, có nơi dù lượng mưa không đáng kể những vẫn xảy ra sạt lở đất đá.

img_1195.jpg
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia báo cáo tại hội nghị

Ông Mai Văn Khiêm cho biết: Từ năm 2022, Việt Nam đã tiếp nhận Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á. Đây là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và được tích hợp một lượng lớn nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.

Về cảnh báo, dự báo lượng mưa hiện nay, Tổng cục KTTV đã tổ chức thực hiện với độ chi tiết đến từng các ô 1 x 1 km với những trang thiết bị quan sát tự động và cảnh báo kịp thời. Tổng cục KTTV đã thực hiện cảnh báo chi tiết hóa tới các xã hoặc các điểm đối với các tỉnh đã có điều tra xác định điểm nóng về lũ quét, sạt lở đất.

Hiện nay các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương đã có những tài liệu, bản đồ về các điểm nguy cơ sạt lở cao tại địa phương. Ông Mai Văn Khiêm cho rằng giải pháp để hạn chế thiệt hại là lực lượng thanh niên xung kích phòng chống thiên tai địa phương thường xuyên thực hiện rà soát những điểm đã xác định nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất trước những trận mưa lớn để có thể cảnh báo cho người dân di dời nếu cần thiết.

Đa dạng hóa các loại hình thông tin cảnh báo thiên tai

Theo một số ý kiến tại cuộc họp, mặc dù công tác tuyên truyền được quan tâm, song nhận thức của một số chính quyền cơ sở, địa phương và người dân còn chủ quan; thiệt hại do sự cố, thiên tai còn lớn, nhất là thiệt hại về tính mạng của người dân khi xảy ra sự cố, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất... Một số đại biểu cho rằng, trang thiết bị và năng lực ứng phó cứu hộ, cứu nạn còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế khi thiên tai xảy ra, do vậy cần đầu tư bổ sung; đồng thời đa dạng hóa các loại hình thông tin cảnh báo thiên tai đến người dân và chính quyền địa phương.

Nêu thực tế sạt lở xảy ra tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, mưa chỉ là một trong những yếu tố kích hoạt sạt lở đất, tuy nhiên nếu có phát hiện, cảnh báo sớm sẽ góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo Thứ trưởng, mưa diễn ra trên diện rộng hàng chục cây số vuông nhưng sạt lở đất chỉ xảy ra cục bộ ở những nơi có nguy cơ cao, vì vậy việc theo dõi phát hiện của nhân dân cũng như các lực lượng tại chỗ là hết sức quan trọng. Người dân cũng như các lực lượng ở địa phương đã có kinh nghiệm khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của thiên tai có thể tránh được thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người. Bộ TN&MT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức nâng cao nhận thức người dân và cơ sở thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ trưởng Lê Công Thành hy vọng trong thời gian tới khi triển khai Luật Phòng thủ dân sự, chúng ta sẽ có lực lượng phòng thủ dân sự tại địa phương. Đây là lực lượng sẽ được tổ chức đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn để có thể cùng với nhân dân và các cơ quan trên địa bàn theo dõi, giám sát các dấu hiệu thiên tai, trong đó có sạt lở đất, để có thể cảnh báo sớm, tránh những thiệt hại về người và tài sản.

Thứ trưởng cho biết, với sự xuất hiện của hiện tượng El Nino, cuối năm nay và đầu năm sau, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể xảy ra tương đối mạnh. Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục KTTV triển khai công tác dự báo, cảnh báo sớm để cập nhật thông tin kịp thời, giảm thiểu thiệt hại tối đa cho bà con.

Tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn cho rằng thông tin dự báo khá đầy đủ nhưng dự báo chính xác thì rất khó, vì vậy công tác tuyên truyền vận động bà con thực hiện theo các phương án cũng gặp khó khăn. Về lâu dài, phải tập trung đưa người dân ra khu vực nguy cơ cao đến nơi an toàn, tổng rà soát các hộ dân sinh sống ở những khu vực nguy cơ cao và kiên quyết di dời đến nơi an toàn.

img_1146.jpg
Quang cảnh hội nghị

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban trong những tháng cuối năm.

Nhấn mạnh thông tin cảnh báo sớm là rất quan trọng, Phó Thủ tướng đề nghị quan trọng nhất là công tác dự báo, phải kịp thời và chuẩn xác. Trong bối cảnh thiên tai từ nay đến cuối năm còn khó lường, Phó Thủ tướng cho rằng ứng phó thiên tai phải cảnh giác hơn, các Bộ ngành và địa phương phải rà soát lại các nhiệm vụ của mình để bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tế trong ứng phó thiên tai. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các lực lượng ở đây vẫn là khâu yếu nhất, cho nên cần phối hợp ngay trong việc chuẩn bị và tham gia xử lý sự cố để giảm bớt các tác động của thiên tai và ngay cả trong việc khắc phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với sự cố, thiên tai: Tăng cường phối hợp trong chuẩn bị, xử lý và khắc phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO