Thế giới

Ứng phó với khủng hoảng khí hậu: Cần hành động bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Mai Đan 22/11/2023 - 17:35

(TN&MT) - Ngày 21/11, các cơ quan của Liên hợp quốc đã đưa ra lời kêu gọi hành động khẩn cấp, nhấn mạnh những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe mà phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em phải đối mặt do thảm họa khí hậu ngày càng tồi tệ.

Liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em khỏi tác động của biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đều nhấn mạnh đến việc bỏ bê, báo cáo thiếu và đánh giá thấp các sự kiện khí hậu ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Các cơ quan này cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc lồng ghép sức khỏe bà mẹ và trẻ em vào các kế hoạch quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay còn một số vướng mắc trong việc giải quyết các nhu cầu của phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em về biến đổi khí hậu ở nhiều quốc gia.

Hành động vì khí hậu ngay lúc này

Tiến sĩ Bruce Aylward, Trợ lý Tổng Giám đốc về Bảo hiểm Y tế Toàn cầu của WHO cảnh báo: “Biến đổi khí hậu đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với tất cả chúng ta, nhưng phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em phải đối mặt với một số hậu quả nghiêm trọng nhất”.

image1170x530cropped-14-.jpg
Bà mẹ chăm sóc con tại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh ở Mbeya, Tanzania. Ảnh: UNICEF

Theo ông, tương lai của trẻ em cần được bảo vệ một cách có ý thức, có nghĩa là phải hành động vì khí hậu ngay bây giờ vì sức khỏe và sự sống còn của trẻ, đồng thời đảm bảo các nhu cầu đặc biệt của trẻ được ghi nhận trong ứng phó với khí hậu.

Lời kêu gọi hành động nêu ra 7 biện pháp khẩn cấp, bao gồm giảm thiểu phát thải khí nhà kính một cách bền vững, các hành động tài chính về khí hậu và đưa các nhu cầu cụ thể của phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em vào các chính sách.

Trong một năm được đánh dấu bằng những thảm họa khí hậu tàn khốc, bao gồm cháy rừng, lũ lụt, nắng nóng và hạn hán, những tác động đối với phụ nữ mang thai và trẻ em là rất nặng nề. Nhiệt độ tăng cao trên toàn cầu cũng làm tăng khả năng lây lan các căn bệnh chết người, đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và trẻ em.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tác hại có thể bắt đầu từ trong bụng mẹ, dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau cho cả mẹ và con, để lại hậu quả kéo dài suốt đời.

Đặt trẻ em vào trung tâm hành động khẩn cấp về khí hậu

Ông Omar Abdi, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của cơ thể và tâm trí trẻ em trước ô nhiễm, bệnh tật và thời tiết khắc nghiệt.

“Cuộc khủng hoảng khí hậu đang gây nguy hiểm cho quyền cơ bản của mọi trẻ em về sức khỏe và phúc lợi. Trách nhiệm chung của chúng ta là lắng nghe và đặt trẻ em vào trung tâm của hành động khẩn cấp về khí hậu, bắt đầu từ COP28. Đây là thời điểm cuối cùng để đưa trẻ em vào chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu”, ông nói.

image1170x530cropped-15-.jpg
Biến đổi khí hậu dẫn đến lượng mưa lớn hơn, khiến cộng đồng có nguy cơ bị lũ lụt

Bà Diane Keita, Phó Giám đốc Điều hành Chương trình tại UNFPA cũng nhấn mạnh nhu cầu sức khỏe đặc biệt của phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời thúc giục các giải pháp phù hợp. Theo bà, để tìm ra các giải pháp khí hậu thừa nhận nhu cầu sức khỏe riêng biệt và tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta phải bắt đầu bằng cách đặt vấn đề phù hợp… các giải pháp khí hậu toàn cầu phải hỗ trợ - chứ không phải hy sinh - bình đẳng giới.

Lời kêu gọi hành động của các cơ quan của Liên hợp quốc được đưa ra trước Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28), sẽ diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 tới tại thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Trước đó, Liên hợp quốc cũng đưa ra hàng loạt lời kêu gọi khác liên quan đến biến đổi khí hậu.

Cụ thể, người đứng đầu Liên hợp quốc hối thúc đẩy nhanh mốc thời gian đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” để các nước phát triển đạt được mục tiêu này sớm nhất vào năm 2040 và các nền kinh tế đang nổi đạt được sớm nhất vào năm 2050. Ông cũng ủng hộ việc tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, bên cạnh việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước phát triển lấy lại niềm tin bằng cách thực hiện các cam kết tài chính và theo ông, để hành động hiệu quả, các quốc gia phải hợp tác để đảm bảo tài chính và hỗ trợ thiết yếu.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với khủng hoảng khí hậu: Cần hành động bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO