Môi trường

Ứng phó mưa lớn và bão số 5: Thừa Thiên – Huế di dời hơn 2.000 người

Văn Dinh 19/10/2023 - 09:17

(TN&MT) - Trước diễn biến phức tạp của bão số 5 và mưa lũ những ngày qua, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã lên phương án di dời dân đến nơi an toàn.

Cụ thể ở 11 xã, thị trấn tại huyện Quảng Điền, lực lượng chức năng lên kế hoạch di dời 818 hộ với 1.926 khẩu đến nơi an toàn; trong đó, sơ tán đến nhà hàng xóm kiên cố 757 hội với 1.722 khẩu và sơ tán đến các khu vực tập trung 61 hộ với 204 khẩu. Các xã phải di dời trên 100 hộ có Quảng An, Quảng Lợi, Quảng Vinh, thị trấn Sịa.

Huyện Quảng Điền lâu nay được xem là “rốn lũ” của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong mỗi mùa bão lũ. Những ngày qua, nhiều thôn, xã ở địa phương này đều ngập. Ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền yêu cầu các cấp, các ngành rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực dễ sạt lở, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy hải sản, khu vực có nguy cơ ngập lụt sâu, nước chảy mạnh (ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu…); triển khai phương án ứng phó mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.

a.jpg
Nhiều nơi ở Thừa Thiên – Huế vẫn đang ngập do mưa lớn

Hiện, huyện Quảng Điền đã bố trí lực lượng phương tiện và 110 người sẵn sàng ứng phó các địa bàn xung yếu, hỗ trợ giúp dân. Đồng thời, dự trữ 60 tấn gạo, 10.000 gói mì ăn liền; xăng, dầu… phục vụ chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; UBND các xã, thị trấn đã dự trữ mỗi đơn vị 1 tấn gạo, 5.000 gói mì ăn liền và các vật tư, thiết bị cần thiết khác.

Trong khi đó, các địa phương khác trong tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn.

Còn tại huyện A Lưới, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện A Lưới cho biết, trên địa bàn huyện đã có mưa lớn kéo dài gây sạt lở đường, bồi lấp ruộng, cuốn trôi nhiều gia súc, gia cầm.

Theo đó, mưa gây sạt lở khoảng 6.300 m3 đất đá xuống tuyến đường Hồ Chí Minh tại Km 392 + 100 thuộc thôn Mu Rú Ta Rá, xã Hương Nguyên, trên chiều dài khoảng 60 m. Hiện tại, UBND huyện A Lưới đang triển khai công tác khắc phục, thu dọn hiện trường; chốt chặn, đặt biển cảnh báo và thông báo người dân tạm thời không lưu thông trên tuyên đường này.

Tại xã A Roàng, nhiều khu vực bị sạt trượt đã bồi lấp hơn 4,7 ha ruộng (thiệt hại trên 70%); cuốn trôi 18 con gia súc và nhiều gia cầm của người dân. Chính quyền địa phương cũng đã di dời 2 hộ dân với 11 nhân khẩu vùng có nguy cơ sạt lở đất tại thôn Achi - Hương Sơn, xã A Roàng đến nơi an toàn.

z4793599707369_b076492fa1bdbf09ef0c04671b83501e.jpg
Sạt lở tại huyện A Lưới

Trước đó, mưa lũ cũng làm đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã A Roàng bị sạt lở nghiêm trọng tại Km 392, làm ách tắc giao thông hướng Thừa Thiên - Huế đi Quảng Nam. Lực lượng chức năng đã và đang triển khai phương án thu dọn đất đá, khắc phục sạt lở. Đồng thời, thông báo đến công an huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam để hướng dẫn người dân tạm thời không lưu thông trên tuyến.

Tại huyện Phong Điền, đường dây Trung thế tại Khu Công nghiệp Phong Điền do sạt lở dòng chảy dẫn đến xói mòn và đổ cột, gây sự cố mất điện trên diện rộng. Hiện, Điện lực Phong Điền đang phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra và có phương án khắc phục…

Để ứng phó với mưa lớn và bão số 5, tất cả tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế gồm 2.062 phương tiện với 11.350 lao động trên biển đã vào bờ an toàn.

z4796073236438_12e0c6609af6303b8ce2376c4e98e3bd.jpg
Đập Đá – TP. Huế đã bị tràn trong ngày 18/10

Học sinh vùng ngập lụt tiếp tục nghỉ học

Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đã có công văn gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cho học sinh đi học vào ngày 19/10.

Riêng đối với vùng còn ngập lụt, tập trung ở vùng hạ lưu các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, TP. Huế…, các trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Khi nước rút, các trường tiến hành vệ sinh trường lớp và tổ chức đón học sinh trở lại học bình thường, đảm bảo các điều kiện an toàn cho học sinh.

Sở GD&ĐT cũng lưu ý giáo viên phải dặn dò học sinh tuyệt đối không đến những nơi như sông, suối, ao, hồ và những nơi có nguy cơ sạt lở nguy hiểm do thay đổi địa hình sau lũ…

Hiện nay, các hồ chứa lớn đang vận hành an toàn, hồ Tả Trạch, Bình Điền đang điều tiết cắt giảm lũ cho hạ du sông Hương; thủy điện Hương Điền đã vận hành giảm lũ cho vùng hạ du sông Bồ.

img-1603.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế kiểm tra tình hình mưa lũ, bão

Tại cuộc họp ứng phó với tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh vào chiều 18/10, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo các lực lượng công an, quan đội cần có phương án sẵn sàng trong ứng phó mưa lũ khi tỉnh yêu cầu; chính quyền địa phương các cấp cần kiểm tra công tác di dời dân đến nơi an toàn, nhất là các vùng tấp trũng, vùng xung yếu có nguy cơ ngập lũ, sạt lở cao của Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà, A Lưới, Phú Lộc.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cũng lưu ý, ngành y tế cần sẵn sàng phương tiện, cơ sở vật chất ứng trực 24/24 để xử lý khẩn cấp các tình huống xảy ra. Triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Hiện tại theo ghi nhận của PV, nhiều địa phương vùng hạ du ở huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc và một số tuyến đường thấp trũng ở TP. Huế đang tiếp tục bị ngập lụt diện rộng, nhiều nơi bị chia cắt, người dân buộc di chuyển bằng thuyền. Riêng tại TP. Huế, người dân phải đưa xe ô tô lên các vùng cao, các cầu vượt để đảm bảo an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó mưa lớn và bão số 5: Thừa Thiên – Huế di dời hơn 2.000 người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO