Ứng dụng thông minh công nghệ 4.0 giúp ngành báo chí phát triển mạnh

Mai Đan| 20/11/2019 14:51

(TN&MT) - Báo chí Việt Nam đã khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước, đưa Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ thế giới. Trong mọi lĩnh vực, trong đó có báo chí, sự phát triển bắt buộc phải đi song hành cùng với tinh thần đổi mới sáng tạo, sức mạnh trí tuệ và làm chủ công nghệ.

Xoay quanh nội dung này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Triều Dương – Trưởng phòng Kinh doanh Trung tâm công nghệ thông tin của Tổng công ty Viễn thông MobiFone về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong báo chí.

Ông Đặng Triều Dương – Trưởng phòng Kinh doanh Trung tâm công nghệ thông tin của Tổng công ty Viễn thông MobiFone

PV: Xin ông cho biết, để phát triển ngành báo chí Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ 4.0 có vai trò quan trọng như thế nào?

Ông Đặng Triều Dương: Ngày nay, báo điện tử đang ngày càng chiếm tỉ trọng lớn hơn so với báo in, song song với sự phát triển của số lượng thiết bị di động trong toàn xã hội, cũng như nhu cầu cập nhật thông tin mọi lúc mọi nơi, chính vì vậy việc ứng dụng công nghệ 4.0 là điều tất yếu mà các báo cần chú trọng trong thời gian tới.

PV: Ông có thể kể tên các công nghệ 4.0 đã và đang áp dụng trong ngành báo chí Việt Nam? Liệu những công nghệ này có phù hợp với tất cả các cơ quan báo chí trong nước hay mỗi công nghệ sẽ có những đặc tính riêng và chỉ có thể áp dụng với từng cơ quan cụ thể?

Ông Đặng Triều Dương: Công nghệ 4.0 xoay quanh các chủ đề về IoT, AI, Big Data. Các công nghệ này đều có thể hỗ trợ cho việc làm báo. Tại Việt Nam, tôi đã thấy một số báo ứng dụng công nghệ Big Data kết hợp với AI trong việc cá nhân hóa nội dung khách hàng; chẳng hạn như, người thích thể thao thì vào trang báo sẽ hiển thị nhiều hơn các thông tin liên quan tới thể thao ở một số vị trí dễ nhìn.

Ngoài ra, một số tờ báo đã ứng dụng công nghệ báo nói trên trang chủ của mình, hỗ trợ cho độc giả có thêm một kênh tiếp cận tin tức (nghe, thay vì phải đọc). Trong tương lai, các báo có thể kết hợp với những đơn vị công nghệ để ứng dụng cả IoT (internet of things) – ví dụ như một chiếc Loa nhỏ gọn, có thể phát tin tức theo yêu cầu bằng giọng nói của chủ nhân, tìm kiếm và đọc một bản tin bất kỳ của tòa báo đó theo yêu cầu.

Rộng hơn, trên thế giới cũng đã áp dụng những công nghệ mới như thực tế ảo (VR), hỗ trợ người đọc thông tin tường thuật trực tiếp đa chiều như đang đứng tại hiện trường; hoặc công nghệ Robot báo chí, tự động thu thập thông tin từ các sự kiện thể thao hay thị trường chứng khoán để viết bài mà không cần tác động của con người. Những công nghệ này sẽ dần có ở Việt Nam trong thời gian tới.

Các công nghệ này đều có thể được tùy biến phục vụ riêng cho báo chí do đó mọi báo đều có thể ứng dụng được. Tùy theo năng lực ứng dụng công nghệ cũng như nguồn kinh phí của các báo mà sẽ quyết định lựa chọn công nghệ nào triển khai trước, công nghệ nào triển khai sau.

Ứng dụng thông minh công nghệ 4.0 giúp ngành báo chí phát triển mạnh (Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN)

PV: Trong số các công nghệ trên, theo ông, công nghệ nào có nhiều ưu điểm nhất và áp dụng được ở đa số các cơ quan báo chí?

Ông Đặng Triều Dương: Theo tôi, trước mắt các cơ quan báo chí có thể ứng dụng công nghệ báo nói (AI text to speech) ngay cho mình vì tính sẵn sàng cũng như tính dễ triển khai và chi phí hợp lý. Ví dụ, sản phẩm báo nói của MobiFone chỉ cần hai ngày chuẩn bị của đội ngũ kỹ thuật là có thể có ngay công nghệ báo nói trên trang chủ. MobiFone đang hỗ trợ sáu tháng miễn phí cho các báo để thử nghiệm áp dụng công nghệ này.

PV: Thực tế cho thấy, không phải tất cả các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay đều áp dụng các công nghệ số như ông nêu ở trên. Vậy theo ông, việc áp dụng công nghệ số trong ngành báo chí Việt Nam có phải là yếu tố bắt buộc và tiên quyết để giúp ngành báo chí vươn xa hơn trên bản đồ thế giới?

Ông Đặng Triều Dương: Chắc chắn đây là yếu tố tiên quyết sống còn của các báo trong thời đại bùng nổ về công nghệ. Báo nào ứng dụng công nghệ chậm sẽ đồng nghĩa với việc mất độc giả vì độc giả chuyển qua lựa chọn các báo có công nghệ tốt hơn. Trong thời đại hiện nay, quan trọng nhất là tin tức phải nhanh, phải chính xác, phải cuốn hút, phải tương tác, mà công nghệ sẽ hỗ trợ đắc lực cho các yếu tố này.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng thông minh công nghệ 4.0 giúp ngành báo chí phát triển mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO