Nâng cao năng lực ứng phó
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 9.300km đê, trong đó, trên 2.700km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Những năm qua, việc áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý đê điều đã được các bộ ngành quan tâm, chú trọng triển khai.
Cụ thể, từ năm 2008 đến nay, cả nước đã tiến hành nâng cấp được 395km đê bằng kỹ thuật khoan phụt vữa gia cố thân đê. Xây dựng kè chữ T chắn sóng, gây bồi tạo bãi bảo vệ đê biển huyện Hải Hậu (Nam Định). Tạo bãi bằng cấu kiện bê tông lắp ghép bảo vệ đê biển 6, huyện Tiền Hải (Thái Bình). Gia cố mái đê bằng ô ngăn hình mạng Neowed cho đê tả Đuống, huyện Gia Lâm (Hà Nội)…
Đến nay, Bộ NN&PTNT đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu WebGIS về đê điều của 19 tỉnh, TP (bao gồm cả Hà Nội), góp phần cung cấp đầy đủ thông tin về các tuyến đê, kè cống, kho bãi vật tư và các công trình phụ trợ. Việc theo dõi diễn biến lòng dẫn qua đo vẽ mặt cắt ngang cố định đã được thực hiện trên hệ thống sông có đê gồm: Sông Hồng – sông Thái Bình (649 mặt cắt), sông Mã (128 mặt cắt), sông Cả (72 mặt cắt). Qua đó, mang tới góc nhìn toàn diện, làm cơ sở đề xuất khắc phục những tác động bất lợi đối với lòng sông… Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với các địa phương lắp đặt hệ thống camera giám sát vị trí trọng điểm đê điều xung yếu. Đến nay, đã lắp đặt được 15 camera trên các tuyến sông: Hồng, Lô, Đuống, Thương, Trà Lý, Mã…
Bên cạnh các giải pháp khoa học công nghệ kể trên, tổ hợp phương pháp địa vật lý đang được sử dụng rộng rãi để phát hiện ẩn họa trong đê. Đê di động, bao tải cỡ lớn và một số vật liệu mới cũng đang được sử dụng phổ biến để gia cố đê điều… Việc triển khai đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ nêu trên đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực ứng phó thiên tai cho các tuyến đê.
Đồng bộ các giải pháp
Việc hiện đại hóa công tác quản lý đê điều đang cho thấy những hiệu quả tích cực. Dù vậy, quản lý đê điều vẫn chưa hết khó, và an toàn đê điều vẫn là mối lo lớn, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai diễn biến ngày một bất thường.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Vũ Xuân Thành cho biết, các bộ ngành đã xây dựng được 35 tiêu chuẩn kỹ thuật về đê điều - thủy lợi, nhưng tiêu chuẩn riêng cho đê điều vẫn còn ít. Việt Nam hiện cũng chưa có công cụ hữu hiệu hỗ trợ theo dõi, tham mưu công tác chỉ đạo điều hành phòng chống lũ. Trong khi đó, ảnh hưởng từ hoạt động khai thác cát trên sông, chỉnh trị lòng sông chưa được nghiên cứu đầy đủ… Đây là những rào cản lớn đối với công tác quản lý, bảo vệ đê điều hiện nay.
Trước những thách thức trên, việc tiếp tục nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý, giám sát an toàn đê điều được xem là giải pháp hữu hiệu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, trong thời gian tới, các bộ ngành cần tiếp tục phát triển hệ thống hỗ trợ ra quyết định ứng dụng kỹ nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo, viễn thám, lưu trữ đám mây, thiết bị bay không người lái (Flycam)… Nghiên cứu chỉnh trị sông tổng hợp để có giải pháp tăng khả năng thoát lũ cho các sông lớn. Đồng thời, xây dựng bộ công cụ (kịch bản, dự báo tác động, phương án ứng phó…) trong trường hợp xảy ra lũ khẩn cấp, lũ cực lớn trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình.
"Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý đê điều cần nguồn lực lớn, bao gồm cả tri thức lẫn tài chính. Do đó, các bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu, có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia của các thành phần xã hội, nhất là các DN trong đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao kỹ nghệ thuộc lĩnh vực trọng điểm này. " - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành |