Ứng dụng KHCN trong việc giảm thiểu tác động của chất độc hoá học/ dioxin lưu tồn tại Việt Nam
(TN&MT) - Ngày 30/5, tại Hà Nội, Cục Khoa học Quân sự - Bộ Quốc Phòng đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Khoa học và công nghệ xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hoá học/ dioxin tồn lưu sau chiến tranh đối với con người, môi trường ở Việt Nam”.
Chủ trì Hội thảo có Thiếu tướng PGS.TS Ngô Văn Giao - Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc Phòng, Uỷ viên Thường trực Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hoá học/ dioxin sau chiến tranh tại Việt Nam; Thiếu tướng GS.TS Trần Viết Tiến - Phó Giám đốc Học viện Quân y, Bộ Quốc Phòng; ThS. Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ TN&MT.
Khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng PGS.TS Ngô Văn Giao - Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự cho biết, hậu quả của chất độc hoá học/ dioxin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, công tác nghiên cứu, khắc phục, xử lý giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hoá học/ dioxin đối với con người đang từng bước được ngăn chặn, xử lý và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm nguy cơ ảnh hưởng đối với sức khoẻ con người và môi trường, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều nạn nhân chất độc da cam/ dioxin đã được chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng và đang được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước.
Để tiếp tục thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/ dioxin sau chiến tranh đối với con người và môi trường, Hội thảo ngày hôm nay hướng đến tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về: Kết quả, định hướng nghiên cứu ảnh hưởng cũng như đưa ra các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu chất độc hoá học/ dioxin đến con người, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân; các giải pháp và những yêu cầu trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ xử lý chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh; đưa ra các giải pháp công nghệ xử lý, giải pháp quản lý, giám sát, quan trắc, đánh giá hiệu quả xử lý chất độc dioxin ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thiếu tướng Ngô Văn giao mong muốn Hội thảo cũng sẽ nhận được những định hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý chất độc hoá học/dioxin tồn lưu, các chất thải hữu cơ khó phân huỷ phát sinh từ các hoạt động công nghiệp hoá, hiện đại hoá phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Tùng - Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET) - Bộ Quốc Phòng trình bày về kết quả hỗ trợ nạn nhân da cam và người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam trong giai đoạn 2022 - 2023. Ông cho biết, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 4,5 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó, có khoảng 3 triệu người là nạn nhân của chất độc da cam; 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3,…
Vì vậy, việc hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân da cam (NNDC) và người khuyết tật đã và đang là mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Các vấn đề này thể hiện rõ nét thông qua các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, qua các biện pháp triển khai đầu tư của Chính phủ đối với các cấp, các ngành, sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.
Qua đó, NACCET đã phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nỗ lực thúc đẩy công tác hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam dioxin, đồng thời, đưa ra kiến nghị Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Dự án hỗ trợ nạn nhân và người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam và mở rộng thực hiện ra các tỉnh khác ở Việt Nam.
Hội thảo cũng đã được nghe về kết quả hợp tác hoàn thành dự án xử lý ô nhiễm dioxin sân bay Đà Nẵng giữa Quân chủng Phòng không - Không quân và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ; kết quả thực hiện dự án xử lý dioxin khu vực sân bay A So, do Binh chủng Hoá học thực hiện.
Qua các kết quả đã thực hiện được, ThS. Nguyễn Xuân Trọng - Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, Dự án tại Biên Hoà cần tiếp tục triển khai bảo đảm mục tiêu, quy mô khối lượng xử lý theo Quyết định phê duyệt đầu tư. Đối với các giải pháp thiết kế công nghệ xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hoà, trong thời gian tới cần được hoàn thiện theo các yêu cầu, tiêu chí như: Bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường và pháp luật của Việt Nam; an toàn về sức khoẻ con người và môi trường; ưu tiên lựa chọn những công nghệ đã được thử nghiệm, được áp dụng trong các dự án trước đây và hiệu quả kinh tế - xã hội cần nhận được sự chấp thuận từ cộng đồng, nhằm đảm bảo không còn rủi ro phơi nhiễm dioxin tới con người hay môi trường tại khu vực sân bay Đà Nẵng.
Trong Hội thảo đã diễn ra buổi thảo luận, trao đổi và nhận được nhiều ý kiến đóng góp đến từ các Bộ, ngành, các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học về phối hợp, hỗ trợ thực hiện công tác khắc phục hậu quả chất độc hoá học/ dioxin sau chiến tranh tại Việt Nam.
Kết luận Hội thảo, Thiếu tướng Ngô Văn Giao nhận định, hiện nay, Việt Nam vẫn còn những điểm nóng về ô nhiễm chất độc hoá học/ dioxin với khối lượng lớn cần được xử lý như ở khu vực sân bay Biên Hoà, sân bay Phù Cát và một số khu vực đang được tiếp tục điều tra, khảo sát, đánh giá; còn nhiều nạn nhân chất độc da cam dioxin cần được đảm bảo chăm sóc y tế, cải thiện chất lượng cuộc sống, việc làm.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp, trao đổi, Hội thảo đi đến thống nhất cần đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế để nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tiếp nhận các trang thiết bị xử lý, chăm sóc sức khoẻ cho nạn nhân để sớm hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trong Kế hoạch quốc gia nhằm giúp khắc phục hậu quả chất độc hoá học/dioxin sau chiến tranh tại Việt Nam, góp phần bảo vệ sức khoẻ con người và làm sạch môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.