Nhiều vướng mắc
Theo đánh giá của Cục Kiểm soát ô nhiễm thuộc Tổng cục Môi trường trình bày trong Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 4, khoa học và công nghệ (KH&CN) trong kiểm soát ô nhiễm môi trường thời gian qua đã hướng tới khả năng ứng dụng, nhằm dự báo, phòng ngừa và kiểm soát, nâng cao ý nghĩa thực tiễn của các công trình, dự án.
Một góc nhà máy xử lý chất thải tại thị xã Tam Điệp, Ninh Bình |
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, thời gian qua, việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và áp dụng công nghệ còn hạn hẹp. Nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học chi cho lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm trong những năm qua chỉ khoảng 1,5 – 2,5 tỷ đồng/năm, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Nguồn chi phí để lắp đặt công nghệ quá lớn nên các hộ sản xuất không có vốn để đầu tư, vận hành các mô hình xử lý, cố ý trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Việc áp dụng công cụ kinh tế, các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong KSON ; các chương trình, dự án về KSON chưa được thực hiện nhiều, các hoạt động hợp tác quốc tế trong KSON chưa hiệu quả. Ngoài ra, rất ít người dân hưởng ứng và tiếp nhận các mô hình mẫu nếu không được hỗ trợ kinh phí đầu tư và kinh phí vận hành từ đó dẫn tới việc ứng dụng công nghệ chưa đạt hiệu quả cao nhất.
PGS. TS Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa có đủ các chỉ tiêu về hóa chất nguy hại; các công cụ pháp lý về kiểm soát ô nhiễm như đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chưa chi tiết hoặc thực tế triển khai chưa hiệu quả để kiểm soát ô nhiễm... Bên cạnh đó, hiện cũng thiếu một số quy định cụ thể về quan trắc, dự báo ô nhiễm, thống kê các nguồn ô nhiễm hóa chất độc hại. Đồng thời hiếu các quy định cụ thể dưới Luật Bảo vệ môi trường 2014 và hướng dẫn để đảm bảo tính khả thị và hiệu quả của các quy định của Luật trong công tác kiểm soát ô nhiễm.
Cần những định hướng tổng thể
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng các quy định cụ thể cho từng nhóm chất độc hại để ưu tiên quản lý.
Đối với lĩnh vực phòng ngừa kiểm soát ô nhiễm không khí, trước hết, cần nghiên cứu xây dựng bộ hệ số phát thải phù hợp với điều kiện Việt Nam cho ngành giao thông, công nghiệp, xử lý chất thải, dân sinh… và các ngành khác. Đồng thời sử dụng mô hình trong kiểm kê phát thải ô nhiễm giao thông phục vụ cho việc kiểm kê khí thải. Cần nghiên cứu xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí phục vụ cho việc đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người và sinh thái. Xây dựng phương pháp đánh giá ảnh hưởng, lượng giá thiệt hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người, cơ sở hạ tầng, môi trường sinh thái, cảnh quan…. của các tác nhân tiếng ồn, PM, NOx, O3, CO… Đối với lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm hóa chất, sự cố môi trường, sức khỏe môi trường theo PGS. TS Nghiêm Trung Dũng, việc sử dụng và phát thải hóa chất trong các lĩnh vực hoạt động là rất đa dạng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe ở Việt Nam là cao. Vì vậy, việc ứng dụng các thành tự về khoa học, kỹ thuật mới trong việc hỗ trợ các quy định pháp lý để kiểm soát ô nhiễm do phát thải hóa chất nguy hại là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay. Điều này phù hợp với kinh nghiệm của quốc tế về xây dựng các công cụ kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với hóa chất.
Đồng thời, việc nghiên cứu xây dựng và triển khai các mô hình đánh giá rủi ro ô nhiễm hóa chất cần được tiếp tục đầu tư và hỗ trợ thêm của cơ quan chủ quản. Đối với phế liệu nhập khẩu các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để kiểm soát tối đa lượng chất thải đưa vào Việt Nam.
Thụy Anh