Xác định tính dễ bị tổn thương của đa dạng sinh học biển
Dự án của UNESCO dựa trên nghiên cứu về DNA môi trường (hay còn gọi là eDNA - DNA) được thu thập từ nhiều mẫu môi trường khác nhau như đất, nước biển, tuyết hoặc thậm chí không khí chứ không lấy mẫu trực tiếp từ một sinh vật riêng lẻ.
Khởi động chương trình mới, UNESCO cho biết, các nhà khoa học và cư dân địa phương sẽ lấy mẫu vật chất di truyền từ chất thải cá, màng nhầy hoặc tế bào để theo dõi các loài.
“Các khu vực biển được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hệ sinh thái biển có giá trị rất phổ biến và tạo cơ hội cho cộng đồng đánh giá cao và bảo tồn môi trường biển”, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO phụ trách Văn hóa, ông Ernesto Ottone Ramírez cho biết.
Sáng kiến lấy mẫu eDNA mới của UNESCO mang đến cho cộng đồng cơ hội để hiểu rõ hơn về các hệ sinh thái đại dương. Ảnh: Ocean Image Bank/Umeed Mistry |
UNESCO cho biết, dự án giúp xác định tính dễ bị tổn thương của đa dạng sinh học biển đối với biến đổi khí hậu, tác động của nó đối với sự phân bố và mô hình di cư của sinh vật biển trên khắp các khu Di sản Thế giới.
Dự án eDNA cũng sẽ giám sát và bảo vệ tốt hơn các loài có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN). Ông Ernesto Ottone Ramírez giải thích: “Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến hành vi và sự phân bố của môi trường sống dưới nước và chúng ta phải hiểu điều gì đang xảy ra để có thể điều chỉnh các nỗ lực bảo tồn của mình với các vấn đề liên quan”.
Hướng tới Thập kỷ khoa học đại dương
Các khu vực biển được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới bởi tính đa dạng sinh học độc đáo, hệ sinh thái nổi bật hoặc đại diện cho các giai đoạn quan trọng trong lịch sử Trái đất. Trong bối cảnh của Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2021 - 2030, Dự án được khởi động nhằm làm tăng sự hiểu biết về các xu hướng toàn cầu cũng như bảo tồn các hệ sinh thái biển.
Dự án eDNA sẽ thu hút sự hỗ trợ của người dân địa phương để thu thập tài liệu, do đó, các mẫu vật như các hạt được thu thập thông qua quá trình lọc nước, có thể được xác định trình tự gen trong các phòng thí nghiệm chuyên biệt mà không cần phải gây xáo trộn cuộc sống của động vật.
Lãnh đạo Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ (IOC), Vladimir Ryabinin mô tả Dự án là một bước tiến hướng tới tầm nhìn của Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2021 - 2030, từ đó hỗ trợ tăng cường kiến thức cần thiết để bảo vệ đại dương như mong muốn vào năm 2030.
Dự án mang tầm đột phá
Việc sử dụng eDNA trong giám sát đại dương và thu thập dữ liệu vẫn nằm trong các hệ thống tiêu chuẩn phù hợp để lấy mẫu và quản lý dữ liệu sẽ được sắp xếp hợp lý trong Dự án eDNA đột phá của UNESCO.
Lần đầu tiên, UNESCO sẽ áp dụng phương pháp luận nhất quán trên nhiều khu bảo tồn biển, giúp thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu, thực hành quản lý và giám sát dữ liệu và đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời cho cộng đồng.
Tất cả dữ liệu sẽ được Hệ thống Thông tin đa dạng sinh học đại dương (OBIS) xử lý và công bố. Đây là hệ thống dữ liệu truy cập mở lớn nhất thế giới về sự phân bố và đa dạng của các loài sinh vật biển, được duy trì và hỗ trợ chung bởi một mạng lưới các nhà khoa học, nhà quản lý và người dùng dữ liệu trên toàn thế giới.
Dự án nhằm nâng cao hiểu biết của thế giới về sự sống trong đại dương và thiết lập các chỉ số chính sách quản lý và bảo tồn. Ông Ryabinin cho biết: “Lấy mẫu eDNA có thể tạo ra khả năng sáng tạo, với chi phí phải chăng và được chờ đợi từ lâu để hiểu rõ hơn về các hệ sinh thái đại dương, thành phần và hành vi của chúng, đồng thời khởi đầu cho quá trình quản lý tài nguyên biển bền vững hơn”.