Thế giới

UNEP: Cần cắt giảm khí thải khẩn cấp trong ngành xây dựng

Mai Đan 14/09/2023 - 09:23

(TN&MT) - Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố báo cáo cho thấy ngành xây dựng chịu trách nhiệm cho 37% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng đang thiếu nguồn tài trợ để giảm lượng khí thải này.

image1170x530cropped-13-.jpg
Theo báo cáo của UNEP, chỉ nên sử dụng các vật liệu không tái tạo, thải nhiều carbon khi thực sự cần thiết

Mức đầu tư giảm khí thải trong ngành xây dựng còn hạn chế

Ngành xây dựng có mức độ ảnh hưởng rất lớn đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, lĩnh vực này chỉ nhận được một phần nhỏ sự quan tâm của các nhà môi trường và khoản chi để giảm khí thải so với các ngành khác còn hạn chế.

Cho đến nay, hầu hết trọng tâm đều tập trung vào việc giảm lượng carbon vận hành trong các tòa nhà - lượng khí thải được tạo ra từ hệ thống sưởi, làm mát và chiếu sáng, lượng carbon này dự kiến sẽ giảm từ 75% xuống 50% trong vài thập kỷ tới.

Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo cho rằng phần lớn khả năng cắt giảm khí thải nằm ở cách các tòa nhà được xây dựng thế nào và khí phát thải đi tới đâu.

Giải quyết vấn đề phát thải carbon của ngành xây dựng là một mạng lưới phức tạp gồm nhiều yếu tố khác nhau, có sự tham gia của nhiều bên liên quan, do đó, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc phát triển các mô hình hợp tác mới nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi rất cần thiết trong ngành xây dựng.

Nếu không có nguồn tài trợ và hợp tác đáng kể, mục tiêu đầy tham vọng là đạt được lượng phát thải ròng bằng 0 từ ngành xây dựng vào giữa thế kỷ này có thể vẫn khó khả thi, với những hậu quả tàn khốc tiềm ẩn đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nhóm chuyên gia đang kêu gọi thiết lập “một nền kinh tế tiết kiệm vật tư tuần hoàn” để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt được các mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris về khí hậu.

Ba giải pháp để khử carbon

Các chuyên gia chỉ rõ 3 giải pháp trước mắt để khử carbon cần có sự hỗ trợ tích cực từ tất cả những người làm việc trong ngành xây dựng - từ nhà sản xuất vật liệu, kiến trúc sư và nhà thiết kế đến nhà xây dựng…

Thứ nhất là tái chế. Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng trước khi xây dựng bất cứ thứ gì mới, nên ưu tiên những vật liệu hiện có thông qua việc tái thiết, tân trang hoặc tái sử dụng.

UNEP ủng hộ việc áp dụng cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn để giảm việc khai thác và sản xuất nguyên liệu thô. Chiến lược này kêu gọi các quy trình thiết kế dựa trên dữ liệu nhằm sử dụng ít vật liệu hơn và khuyến khích tái sử dụng các tòa nhà và vật liệu tái chế bất cứ khi nào khả thi.

0.75301000_1608191158_carbon.jpg
Chỉ nên sử dụng các vật liệu không tái tạo, thải nhiều carbon khi thực sự cần thiết, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường

Tiếp theo là tái tạo. Cho đến giữa thế kỷ trước, nhiều công trình trong các thành phố được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu tái tạo, với việc tái sử dụng các công trình cũ trong các dự án mới.

Theo báo cáo, con đường thứ 2 liên quan đến việc chuyển sang sử dụng vật liệu tái tạo. Cách tiếp cận này nhấn mạnh việc sử dụng các vật liệu xây dựng dựa trên sinh học và có hàm lượng carbon thấp được sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường, chẳng hạn như gạch, gỗ, tre có nguồn gốc bền vững.

Cuối cùng là khử carbon. Báo cáo của UNEP chỉ ra con đường thứ 3 tập trung vào việc cải tiến các phương pháp khử carbon các vật liệu thông thường như bê tông, thép và nhôm một cách triệt để. Ví dụ, các chuyên gia đề xuất sản xuất thép, vật liệu “xương sống” của kiến trúc hiện đại, có thể được chuyển đổi sang chỉ sử dụng năng lượng tái tạo.

Họ cũng nhấn mạnh rằng chỉ nên sử dụng các vật liệu không tái tạo, thải nhiều carbon khi thực sự cần thiết, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.

Bên cạnh đó, các chuyên gia do UNEP dẫn đầu cho rằng khi thiết kế các tòa nhà mới, kiến trúc sư nên lưu ý các cách tháo rời các công trình và tái sử dụng vật liệu để giảm gánh nặng chôn lấp.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UNEP: Cần cắt giảm khí thải khẩn cấp trong ngành xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO