Các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Lạch Bạng rất bức xúc vì đã nhiều lần cá bị chết bất thường. Khi các ngành chức năng vào kiểm tra, phát hiện hai đơn vị xả thải trực tiếp ra môi trường và xử phạt hành chính. Tuy nhiên, sau khi các công ty được phép hoạt động trở lại, việc giám sát vận hành, xử lý nước thải vẫn là điều khiến người dân lo lắng. Sông Lạch Bạng bao giờ thôi bị “bức tử” vẫn còn là một câu hỏi nhức nhối. Và không thể đánh đổi môi trường, cũng như quyền lợi của người dân để sản xuất được?
Xả thải trực tiếp, hai công ty bị xử phạt gần 1 tỷ đồng
Trước đó vào khoảng 8h ngày 19/7, khi người nuôi cá lồng trên sông Lạch Bạng phát hiện các loài cá vược, hồng mỹ, mú, sủ (cân nặng từ 1 - 3 kg) nổi lờ đờ, ngửa bụng, yếu dần và chết.
Thống kê đến khoảng hơn 9h ngày 20/7 có tổng cộng 44 tấn cá yếu dần và bị chết. Số cá chết được nuôi trong 251 lồng, của 16 hộ gia đình thuộc phường Hải Bình, Xuân Lâm…
Cá nuôi lồng bè trên sông Lạch Bạng chết bất thường |
Tới ngày 24/7 đoàn kiểm tra do Sở TNMT chủ trì đã phát hiện Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn (Công ty Ngọc Sơn) và Công ty CP thương mại vận tải và chế biến hải sản Long Hải (Công ty Long Hải) đóng tại phường Hải Bình và có hành vi xả thải ra sông Lạch Bạng.
Theo văn bản số 6098/STNMT-BVMT ngày 24/7 cho thấy: Qua kiểm tra Công ty Ngọc Sơn không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Toàn bộ nước thải phát sinh trong nhà máy đang được thu gom qua các tuyến mương về bể chứa ba ngăn, sau đó bơm xả thải trực tiếp ra sông Lạch Bạng với công suất 105m3/h.
Tại Công ty Long Hải, có đầu tư hệ thống nước thải tập trung công suất thiết kế 600m3/ngày nhưng hệ thống này không hoạt động, nước thải cũng đổ trực tiếp ra sông Lạch Bạng. Kiểm tra nguồn nước thải cho thấy, nước có màu đục, nhiều bã bột cá và mùi hôi, nhiệt độ cao trên 60 độ C.
Sau đó, ông Lê Đức Giang đã ký Quyết định xử phạt 2 công ty vì hành vi xả thải ra môi trường.
Cụ thể, Công ty Ngọc Sơn đã bơm xả nước thải từ bể chứa 3 ngăn ra sông Lạch Bạng, lưu lượng thải là 11 m3/ngày đêm. Theo kết quả phân tích mẫu chất lượng nước thải cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép.
Với hành vi vi phạm hành chính nêu trên, Công ty Ngọc Sơn bị phạt 210 triệu đồng. Đồng thời phạt thêm 50% của mức phạt tiền cao nhất đã chọn đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên; 40% của mức phạt tiền cao nhất đã chọn đối với thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 5 đến dưới 10 lần; 30% của mức phạt tiền cao nhất đã chọn đối với thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 3 đến dưới 5 lần.
Việc xả thải của các nhà máy sản xuất bột cá ở xã Hải Bình vẫn là vấn đề nhức nhối |
Tổng số tiền phạt đối với Công ty Ngọc Sơn là 882 triệu đồng. Buộc Công ty Ngọc Sơn phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; rà soát, đầu tư đầy đủ các công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định.
Công ty Long Hải đã có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày đến dưới 40 m3/ngày.
Cụ thể, đơn vị này đã xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Lạch Bạng, lưu lượng xả thải là 39,6 m3/ngày đêm. Theo kết quả phân tích chất lượng nước thải cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép.
Với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 đến dưới 3 lần, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xử phạt 80 triệu đồng; 10% của mức phạt tiền cao nhất đã chọn đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,1 đến dưới 1,5 lần; 20% của mức phạt tiền cao nhất đã chọn đối với thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,5 đến dưới 3 lần.
Tổng số tiền phạt đối với Công ty Long Hải là 104 triệu đồng. Buộc Công ty Long Hải phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; rà soát, cải tạo, vận hành đúng quy trình kỹ thuật hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo nước thải được xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.
Yêu cầu công ty Ngọc Sơn đầu tư hệ thống xử lý nước thải
Ngày 05/8/2021 của Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn có văn bản về việc giải trình, làm rõ các tồn tại, vi phạm về môi trường, xin miễn giảm và phân kỳ đầu tư công trình xử lý chất thải.
Trên cơ sở báo cáo và đề xuất tại Công văn số 6923/STNMT-BVMT ngày 18/8/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường, kèm theo Biên bản kiểm tra của Liên ngành: Sở Tài nguyên và Môi trường - Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh - UBND thị xã Nghi Sơn - UBND phường Hải Bình - Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn.
Công ty Ngọc Sơn phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải có công suất 30m3 /ngày-đêm trước khi được hoạt động trở lại |
Ngày 20/8/2021 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn được phân kỳ đầu tư hệ thống xử lý nước thải có công suất 30m3 /ngày-đêm.
Đồng thời, giao Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh đôn đốc, hướng dẫn Công ty hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường có liên quan theo quy định. Giao UBND thị xã Nghi Sơn chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND phường Hải Bình tiếp tục giám sát việc dừng hoạt động sản xuất đối với Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn cho đến khi được cấp có thầm quyền cho phép hoạt động trở lại; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để Công ty tiếp tục hoạt động, xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm.
Ngày 22/9/2021 UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có Công văn số 14708: /UBND-NN Về việc: Xác nhận Công ty cổ phần Thương mại vận tải và Chế biến hải sản Long Hải đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả vi phạm. Đồng thời, cho phép Công ty được hoạt động trở lại kể từ ngày 23/9/2021.
Cần giám sát nghiêm việc xả thải của Công ty Long Hải sau khi hoạt động trở lại |
Bên cạnh đó cũng yêu cầu Công ty cổ phần Thương mại vận tải và Chế biến hải sản Long Hải trong quá trình hoạt động phải duy trì, vận hành thường xuyên, liên tục hệ thống xử lý nước thải tập trung, lập sổ nghi chép nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt camera để theo dõi quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải và tuyệt đối không được lắp đặt đường ống hoặc đường thải khác để xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường (sông Lạch Bạng).
Ông Trịnh Gia Bình – Trưởng phòng quản lý Tài nguyên và Môi trường (Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa) cho biết: UBND tỉnh vừa có văn bản đồng ý cho Công ty Long Hải hoạt động trở lại từ ngày 23/9. Ban sẽ phối hợp với các ngành liên quan giám sát chặt quá trình vận hành và xử lý nước thải trước khi ra môi trường. Còn Công ty Ngọc Sơn, tỉnh cũng vừa có văn bản cho phép đầu tư phân kỳ hệ thống xử lý nước thải có công suất 30m3 /ngày-đêm. Khi nào thẩm định, đạt tiêu chuẩn lúc đó công ty mới được hoạt động trở lại.