Vườn Kơ nia (người dân địa phương gọi là cây Cầy) có khoảng hơn 20 cây, mọc xung quanh khuôn viên Nhà văn hóa thôn Hòa Mỹ - tọa lạc ở xóm Phú Mỹ. Khu vực này trước kia có tục danh rừng Cấm, bởi thời điểm trước năm 1945, chính quyền không cho người dân vào chặt, khai thác cây.
Đến nay, không ai biết chính xác vườn Kơ nia có tự lúc nào, được bao nhiêu năm tuổi. Những cụ cao tuổi nhất còn sống ở thôn Hòa Mỹ cũng không rõ vườn Kơ nia được hình thành ra sao; bởi vườn cây đã có trước lúc các cụ sinh ra, lớn lên.
Cụ Lê Xuân Hương, 91 tuổi, ở thôn Hòa Mỹ, hoài tưởng: “Năm tui lên 5 - 6 tuổi thì ở vùng rừng Cấm đã có rất nhiều cây Kơ nia, có những cây cao hàng chục mét, thân 2 - 3 người ôm. Qua bom đạn chiến tranh, rừng Kơ nia bị ảnh hưởng, nhiều cây to bị cháy, chết. Ngoài ra, khoảng năm 1945, chính quyền cho chặt một số cây lớn để làm cầu phục vụ việc đi lại. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, khu vực rừng Cấm dần dần được người dân khai hoang, vỡ hóa; không ít cây Kơ nia bị chặt phá. Cách đây chừng 20 năm, việc bảo vệ, giữ gìn số cây Kơ nia còn sót lại mới được địa phương và người dân chú ý đến”.
Qua tìm hiểu được biết, để bảo vệ, giữ gìn vườn Kơ nia, Ban nhân dân thôn Hòa Mỹ và các cụ cao niên trong thôn thường xuyên nhắc nhở người dân địa phương không được chặt cây lấy gỗ hoặc đốt phá cây. Một quy tắc “bất thành văn” được lập ra là ai chặt phá cây sẽ bị “bêu tên, kiểm điểm” trong các cuộc họp thôn, xóm. Hầu hết người dân trong thôn đều tự giác chấp hành bởi họ không muốn phá vỡ “quy tắc”; cũng như “ngại” đụng chạm tới vườn cây hàng trăm năm tuổi.
Gần đây, xung quanh khuôn viên Nhà văn hóa thôn Hòa Mỹ được chính quyền địa phương đầu tư xây dựng tường rào, cổng ngõ, bao trùm vườn Kơ nia bên trong. Nhờ vậy, vườn Kơ nia được bảo vệ, giữ gìn tốt hơn; tán lá xanh tốt, sum sê, che bóng mát cho nhà văn hóa.
Ông Phan Văn Thiệt, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Hòa Mỹ, thổ lộ: Dù không biết chính xác vườn Kơ nia tại Nhà văn hóa thôn Hòa Mỹ hình thành từ lúc nào, nhưng chắc chắn phải trên 100 năm tuổi. Để giữ gìn vườn cây cổ thụ, ban thôn và người dân địa phương cùng thống nhất không chặt phá, xâm hại đến số cây còn lại. Những người cao tuổi trong thôn thường xuyên nhắc nhở thế hệ con, cháu sau này phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ vườn Kơ nia; xem đó như một phần lịch sử của thôn, xóm.
Ông Dương Thanh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, cho biết: UBND xã khuyến khích việc Ban nhân dân thôn và người dân thôn Hòa Mỹ lập “quy tắc” giữ gìn, bảo vệ vườn Kơ nia trăm năm tuổi tại địa phương. Đây là việc làm cần thiết, đáng nhân rộng để bảo vệ rừng Kơ nia nói riêng; bảo vệ hệ thống cây xanh - lá phổi thiên nhiên - nói chung, góp phần giữ môi trường sống xanh mát, trong lành.
Cây Kơ nia có tên khoa học là Irvingia malayana, nguồn gốc ở châu Phi và Đông Nam Á; ở Việt Nam, cây tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên. Kơ nia là cây gỗ lớn, cao từ 15 - 30 m, đường kính thân từ 40 - 60 cm; gốc thường có khía, bạnh vè; tán cây hình trứng, rậm rạp, màu xanh thẫm. Cây chịu hạn tốt, có nhiều rễ cọc ăn sâu, nhiều rễ tỏa ngang nên ít bị đổ do mưa, bão. Cây Kơ nia mang ý nghĩa tâm linh đối với người dân tộc thiểu số; họ coi cây là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất. Ngoài ra, cây Kơ nia có tác dụng làm thuốc chữa no hơi, đầy bụng, trừ sốt rét rừng, chói nước; vỏ cây dùng làm thuốc cho phụ nữ mới sinh giúp bổ huyết. |