Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành Trung ương, chính quyền địa phương; các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội; cơ quan thông tấn, báo chí; các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội... góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam và những nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, những điều ngư dân cần biết khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển, tuyên truyền về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)...
Với tinh thần, trách nhiệm cao, cơ quan chức năng đã bám sát mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ cùng những cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị. Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã góp phần nâng cao một bước về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là trong xây dựng, bảo vệ an ninh chủ quyền, trật tự an toàn biển đảo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; động viên ngư dân hăng hái vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; đồng thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị về biển, đảo Việt Nam, tạo sự đồng thuận trong xã hội về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Thông qua thực hiện Đề án, vị trí, vai trò, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao; thực sự là lực lượng chuyên trách, nòng cốt thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh chủ quyền, trật tự, an toàn trên biển.
Theo lãnh đạo Cảnh sát biển, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, các nhiệm vụ giải pháp cơ bản sẽ được thống nhất nhằm triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa Đề án; đồng thời, có những kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước, trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ở 28 tỉnh, thành phố có biển; các lực lượng chức năng thuộc ban, bộ, ngành, đơn vị, lực lượng vũ trang có liên quan. Chú trọng phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, nhất là ở cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức trong tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, chấp hành pháp luật và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn trên biển. Đề án tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân đã nâng cao nhận thức pháp luật, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các đơn vị Cảnh sát biển đã tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động nhiều lĩnh vực: IUU cho ngư dân địa phương, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường biển. Cảnh sát biển phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền cho ngư dân hiểu những nội dung mới về lĩnh vực khai thác thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017; một số quy định về hoạt động nghề cá trên biển và các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản... qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân và ngư dân về công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU, đảm bảo các hoạt động khai thác hải sản trên biển tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Quốc tế, góp phần bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản và phát triển nghề cá địa phương bền vững.
Cũng trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã phối hợp các Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các quy định của pháp luật về chống IUU cho cán bộ, tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở và ngư dân nhiều xã ven biển. Tại buổi tuyên truyền, báo cáo viên của hai đơn vị đã tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Biên phòng Việt Nam; những điều ngư dân cần biết về khai thác thủy sản.
Thông qua buổi tuyên truyền đã góp phần nâng cao kiến thức cho cán bộ, tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở và người dân địa phương về biển, đảo Tổ quốc; vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam; các quy định của pháp luật Việt Nam về chống IUU, qua đó, làm cơ sở để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023 và nâng cao ý thức người dân trong việc chung tay cùng các lực lượng chức năng giữ gìn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tích cực tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đoàn viên thanh niên; giáo viên, học sinh và nhân dân các địa phương có biển. Tại những buổi tuyên truyền, các đơn vị đã thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới; Luật Phòng, chống ma túy, phòng chống tội phạm ma túy, tác hại của ma tuý đối với sức khỏe con người…
Qua công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đã nâng cao một bước về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát biển, từ đó, tích cực chung sức, đồng lòng cùng Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng trên biển thực hiện tốt nhiệm vụ. Từ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Cảnh sát biển, nhân dân đã hiểu được tình hình vi phạm pháp luật trên biển, nhất là vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác IUU, xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm ma túy trên biển được kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm túc, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.