Tại hội nghị, gần 100 ngư dân, chủ ghe tàu sinh sống trên địa bàn Côn Đảo đã được đại diện Công ty Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn đã tuyên truyền, vận động ngư dân không neo đậu, đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản, khai thác phế liệu, nổ mìn trong khu vực hành lang an toàn các công trình dầu khí biển, đặc biệt là hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn và Bạch Hổ & PM3-CM; Nghị định 03-2002/NĐ-CP ngày 7-1-2002 về bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí; Nghị định 67-2017/ NĐ-CP ngày 25-5-2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; những rủi ro, thiệt hại cho ngư dân khi đánh bắt, thả neo phạm vào đường ống dẫn khí biển; vận động thuyền trưởng, chủ phương tiện cài đặt tọa độ của hệ thống tuyến ống khí biển (NCS;BH;PM3-CM) do Tổng Công ty khí Việt Nam quản lý vào máy định vị của tàu, ghe để thuyền trưởng, chủ phương tiện hoạt động đánh bắt, thu mua hải sản trên biển nhận biết được vị trí đường ống dẫn khí nằm dưới đánh biển nhằm phòng ngừa, tránh các hoạt động gây mất an ninh, an toàn và nguy cơ cháy nổ cho đường ống dẫn khí dưới biển; vận động ngư dân không xâm phạm vùng biển chủ quyền nước ngoài đánh bắt trái phép...
Cũng tại Hội nghị, Công ty Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn phát tờ rơi hướng dẫn tọa độ đường ống dẫn khí đi qua kèm số điện thoại ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời tổ chức hoạt náo, đố vui có thưởng kiến thức liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn đường ống dẫn khí trên biển cho ngư dân.
Theo Đại úy Lê Đức Dũng, Phó Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Côn Đảo cho biết, huyện Côn Đảo có hơn 140 phương tiện với trên 700 ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. Trong thời gian qua, đơn vị đã tuyên truyền, vận động bà con ngư dân nắm chắc pháp luật, chung tay bảo vệ an ninh, an toàn các công trình dầu khí ngoài khơi. Đồng thời, nêu cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ, phát hiện các dấu hiệu vi phạm hành lang an toàn dầu khí, từ đó kịp thời thông báo cho các ngành chức năng để có biện pháp xử lý, tránh xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, đơn vị còn chủ động, thường xuyên hướng dẫn, động viên ngư dân tiếp tục hành nghề trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, thực hiện khai thác hải sản không xâm phạm vùng biển nước khác, chủ động phát hiện, theo dõi mọi hoạt động trái phép, kịp thời thông báo cho BĐBP và các lực lượng chức năng những sai phạm trên biển, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của ngư dân. Từ đó, góp phần chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo của Tổ quốc.