Kết quả từ năm 2016 đến năm 2018, các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đã thanh tra, kiểm tra xử lý 12 doanh nghiệp trong khai thác khoáng sản với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 390 triệu đồng. Tổ chức 575 đợt kiểm tra, phát hiện và xử lý 229 vụ với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 3,63 tỷ đồng; tịch thu 8.047 tấn quặng chì-kẽm, 1,029 tấn quặng thiếc, 287 tấn quặng barite, 1.800 m3 cát bán xung công quỹ nhà nước.
Năm 2017 và 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1125/QĐ-ĐCKS ngày 14/11/2017, Quyết định số 559/QĐ-ĐCKS ngày 04/6/2018 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, kiểm tra 17 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp Đoàn Thanh tra Chính phủ theo Quyết định số 742/QĐ-TTCP ngày 20/8/2018, thanh tra 17 doanh nghiệp về việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Qua đó, đã yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục ngay thiếu sót, tồn tại theo kết luận của Đoàn thanh tra, kiểm tra.
Ông Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Chánh văn phòng Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang cho biết: Việc chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Tỉnh Tuyên Quang luôn coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên môi trường nói chung và công tác bảo vệ khoáng sản nói riêng. Qua thanh tra, kiểm tra đã tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm pháp luật về đất đai, khoáng sản, nước và bảo vệ môi trường; phòng ngừa và ngăn chặn các dấu hiệu vi phạm pháp luật; phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm; kiểm tra, xác minh, xử lý và giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, phản ánh của cơ quan báo chí.
Tỉnh Tuyên Quang cương quyết xử lý những đơn vị, dự án đầu tư có loại hình sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, lãng phí tài nguyên, tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người; chỉ đạo kiên quyết không cấp phép cho các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản ven trục đường giao thông chính, khu du lịch, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu vực có nguy cơ tai biến địa chất, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và đời sống sản xuất của nhân dân, thực hiện điều tra, cắm mốc giới những khu vực cấm khai thác.
Để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, tỉnh Tuyên Quang đề ra các giải pháp căn cơ: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tưởng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản và các quyết định của UBND tỉnh trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản: Quyết định số 1181/QĐ-CT ngày 14/10/2017, Quyết định số 1242/QĐ-UBND ngày 28/10/2017; Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 19/3/2018; Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 23/3/2018; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, UBND huyện, thành phố để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý khoáng sản, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện ở cơ sở. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong quản lý khoáng sản chưa khai thác giữa các tỉnh có địa bàn giáp ranh đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Triển khai và thực hiện đề án kết hợp quản lý thuế và quản lý khai thác khoáng sản, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ, thu đúng, thu đủ các loại thuế, phí đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tổ chức quản lý thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lập bến bãi, kinh doanh cát, sỏi trái phép; giải quyết ngay các vấn đề nảy sinh từ cơ sở.
Kiểm tra, xử lý đột xuất các khu vực khi có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép, khi có ý kiến phản ánh của người dân, cơ quan báo chí.
Tăng cường công tác quản lý sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản; công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận tải khoáng sản. Xử lý nghiêm những trường hợp vận tải quá khổ, quá tải, không che đậy làm ảnh hưởng môi trường, cấp đường giao thông.