(TN&MT) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tình trạng vi phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường khá phổ biến. Khi phóng viên đến liên hệ làm việc với một số cơ quan chủ quản thì cơ quan này lại cố tình tìm cách né tránh…
Nạn khai thác vật liệu xây dựng trên sông Lô gây sạt lở |
Sông Lô “chảy máu”
Nhiều người dân sinh sống ven dòng sông Lô khi được hỏi đều thất vọng về việc một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên dòng sông này. Ông Lê Văn Quang, một người dân sinh sống ở thị trấn Tân Quang cho biết: Trước đây, hiện tượng sạt lở bờ sông đã làm thay đổi cảnh quan, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân sống hai bên bờ. Đặc biệt tại khu vực đền Bắc Mục. Đối phó với sạt lở, nhà Đền đã xây dựng tường bảo vệ chiều dài 70 m, tường kè bảo vệ mái bờ sông Lô đồng thời cũng bảo vệ sân vườn và công trình kiến trúc đã được tu bổ nhưng đã bị lũ sông phá vỡ và cuốn trôi. Tại khu vực sau nhà làm việc của Huyện ủy Hàm Yên, Bến xe khách, Hạt Kiểm lâm cũng đã bị sạt lở...
Cả quả đồi bị san lấp trái phép |
Việc xây dựng công trình kè bảo vệ bờ sông Lô đoạn từ khu Bắc Mục đến khu Bắc Yên không chỉ bảo vệ trực tiếp các đơn vị cơ quan nhà nước, mà còn bảo vệ cảnh quan chung của khu vực, bảo vệ dân cư thuộc các tổ nhân dân Bắc Mục, Bắc Yên nằm dọc bờ hữu sông Lô. Công trình kè bảo vệ bờ sông Lô, đoạn từ khu Bắc Mục đến khu Bắc Yên (thị trấn Tân Yên) có chiều dài 1.503 mét, dự toán được phê duyệt trên 67 tỷ đồng, từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng đê, kè cấp bách phòng chống lụt bão của Trung ương, do UBND huyện Hàm Yên làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, vừa qua, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh Tuyên Quang để cấp phép khai thác cát trên sông Lô cho một số doanh nghiệp thì không khác nào “kẻ làm, người phá”, bởi nếu còn khai thác cát trên sông Lô, nạn sạt lở sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Nhiều chỗ đã “căng dây” chia chác |
Ông Hà Đình Hùng, trưởng thôn Đồng Tâm (xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương) cho biết: người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp thuần túy, không có nghề phụ nên trông chờ vào đồng ruộng, bồi bãi. Thời gian gần đây, nghe tin UBND tỉnh đã cấp phép khai thác cát tại lòng sông Lô và khu vực bãi soi cho một đơn vị dưới sự tư vấn của Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang khiến nhiều người lo lắng. Ban ngày, người dân thấy hàng chục chiếc tàu cuốc thi nhau múc cát ở lòng sông, đêm về, đoàn tàu hút cát lại tiến sát bờ múc đi cả ruộng vườn, nương bãi của bà con đi, khiến người dân lo lắng. Nếu cứ tình trạng này, đồng ruộng, đê kè dần dần sẽ bị trôi hết theo dòng nước. Theo thống kê của UBND xã Sầm Dương, trên diện tích đất bãi soi ven sông Lô của 44 hộ dân còn bị sạt lở là 9.265 m2 đất canh tác. Còn theo một số người dân tự thống kê cho biết: chân đê sông Lô gần đây xuất hiện nhiều vết nứt tại địa phận thôn Lương Thiện, Thái Thịnh và Hưng Thịnh…
Dưới sông đã vậy, trên bờ, nạn coi thường pháp luật về tài nguyên môi trường còn ngang nhiên hơn. Dọc đường vào khu mỏ nước khoáng Mỹ Lâm, chúng tôi thấy một số hộ dân sinh sống tại thôn Tiến Vũ 9, xã An Tường ngang nhiên dùng máy xúc, xúc đất ở đây mang đi, vi phạm nghiêm trọng các quy định bảo vệ tài nguyên môi trường. Cả một khoảng đồi rộng lớn bị xúc, gạt nham nhở.
Vào Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, chúng tôi thấy hàng chục nhà nghỉ, khách sạn treo biển quảng cáo tắm khoáng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ nước khoáng hiện đang sử dụng tại đây đều được bơm từ Trung tâm khai thác dịch vụ thuộc Ban Quản lý khu du lịch suối khoáng. Mỗi khối nước, Trung tâm này thu về 32 ngàn đồng…Được biết: kể từ khi đi vào hoạt động Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến nay, các mỏ nước này đã hút không biết bao nhiêu là nước khoáng để bán cho các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở sản xuất nước khoáng…Tuy nhiên, việc Khu du lịch này có được cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác khoáng sản hay không thì vẫn còn là một “ẩn số”…
Hàng loạt các biển hiệu quảng bá nhà hàng, khách sạn, tắm nghỉ |
Chỉ tiếp báo chí vào ngày mùng 10 hàng tháng(?!)
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã đến đặt lịch làm việc với Ban Quản lý khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, sau khi liên lạc với ông Lê Quốc Thu, Trưởng ban. Tuy nhiên, ông Thu đã từ chối trả lời cụ thể về việc Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đã được cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác mỏ nước hay chưa; việc khai thác nước khoáng có đúng luật hay không; sản lượng nước khoáng khai thác mỗi ngày là bao nhiêu…?.
Ban quản lý cũng từ chối trả lời những vấn đề báo chí nêu |
Chúng tôi tiếp tục đến Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang. Bà Ngân, Phó Văn phòng Sở cho biết: ông Hoàng Văn An, Giám đốc của Sở TN&MT mới là “người phát ngôn”, bởi vậy sau khi liên hệ với “sếp”, bà Ngân cho biết thêm: Sở có quy định là ngày 10 hàng tháng sẽ tiếp xúc báo chí, nếu ai quan tâm gì cứ đến, sẽ được trả lời. Phóng viên lại liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Tiến, Chánh Văn phòng của Sở này thì ông Tiến…“đi vắng”. Gọi điện thoại cho ông Tiến, sau khi nghe xong phóng viên đề nghị các nội dung làm việc gồm: Việc tham mưu cho một số doanh nghiệp khai thác VLXD trên Sông Lô có nguy cơ sạt lở đê sông Lô, ảnh hưởng đến môi trường; việc khai thác nước khoáng ở mỏ nước Mỹ Lâm đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường hay cấp nào có thẩm quyền cấp phép hay chưa; khai thác quặng Barit ở Sơn Dương, Yên Sơn, ô nhiễm ở khu công nghiệp An Hòa… Trả lời những vấn đề mà phóng viên đề nghị, ông Tiến thản nhiên cho biết: Giám đốc Sở Hoàng Văn An đã có quy định rồi, chỉ tiếp báo chí vào ngày 10 hàng tháng, còn những ngày khác thì không làm việc. Nói xong, ông Tiến cúp máy...
Bài & ảnh: Hà Nhật Lam