Xã hội

Tuy Phước (Bình Định): Trao cho hộ nghèo một chiếc "cần câu"...

Đông Duy 02/07/2024 - 16:39

Tuy Phước là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và bề dày văn hóa - lịch sử. Sự kết hợp hài hoà giữa văn hoá Chămpa đặc sắc với nền văn hoá hiện đại đã tạo nên vẻ đẹp thâm trầm mà quyến rũ cho mảnh đất này. Song đối mặt với "cơn lốc" đô thị hóa, việc cải thiện đời sống người dân gắn với truyền thống vùng đất vẫn là những bài toán khó...Thấm câu nói, muốn giảm nghèo bền vững hãy trao "cần câu" chứ đừng cho "con cá", các cấp lãnh đạo địa phương đã đi sâu tìm tòi những nghề truyền thống có tiềm lực kinh tế, gây dựng cho người dân nghèo, tạo cho họ niềm tin, ý chí vươn lên...

Cuộc sống ổn định nhờ “có nghề”

Được sự giới thiệu của bà Phạm Thị Hồng Thu , Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, chúng tôi đến thăm gia đình bà Trần Thị Lăng (48 tuổi) ở thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng, một trong những trường hợp thuộc diện vừa thoát nghèo vào cuối năm 2023.

h1.jpg
Bà Trần Thị Lăng (48 tuổi) ở thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước thoát nghèo nhờ nghề tráng bánh tráng

Trong căn nhà nhỏ bé nằm lẩn khuất trên mặt đường ĐT. 636, bà Trần Thị Lăng tay vừa tráng bánh, vừa đưa bánh tráng phơi lên vĩ tre một cách nhanh nhẹn, thuần thục. Lâu lâu lại lấy vạt áo chấm những giọt mồ hôi đọng trên trán bởi cái nóng của lò tráng bánh giữa tiết trời oi nồng, vừa kể cho vị khách phương xa như tôi về cuộc sống khốn khó của gia đình bà trước khi thoát nghèo.

Nhớ về những tháng ngày trước, bà Lăng cho biết gia đình vốn cơ cực lắm, bản thân và chồng thường xuyên đau ốm, con cái nheo nhóc, học hành không đến nơi đến chốn, phải nghỉ học sớm để lao động kiếm tiền nuôi thân. Thấy gia cảnh tôi nghèo khó, hội chị em phụ nữ tìm đến giúp đỡ, tạo điều kiện dạy nghề cho gia đình, đồng thời giúp gia đình vay vốn mua nồi tráng bánh điện và vĩ phơi bánh nên tôi mới có nghề tráng bánh tráng như hiện nay. Nhờ “Tổ hội nghề nghiệp tráng bánh tráng” mà cuộc sống đỡ cơ cực hơn bởi có nguồn thu nhập từ làm bánh tráng. Nếu thời tiết nắng đẹp, tôi có thể kiếm được hơn 100 nghìn đồng mỗi ngày, ngày nào thời tiết âm u, bánh tráng không phơi khô được thì thu nhập bị giảm đi.

Sau này, hoàn cảnh gia đình lại thêm “đặc biệt” khi các con của bà tuy đã có gia đình riêng, nhưng vì cuộc sống vợ chồng không êm thuận, đau bệnh, công ăn việc làm thu nhập bấp bênh không ổn định, nên bao nhiêu gánh nặng mưu sinh của gia đình đều dựa vào nghề tráng bánh để sinh sống. Dù thu nhập không cao nhưng được phần ổn định, cũng đủ để trang trải chi phí, kiếm đồng ra đồng vào đi chợ hàng ngày. Cứ vậy, cái nghề tráng bánh tráng được hội chị em phụ nữ hỗ trợ ngày nào bỗng trở thành chỗ “bám víu” , tạo sinh kế ổn định nuôi sống cả gia đình.

Tạm biệt gia đình bà Trần Thị Lăng, bà Phạm Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng dẫn chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Hoa (60 tuổi) ở thôn An Cửu, cũng là một trong những hộ đã thoát nghèo thành công vào cuối năm 2023. Bà Nguyễn Thị Hoa là trường hợp hộ nghèo neo đơn, sống một mình sau khi chồng và con trai qua đời. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Hưng, bà Hoa được hỗ trợ bình hơi, súng bắn đinh để có dụng cụ hành nghề đan mây, tạo thu nhập ổn định nuôi sống bản thân.

h2.jpg
Nguyễn Thị Hoa (60 tuổi) ở thôn An Cửu, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước thoát nghèo nhờ nghề đan mây

Vừa chăm chú ngồi đan chiếc ghế mây, bà Hoa vừa tâm sự, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo lâu nhiều năm vì bản thân cùng chồng và con đều bệnh tật không thể lao động kiếm sống. Gia đình tôi cứ sống vật vờ nhờ vào tiền trợ cấp hộ nghèo, buôn bán linh tinh và sự giúp đỡ bà con họ hàng. Sau khi chồng và con mất, tôi sống một mình với nỗi đau bệnh tật, nhưng nhờ sự giúp đỡ của các chị em Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Hưng hỗ trợ dụng cụ, hướng dẫn dạy nghề mà tôi có nghề đan mây nuôi sống bản thân, và cũng có tiền chữa bệnh. Với nguồn thu nhập hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, phần nào giúp tôi có động lực sống, vươn lên trước khó khăn cùng với chị em phụ nữ đồng cảnh ngộ trong xã.

Không những vậy, nghề nghiệp ổn định cũng giúp cho bà Hoa có thêm niềm vui trong cuộc sống khi vừa trang trải được đời sống, vừa cặm cụi với nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận này cũng giúp cho bà vơi bớt nỗi buồn vì hoàn cảnh của mình…

Sau khi dẫn tôi đi chứng kiến về một vài câu chuyện thoát nghèo, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng Phạm Thị Hồng Thu cho biết, các mô hình kinh tế nhỏ lẻ đã góp phần tạo ra những kết quả tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Phước Hưng phấn đấu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo bằng cách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tạo sinh kế cho hộ nghèo thông qua các mô hình kinh tế nhỏ lẻ như mô hình trồng hoa mai, hoa cúc; “tổ hội nghề nghiệp tráng bánh tráng”; mô hình nuôi gà lấy trứng, chăn nuôi heo, bò, trồng trọt; “tổ hội phụ nữ làm chổi đót”; mô hình đan mây; mô hình trồng nấm rơm,… nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa xã Phước Hưng về đích nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu.

Đào tạo nghề - giải pháp để thoát nghèo bền vững

Ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết, Phước Hưng đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bởi vậy trong xây dựng nông thôn mới, Phước Hưng triển khai lồng ghép với các tiêu chí giảm nghèo bền vững, dạy nghề và tạo việc làm, góp phần thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình liên quan đến giảm nghèo, dạy nghề và tạo việc làm. Những mô hình kinh tế nhỏ lẻ đã phát huy hiểu quả, tạo sự đột phá, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững của xã Phước Hưng.

h4.jpg
Được đào tạo và hỗ trợ nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Tuy Phước đã thoát nghèo thành công

Đào tạo nghề phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh đã và đang mang lại hiệu quả trong mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Phước Hưng nói riêng và huyện Tuy Phước nói chung. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo khi “có nghề trong tay”, được tạo điều kiện để tiếp cận đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Tính riêng trong năm 2023, Tuy Phước đã thực hiện mở 17 lớp đào tạo nghề cho 560 lao động (thuộc dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn). Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức mở 15 lớp đào tạo nghề cho 517 lao động, trong đó hộ nghèo, hộ cận nghèo 180 người.

Đối với dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, năm 2023, huyện đã triển khai được 8 dự án (gồm 7 dự án lĩnh vực nông nghiệp và 1 dự án lĩnh vực phi nông nghiệp) hỗ trợ cho 106 hộ tham gia (63 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo, 11 hộ thoát nghèo, 2 hộ khuyết tật và 5 hộ sản xuất giỏi. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã triển khai thực hiện 6 dự án (lĩnh vực nông nghiệp) hỗ trợ cho 93 hộ tham gia (38 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo, 27 hộ thoát nghèo, 3 hộ khuyết tật và 6 hộ sản xuất giỏi).

Có thể thấy rằng, công tác xóa đói giảm nghèo tại huyện Tuy Phước được triển khai đồng bộ theo nhiều chương trình, dự án. Trong đó, giảm nghèo bền vững bằng cách giải quyết công ăn việc làm được chú trọng thực hiện đã góp phần đảm bảo ổn định được thu nhập cho các hộ nghèo, từng bước ổn định cuộc sống và tạo ý chí vươn lên thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Phước (Bình Định): Trao cho hộ nghèo một chiếc "cần câu"...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO