Thời gian qua, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được phản ánh của nhiều hộ dân đang sinh sống tại xóm 2, thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước là Công ty CP Xây dựng công trình 510 (Trụ sở tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) thi công khoan đóng cọc nhồi để làm cầu từ thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước bắc qua đường Điện Biên Phủ thuộc thành phố Quy Nhơn, gây nứt tường nhà họ.
Sáng ngày 12/7, có mặt tại địa phương gặp người dân để tìm hiểu cụ thể vụ việc. Tiếp xúc một số nhà người dân, phóng viên chứng kiến nhiều vách tường bị nứt thành những vệt dài nằm dọc, nằm ngang khiến cho ngôi nhà của họ vốn đã cũ kỹ càng thêm xấu xí.
Ông Trần Ngọc Mẫn ở xóm 2, thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận bức xúc: Nhà tôi bị sập phía sau cách đây vài hôm. Nhà chúng tôi nhiều năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng vì ngôi nhà đang chờ đền bù giải tỏa bởi ảnh hưởng của dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân nên chúng tôi không được sửa chữa, nâng cấp khiến cho ngôi nhà ngày càng mục nát. Tuy ngôi nhà xuống cấp nhưng nếu không có sự tác động mạnh từ việc thi công khoan đóng cọc nhồi để làm cầu của Công ty CP Xây dựng công trình 510 dội xuống nhiều tháng nay thì nhà tôi đã không bị hư hỏng, nứt tường vách và bay luôn cả mái ngói.
Ông Trần Văn Hạnh, một hộ dân có nhà bị nứt chia sẻ: Nhà tôi bị nứt toác nhiều chỗ trên tường, vách, chúng tôi đã báo cáo chính quyền địa phương và đơn vị thi công kiểm tra. Họ có xuống ghi nhận thực tế hiện trường nhưng cũng không thấy giải quyết gì cho người dân. Chỉ cần tiếng cọc nhồi đóng xuống là nền nhà rền rền, ly nước để trên bàn rung rung theo nhịp tiếng cọc nhồi thi công cầu.
Bà Lê Thị Diễn và bà Phan Thị Thành tiếp lời: Cứ mỗi lẫn nghe tiếng đóng cọc nhồi là tôi lại chạy ra ngoài không dám ở trong nhà vì sợ nhà bị sập bất cứ lúc nào. Nhà chúng tôi đã xuống cấp nghiêm trọng vì không được sửa chữa, tu bổ do ảnh hưởng dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân, bây giờ họ thi công làm nứt tường nhà như thế này thì chúng tôi sao yên tâm ở trong nhà.
Ông Trần Ngọc Mẫn tâm tư: Chúng tôi chỉ mong muốn chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và đơn vị thi công sớm kiểm tra thực tế để giải quyết cho người dân và đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng để bà con sớm ổn định cuộc sống nơi tái định cư mới. Chứ nhà cũ kỹ lâu năm bị xuống cấp mà không được sửa chữa, giờ lại thêm nứt hết vách tường thì ngôi nhà sẽ sập bất cứ lúc nào.
Ông Mai Văn Bảy, Bí thư kiêm Chủ tịch Mặt trận thôn Diêm Vân cho biết: Cả thôn có 600 hộ dân thì có khoảng 30 hộ bị ảnh hưởng nứt tường nhà do tiếng rền của cọc khoan nhồi, trong đó có nhà tôi. Tiếng rền không làm sập nhà nhưng nứt tường thì nhiều nhà bị ảnh hưởng. Người dân mong chờ về khu tái định cư mới để ổn định cuộc sống.
Chia sẻ thông tin với phóng viên, ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: UBND xã cũng đã nhận được phản ánh của các hộ dân và báo cáo với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Định và đơn vị thi công đến kiểm tra hiện trường ghi nhận phản ánh của người dân và họp dân. Phân loại ra từng trường hợp cụ thể để giải quyết cho người dân, trường hợp nào cần khắc phục trước thì làm trước, hoặc thi công xong sẽ khắc phục.
Theo phóng viên được biết thì Dự án đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân có 2 gói thầu xây lắp chính. Gói thầu số 2 bao gồm toàn bộ khối lượng đoạn Km0+869,09 - Km1+592,03 do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức - Công ty CP Xây dựng công trình 510 trúng thầu với giá 196,586 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức đảm nhận thi công xây lắp phần bề mặt đường còn Công ty CP Xây dựng công trình 510 thi công xây lắp phần cầu giao thông. Người dân bức xúc phản ánh là phần thi công khoan đóng cọc nhồi để làm cầu của Công ty CP Xây dựng công trình 510 gây nứt tường nhà họ.
Phóng viên liên hệ qua điện thoại với ông Đào Duy Tụng, Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 510 cho rằng: Tôi không có mặt ở công trường, đề nghị phóng viên liên hệ với chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Định. Chủ đầu tư sẽ chỉ đạo tư vấn, giám sát, cần thiết sẽ có bảo hiểm bên thứ 3, do chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình, nếu có vấn đề gì thì chủ đầu tư sẽ xử lý việc này.
Trong khi đó, ông Lưu Nhất Phong, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Định cho hay: Bản thân tôi chưa nghe thông tin trên, nếu đúng như phản ánh của phóng viên sẽ mời bảo hiểm ra làm việc với người dân. Dù thuộc diện bảo hiểm hay không bảo hiểm chỉ cần có đơn kiến nghị của người dân, chúng tôi phải đi kiểm tra, xử lý, nếu bảo hiểm không xử lý thì yêu cầu nhà thầu thi công xử lý cho người dân.