Chỉ trong hai ngày qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì 3 cuộc họp xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm, cả trước mắt và lâu dài, với Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, chiều ngày 19/2, Thủ tướng có các cuộc làm việc với một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm so với cùng kỳ và về công tác chuẩn bị sơ kết thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.
Tới sáng 20/2, Thủ tướng tiếp tục chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Các cuộc họp, làm việc đều nhằm xử lý các vấn hết sức cấp bách với vùng đất giàu tiềm năng nhưng còn nhiều khó khăn và chưa phát triển tương xứng này.
Trong đó, có vấn đề bức xúc trước mắt nhưng cũng liên quan tới chiến lược phát triển dài hạn, như vấn đề giá lúa gạo sụt giảm cần được xử lý gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành lúa gạo và an ninh lương thực trong tình hình mới. Câu chuyện này gắn với ngành nông nghiệp cả nước, nhưng rõ ràng được quan tâm nhất tại ĐBSCL, vựa lúa lớn nhất và cũng đang trong vụ lúa lớn nhất trong năm, người dân đặt nhiều kỳ vọng sẽ trúng mùa.
Còn dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, là tuyến đường mà người dân miền Tây, Đồng bằng sông Cửu Long mong mỏi. Thúc đẩy dự án này cũng là mong mỏi của xã hội, của các đồng chí lão thành mà Thủ tướng đã gặp gỡ, tiếp xúc.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 20/2, Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp cần thiết để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm đến 2020 thông tuyến cao tốc này, giao Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và các Bộ ngành liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, không dừng lại ở những vấn đề, vụ việc cụ thể, Nghị quyết số 120/NQ-CP đã đưa ra định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL theo hướng tiếp cận tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tạo ra bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận trong phát triển vùng đất này.
Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai Nghị quyết, Thủ tướng chỉ ra, vẫn có tình trạng thiếu quyết liệt trong triển khai Nghị quyết, kể cả tư duy và hành động còn nhiều vấn đề đặt ra; thiếu sự chủ động, vận động nhân dân trong thực hiện Nghị quyết:
“Tư tưởng xuôi chiều, lãng quên, chấp nhận cái cũ, không chịu đổi mới tư duy là có, trong khi đó nhiều bộ trưởng đang lăn xả vào công việc, xử lý các vấn đề liên quan đến đời sống và phát triển ĐBSCL. Định hướng phát triển và chỉ đạo thực hiện là hết sức quan trọng đối với vùng sông nước nhạy cảm, chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc của biến đổi khí hậu như ĐBSCL”, Thủ tướng phát biểu và yêu cầu, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, có Nghị quyết mà không triển khai.
Trên thực tế, bất kỳ vùng miền nào của đất nước cũng đều có vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Tuy nhiên, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng với riêng vùng đất “chín rồng” là có lý do, khi đây không chỉ là vùng đất có tiềm năng to lớn mà còn chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Vùng đất này còn đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn do mô hình phát triển trước đây không còn phù hợp. Mô hình chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL thành công cũng sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu triển khai ở các vùng khác trên cả nước.
Nhận định rõ ràng về các thách thức của ĐBSCL, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng cho biết ông lạc quan về tương lai vùng đất này. Và ông khẳng định, hằng năm sẽ kiểm điểm việc triển khai Nghị quyết 120 và ít nhất 2 năm một lần Chính phủ sẽ mở diễn đàn quy mô lớn để bàn và thảo luận, đề ra các giải pháp cho ĐBSCL. Diễn đàn gần nhất dự kiến sẽ được tổ chức trước ngày 20/5 năm nay.
“ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam gần 100 triệu dân”, phát biểu đầy lạc quan và quyết tâm Người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị cuối tháng 9/2017 đang được củng cố bằng những chỉ đạo hết sức cụ thể, liên tục và quyết liệt trước từng vấn đề đặt ra.