Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã gây nên cú sốc đối với toàn thế giới, làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc của dư luận quốc tế về tương lai của “Hành tinh Xanh.”
Là quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới, việc Mỹ “quay lưng” với thỏa thuận quốc tế này không những sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và hệ sinh thái toàn cầu, mà còn là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực chung của quốc tế trong việc kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu.
Hơn bao giờ hết, vấn đề cấp thiết đặt ra là các quốc gia trên thế giới cần thể hiện hơn nữa vai trò của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để có thể đảm bảo cho tương lai vốn đang bấp bênh của Hiệp định Paris.
Sự rút lui của Mỹ có thể được xem như một "bước thụt lùi" đối với chính Washington, bởi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng mô tả Hiệp định Paris, được gần 200 nước ký kết năm 2016, là “một bước ngoặt lớn cho hành tinh của chúng ta” và Mỹ cũng từng giữ vai trò đầu tàu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế đều đánh giá quyết định của Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris là sai lầm, thậm chí là "thảm họa" đối với nước Mỹ.
Các nhà khoa học khẳng định rằng thất bại trong việc ngăn chặn và giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc về môi trường, kể cả đối với các thanh niên Mỹ hiện nay và con cháu của họ.
Thực tế cho thấy nguời dân Mỹ đang chứng kiến nhiều thay đổi - các cơn bão có cường độ mạnh hơn, các trận lụt lớn xảy ra thường xuyên hơn và các tảng băng ở Bắc Cực đang tan chảy nhanh chóng.
Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng coi biến đổi khí hậu như một "mối đe dọa cấp số nhân," ảnh hưởng đến sự ổn định ở hầu hết các khu vực trên thế giới, nơi quân đội Mỹ đang hoạt động.
Nếu không từng bước từ bỏ việc sử dụng dầu đá phiến và hướng tới năng lượng sạch trong tương lai, nước Mỹ sẽ bị chính các đồng minh của mình chỉ trích.
Hơn thế nữa, Washington sẽ không còn là "người dẫn đầu" mà trở thành "kẻ ngoài cuộc" trong cuộc chiến toàn cầu này. Vị thế và sức ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế cũng theo đó dần suy yếu.
Bước đi của Mỹ cũng sẽ khiến nhân loại khó tránh khỏi nguy cơ đối mặt với nền nhiệt độ gia tăng hơn 2 độ C vào năm 2100, khi Washington tiếp tục thải ra môi trường một lượng lớn khí CO2, từng lên tới 5,1 triệu kiloton vào năm 2015, nhiều hơn tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cộng lại và chiếm gần 1/6 lượng khí thải toàn cầu.
Nguy cơ về biến đổi khí hậu sẽ càng trầm trọng thêm mà viễn cảnh tồi tệ nhất được giới khoa học dự báo là nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 0,3 độ C vào cuối thế kỷ này khi Mỹ từ bỏ các cam kết trong thỏa thuận biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học đều đồng ý rằng nhiệt độ tăng cao sẽ làm nước biển dâng, các thành phố ven biển bị ngập lụt, sự tuyệt chủng hàng loạt, hạn hán, các cuộc khủng hoảng di cư, những đợt nắng nóng chết người, mùa màng thất bát và các cơn bão lớn...
Sự rút lui của Mỹ khỏi nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu chắc chắn sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong hệ thống điều phối khí hậu quốc tế.
Thực tế này đang khiến cộng đồng phải gấp rút hành động để cứu Hiệp định Paris khỏi nguy cơ đổ vỡ. Sau khi Mỹ rút lui, châu Âu đã thắt chặt đoàn kết.
Trong một tuyên bố chung, Đức, Pháp và Italy đã phản đối lời kêu gọi của Tổng thống Trump về việc đàm phán lại những mục tiêu trong Hiệp định Paris. Các chính trị gia hàng đầu châu Âu cũng đồng loạt hối thúc tất cả các bên coi tương lai của hành tinh là vấn đề quan trọng, tiếp tục đồng hành thực hiện những gì đã cam kết nhằm bảo vệ Trái Đất.
Về phần mình, Trung Quốc, nước có lượng khí thải carbon hàng đầu thế giới, cũng khẳng định quan điểm “trước sau như một” trong việc theo đuổi Hiệp định Paris bất chấp sự rút lui của Mỹ, đồng thời hứa hẹn sẽ thực hiện cam kết của mình bằng những hành động tích cực.
Những tuyên bố trên là tín hiệu cho thấy cả Trung Quốc và EU, hai nền kinh tế lớn và có tầm ảnh hưởng toàn cầu, đã sẵn sàng thay thế Mỹ đảm đương vai trò tiên phong trong nỗ lực đảo ngược tình trạng nóng lên của Trái Đất.
Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc mới đây là minh chứng rõ nét cho sự hợp tác mật thiết giữa Bắc Kinh và Brussels trong hồ sơ khí hậu, bởi việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mang lại lợi ích kinh tế cho cả đôi bên.
Cả EU và Trung Quôc đều tái khẳng định sự ủng hộ đối với Hiệp định Paris, đồng thời nhất trí đối phó với bất kỳ hành động nào của Mỹ có thể làm suy yếu văn kiện này.
Với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai đối tác trên, các thỏa thuận của châu Âu với Trung Quốc về sản xuất trang thiết bị và cơ sở hạ tầng liên quan đến năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ được đề ra.
Các quốc gia, vốn phải gánh chịu các tác động của biến đổi khí hậu, giờ đây sẽ coi Trung Quốc và EU là một phần không thể thiếu trong giải pháp dối phó với sự nóng lên toàn cầu.
Có thể nói một liên minh EU-Trung Quốc hướng đến một tương lai với nguồn năng lượng sạch là lời đáp trả mạnh mẽ đối với chính quyền của Tổng thống Trump khi đơn phương rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris.
Việc Mỹ “quay lưng” với Hiệp định Paris không phải là “sự kết thúc của thế giới”, như nhận định của Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna.
Vẫn còn đó nhiều quốc gia sẵn sàng gạt bỏ bất đồng, sát cánh cùng nhau trong cuộc chiến dài lâu và không ngừng nghỉ bảo vệ “Hành tinh Xanh.”
Dẫu vậy, việc giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu đòi hỏi phải có những nỗ lực mạnh mẽ cũng như sự hợp tác đa phương, quyết tâm và cả thiện chí chính trị của các bên./.
Theo TTXVN