Tuần Giáo (Điện Biên) chủ động ứng phó với thiên tai

Trần Sơn| 18/08/2020 11:20

(TN&MT) - Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), để ứng phó kịp thời trong những tình huống có thể xảy ra, với mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản…

Để hạn chế thiệt hại về sản xuất trong mùa mưa lũ, ngay từ đầu năm huyện Tuần Giáo đã triển khai khơi thông, nắn dòng chảy một số con suối trên địa bàn huyện.

Trong những năm gần đây, do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai xuất hiện bất thường, không theo quy luật, số lần xuất hiện ngày càng tăng và cường độ ngày càng lớn hơn. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Tuần Giáo thường xảy ra các loại hình thiên tai trong mùa mưa lũ, như: Giông lốc, mưa đá, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất… đã tác động trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt và tài sản của người dân cũng như các công trình trọng yếu trên địa bàn.

Chỉ tính riêng trong tháng 3 vừa qua, trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã xảy ra trận mưa lớn kèm gió lốc giật mạnh làm 24 ngôi nhà ở bản Băng và bản Sản, xã Quài Tở bị tốc mái, hư hại, có nhà bị gãy cột, buộc phải dỡ bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, mưa lũ cũng gây thiệt hại tại thị trấn Tuần Giáo, xã Chiềng Sinh và xã Pú Nhung. Ước tính thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Cũng trong tháng 3, trên địa bàn huyện Tuần Giáo xảy ra mưa đá. Nghiêm trọng nhất là tại bản Phiêng Pi, xã Pú Nhung với những viên đá có đường kính trung bình từ 2 - 3cm, mưa kéo dài trong khoảng 15 phút đã gây thiệt hại về nhà cửa, cây cối, hoa màu của người dân trên địa bàn. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 800 triệu đồng.

Cuối tháng 4 vừa qua, trên địa bàn xã Mường Thín cũng xảy ra mưa lớn kèm mưa đá khiến 81 nhà bị vỡ ngói, 3,17ha lúa bị ảnh hưởng. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, cấp ủy, chính quyền xã Mường Thín đã chủ động thực hiện các biện pháp để ứng phó kịp thời với thiên tai. Ông Lò Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Thín cho biết: Trên cơ sở hướng dẫn của huyện cũng như kinh nghiệm từ những mùa mưa lũ trước, xã đã cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án PCTT&TKCN tại địa bàn quản lý.

Người dân huyện Tuần Giáo làm rọ sắt kè suối, ngăn nước tràn vào đồng ruộng khi mưa lũ xảy ra.

Lực lượng tại chỗ, phương tiện, trang thiết bị cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai. Lãnh đạo xã tổ chức lực lượng trực ban nghiêm túc 24/24 giờ và thường xuyên đi kiểm tra các vị trí xung yếu trên địa bàn để đề xuất giải pháp phòng ngừa, ứng phó trong trường hợp khẩn cấp...

Để chủ động ứng phó trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, Tuần Giáo đã tập trung kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN từ huyện đến xã, xây dựng kế hoạch, phương án, lập danh sách lực lượng nòng cốt, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác này... Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Một trong các vấn đề được đặc biệt chú trọng là nắm thông tin về thời tiết, thủy văn do Đài Khí tượng thủy văn tỉnh dự báo và kịp thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để các đơn vị, địa phương chủ động phòng tránh, chỉ đạo xử lý, đối phó kịp thời với các tình huống thiên tai xảy ra.

Huyện Tuần Giáo tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ. Ảnh: Diệp Chi

Đồng thời yêu cầu địa phương, đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm các phương án phòng chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời và khẩn trương khắc phục hậu quả). Trực ban 24/24 giờ để theo dõi, tổ chức thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Trước khi vào mùa mưa lũ, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, như: Lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ và lòng sông, suối; tình trạng xây dựng, san lấp mặt bằng trái phép gây tắc nghẽn dòng chảy, kênh, mương... Kiên quyết di dời hoặc sơ tán những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, nhất là vùng ven sông, suối, khe cạn có độ dốc lớn, các công trình giao thông, công trình đang thi công và san ủi mặt bằng có địa chất không ổn định, dễ xảy ra sạt lở đất, lũ quét...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuần Giáo (Điện Biên) chủ động ứng phó với thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO