Xã hội

Từ đây người cày có ruộng

Tùy bút của nhà văn Nguyễn Hữu Quý 02/09/2023 - 10:33

(TN&MT) - Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 do Đảng ta lãnh đạo, nhìn từ góc độ yêu nước thương dân càng tỏ rõ tính chất cách mạng và nhân văn của nó.

Trước hết, cuộc Cách mạng ấy lật đổ được chính quyền thực dân, phát xít xâm lược tàn bạo và chế độ phong kiến đã đến giai đoạn thối nát để lập ra Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Dấu ấn lịch sử của Cách mạng Tháng Tám còn in đậm trong ký ức dân tộc: Việt Nam, ta lại gọi tên mình/ Hạnh phúc nào hơn được tái sinh/ Mát dạ ông cha nghìn thuở trước/ Cho đời hai tiếng mới quang vinh… (Thơ Tố Hữu).

Những gì Cách mạng Tháng Tám mang lại cho đất nước và nhân dân đã chứng minh hùng hồn rằng, Đảng ta đã thực hiện đúng những điều cốt lõi được đề ra trong Luận cương chính trị năm 1930, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vào dịp Đảng tròn 30 tuổi: “Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê nin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình”.

duong-cay-xua-o-nam-bo.-anh-tu-lieu.jpg

Giải phóng đất nước khỏi họa xâm lược của đế quốc, thực dân và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là kỳ tích lớn nhất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thế kỷ XX. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và bản Luận cương chính trị ra đời chỉ 8 tháng sau khi Đảng thành lập đã chấm dứt một giai đoạn khủng hoảng đường lối cách mạng trước đó của các chí sĩ, sĩ phu yêu nước, mở ra cho cách mạng Việt Nam một giai đoạn mới. Những dấu mốc lịch sử cần nhắc lại: Cách mạng Tháng Tám năm 1945; chiến thắng Điện Biên Phủ 1954; đại thắng mùa Xuân 1975;… Tinh thần Cách mạng Tháng Tám được giữ vững và phát huy suốt chiều dài lịch sử bi tráng đó, đúng như lời Hồ Chí Minh khẳng định trong áng hùng văn bất hủ Tuyên ngôn độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Với nhân dân, đi theo Đảng đồng nghĩa với hướng về tương lai hạnh phúc. Khát vọng muôn đời của dân ta, không gì khác, trước hết phải có cơm ăn, áo mặc, được sống yên bình trong xóm mạc và ruộng vườn thân thuộc “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”… Người nông dân gắn với ruộng đất như những gì thân thiết, máu thịt nhất. Có ruộng đất sẽ có tất cả, tôi nghĩ quan niệm về cuộc sống của dân Việt từ xưa đến nay chỉ giản dị như thế thôi. Nhưng điều giản dị ấy trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công không thể thực hiện vì phần lớn dân ta phải chịu cảnh làm thuê cuốc mướn khi họ không có một tấc đất cắm dùi. Chẳng phải tự nhiên mà trong mục tiêu cách mạng, Đảng ta rất quan tâm vấn đề ruộng đất cho nông dân. Người cày có ruộng, hình ảnh ấy có sức thuyết phục hơn hàng trăm câu khẩu hiệu, hàng nghìn lời diễn thuyết. Nó cổ vũ những người nông dân “áo vải chân không đi lùng giặc đánh”; vẫy gọi lớp lớp thanh niên “đâu có giặc là ta cứ đi”.

mua-vang-n(1).jpg

Ruộng đồng là quê hương bản quán, là đất nước giang sơn gần gũi nhất với người Việt. Đất Mẹ! Cất lên hai tiếng ấy, lòng ta thấy bồi hồi. Thấy nhớ cánh cò bay lả, bay la; thấy thương canh rau muống, cà dầm tương; thấy yêu mái nhà ký ức ngấm bao mưa nắng…

Trong thẳm sâu lòng người, đất không chỉ mang giá trị vật chất dễ thấy mà đấy là nơi lưu giữ muôn vàn dấu vết tinh thần. Cái không thấy đôi khi làm cho lòng ta đau đáu nhất. Nói một nửa quê hương nằm trong đất cũng chẳng có gì sai cả. Cái ta không nhìn thấy đấy vẫn rầm rì đêm đêm, vẫn can dự vào buồn vui dương thế. Để cho ta thấy rằng, giá trị mỗi mét vuông đất không chỉ nằm ở cách định giá thông thường bằng tiền, vàng mà cao hơn rất nhiều là những tri ân. Hãy nghĩ tới điều đó khi hình dung tới cảnh ông cha còng lưng cày thuê cấy mướn trước đây; và khi cách mạng về, đất bừng lên sắc cờ Tổ quốc bao la, đất xẻ mình ra làm chiến hào đánh địch, đất vững chãi mọc lên những công trình cho hôm nay và mai sau…

“Mẹ ơi, bao người chưa từng nói về Tổ quốc/ Lấy mồ hôi gieo hạt lúa nhọc nhằn/ Tâm hồn họ như khoai vùi trong bếp/ Lúc đói lòng, xin được bới ra ăn” (Thơ Trần Mạnh Hảo). Đọc và ngẫm, thấy đất cao hay sâu hơn những gì mình từng nghĩ, từng biết. Thấy đất thiêng liêng đến nghẹn ngào. Thấy đất bao dung đến xao xuyến. Đất là quá khứ. Đất là hiện tại. Và, đây nữa, không thể nói khác được, đất chính là tương lai. Tôi luôn nghĩ tới chữ sạch khi gắn với chữ đất.

Đất chỉ sạch khi tâm hồn người trong sáng. Những mưu mô, toan tính gắn liền với đất đai không bao giờ mang lại cho cuộc sống sự tốt đẹp và cho con người sự nhẹ nhàng. Đất không biết trả thù nhưng luật nhân - quả là có đấy. Lưới trời lồng lộng, vô hình vô ảnh mà giăng khắp. Đừng chờ gieo hạt ác mà hái được quả lành. Lợi dụng đất đai để làm giàu bất chính trước sau cũng bị trả giá. Đã có bao minh chứng gần xa rồi. Nên để cho đất sinh tình, sinh nghĩa chứ đừng để đất đẻ oán, đẻ thù.

Ở tầm quản lý vĩ mô, luật pháp và chính sách về đất đai cần hướng đến sự nhân văn. Đất nước muốn phát triển trước tiên phải yên dân. Từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã viết “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Nên luật pháp và chính sách về đất đai phải được lòng dân nhất. Nó thể hiện sự minh bạch, công bằng, nghiêm ngắn, chặt chẽ nhất của một chế độ thực sự của dân, do dân, vì dân. Người dân lao động phải được hưởng lợi nhiều nhất từ Luật Đất đai. Bởi đất đai là thành quả của Cách mạng và đương nhiên, nhân dân phải là lực lượng đông đúc nhất được hưởng thành quả đó.

Một xã hội tốt đẹp luôn lấy con người làm trung tâm. Trong đó người dân lao động phải được quan tâm nhiều nhất. Đặc biệt với Luật Đất đai thì điều đó càng hết sức quan tâm. Cách mạng đã mang lại những thành quả to lớn cho dân tộc như độc lập tự do, thống nhất đất nước và cái ai cũng thấy là người cày có ruộng. Hình ảnh người cày có ruộng trở nên quen thuộc với nông dân. Từ ruộng đất, nông dân Việt Nam dựng xây cuộc sống mới và nhiều vùng nông thôn trên đất nước ta đang đổi thay ngoạn mục. Nhà tranh vách đất, ngọn đèn dầu le lói, đường sá nắng bụi mưa lầy, trẻ em thất học là điều khó thấy ở phần lớn nông thôn nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, những mặt trái của xã hội nói chung và nông thôn nói riêng vẫn làm cho chúng ta không yên lòng. Công cuộc xây dựng nông thôn trở thành vùng đất đáng sống đang còn rất nhiều gian khó và dài lâu. Thời gian không chỉ tính bằng tháng, bằng năm mà có thể bằng thập kỷ. Những thập kỷ đổ mồ hôi, sôi nước mắt đòi hỏi những tầm vóc trí tuệ cao của thời đại 4.0. Người nông dân nói riêng và người dân nói chung phải trở thành chủ thể tích cực của xã hội, vững vàng đi về phía trước trên mảnh đất tổ tiên, ông cha mình đã đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt và máu giành lại từ đế quốc thực dân. Vì vậy, đất phải là tài sản quý giá nhất của quốc gia mà mỗi chúng ta cần giữ gìn và làm sạch đẹp nó bằng tình yêu và nghĩa vụ của công dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ đây người cày có ruộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO