Môi trường

Tự chủ tài chính cho các khu bảo tồn rừng

Vy Huyền 18/05/2023 - 10:00

(TN&MT) - Theo nghiên cứu đánh giá của UNDP, ước tính, để thực hiện tốt chức năng bảo vệ ĐDSH, các khu bảo tồn (KBT) của Việt Nam đang thiếu hụt khoảng 5,7 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn 2018 - 2030. Và nếu mở rộng diện tích các KBT, số ngân sách thiếu hụt lên tới 7,2 tỷ đô la Mỹ.

Hiện nay, ngân sách dành cho bảo tồn ĐDSH chỉ chiếm chưa tới 1% tổng chi ngân sách Nhà nước. Các đơn vị quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn cũng nhận được khoản chi trả dịch vụ môi trường rừng khá khiêm tốn từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng cấp quốc gia và cấp tỉnh (khoảng 300.000 - 500.000 đồng/ha/năm).

8-9-1-.jpg
Hoạt động trồng cây bảo vệ rừng

Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, các KBT có thể được tài trợ từ các khoản đầu tư, đóng góp, quyên góp, tín dụng và các hình thức tài trợ khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, cũng như các nguồn thu từ cho thuê rừng và đất rừng, trồng rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, các dịch vụ giải trí và nghỉ dưỡng và các khoản phí đối với gỗ, lâm sản ngoài gỗ và trữ lượng carbon rừng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là KBT nào cũng có nguồn thu dồi dào.

Thực tế cho thấy, các giải pháp này cũng gặp rất nhiều rào cản và thách thức. Điển hình, hầu như KBT nào cũng có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nhưng các cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng, nhiều KBT chưa đủ năng lực để thực hiện các hoạt động du lịch bền vững, rất ít công ty du lịch hiện nay hiểu và áp dụng đúng và đầy đủ các tiêu chuẩn về bảo tồn ĐDSH trong các dịch vụ của mình, ý thức khách du lịch cũng là một vấn đề cần được cải thiện. Do đó, việc áp dụng mô hình này cần thời gian để nghiên cứu và áp dụng trước khi có thể nhân rộng.

Theo nghiên cứu gần đây của GIZ và Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), phần lớn các KBT vẫn đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ một số ít KBT có thể đạt được tự chủ tài chính dù là một phần, như Vườn quốc gia Ba Vì (tự chủ 80%) và Vườn quốc gia Cát Tiên (tự chủ 60%). Áp lực đặt ra cho các khu bảo tồn khi Nhà nước đưa ra các yêu cầu về thực hiện cơ chế tự chủ tái chính đối đối với Ban quản lý rừng là đơn vị sự nghiệp công lập.

Bà Kirsten Schuijt - Tổng Giám đốc Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết, để đảo chiều đi xuống của đường mất ĐDSH, giải quyết hiện tượng “rừng rỗng”, đảm bảo sinh cảnh tốt cho các loài động vật hoang dã, Việt Nam rất cần có thêm nguồn lực tài chính ổn định và bền vững. Đây là giải pháp chính để nâng cao hiệu quả quản lý của các khu bảo tồn, các hành lang kết nối các khu bảo tồn cũng như áp dụng các biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác. Ngoài việc đưa ra các giải pháp, Việt Nam cũng cần xây dựng khung pháp lý và chính sách để tạo điều kiện xây dựng và thực hiện hiệu quả các giải pháp tài chính bền vững cho bảo tồn ĐDSH ở các khu bảo tồn dài hạn.

Chia sẻ về số giải pháp tài chính tiềm năng cho các KBT tại Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Viện Khoa học Lâm nghiệp cho biết, một số nguồn tài chính tiềm năng tại Việt Nam có thể kể tới việc gây quỹ bảo tồn động, thực vật hoang dã như Tổ chức GreenViet phối hợp cùng Gustav-Stresemann Institute thực hiện để tài trợ công tác bảo tồn tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cho thuê môi trường rừng phục vụ nghiên cứu khoa học, điển hình là Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu - Khe Nước Trong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt thuê môi trường rừng trên diện tích 768ha trong 30 năm, giá trị hợp đồng 1,5 triệu USD. Bồi hoàn ĐDSH, đơn cử là Tập đoàn Xi măng Holcim đã đầu tư hàng triệu đô la để bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái núi đá vôi, hệ sinh thái đất ngập nước bị ảnh hưởng bởi các hoạt động sản xuất của Tập đoàn...

Giải pháp thúc đẩy cần có, theo bà Hà, đó là thể chế hóa việc xây dựng chiến lược tài chính bền vững cho các KBT và trao quyền chủ động cho các Ban quản lý Khu bảo tồn trong việc tìm kiếm và triển khai các cơ chế, sáng kiến tài chính mới. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc duy trì hoạt động của các KBT, đảm bảo đủ kinh phí cho một số hạng mục bảo tồn quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự chủ tài chính cho các khu bảo tồn rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO