TS Tống Ngọc Thanh: Bảo vệ nguồn nước cho tương lai

01/01/2015 00:00

(TN&MT) - Ngay trước thềm năm mới 2015, TS Tống Ngọc Thanh TGĐ Trung tâm QH và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia đã dành cho Báo TN&MT cuộc trò chuyện này

   
(TN&MT) - Nhu cầu dùng nước của các ngành kinh tế hiện không ngừng gia tăng, cân bằng nước giữa cung - cầu ở nhiều nơi và nhiều thời điểm không bảo đảm đã dẫn đến tranh chấp, xung đột vì nước. Điều này là một trở ngại lớn đối với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Để có giải pháp tích cực giải quyết vấn đề này cũng như có các định hướng quản lý tài nguyên nước nước trung và dài hạn thì cần đầu tư hơn nữa vào công tác điều tra và quy hoạch tài nguyên nước.  Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, Tiến sỹ Tống Ngọc Thanh - Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết:
   
  Đúng như cách đặt vấn đề ở trên, trong những năm gần đây yêu cầu thông tin tài nguyên nước (TNN) ở mọi lúc mọi nơi trên phạm vi toàn quốc có xu hướng ngày càng tăng cả về lượng và chất. Vì vậy, thời gian tới sẽ phải đẩy mạnh công tác điều tra và quy hoạch TNN để cung cấp kịp thời các yêu cầu thông tin cho quản lý TNN, cho xây dựng các chiến lược quản lý nguồn nước quốc gia trung và dài hạn hướng tới hoàn thành các mục tiêu chiến lược của quốc gia về phát triển KTXH cũng như để  bảo vệ, duy trì và phát triển bền vững nguồn nước cho nhu cầu hiện tại và tương lai của quốc gia.
   
   
TS Tống Ngọc Thanh - Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia 
   
PV:Với tư cách là cơ quan được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia, ông có nhận định gì về công tác điều tra TNN trên lãnh thổ Việt Nam?
   
Tiến sỹ Tống Ngọc Thanh: Từ năm 2003 đến nay, Bộ TN&MT đã và đang quản lý, chỉ đạo thực hiện hơn 50 đề án, dự án liên quan đến điều tra, đánh giá TNN; điều tra tình hình khai thác, sử dụng TNN; điều tra xả nước thải vào nguồn nước của một số lưu vực sông lớn và vùng trọng điểm. Trong giai đoạn đầu từ khi thành lập Bộ (năm 2002 - 2008) các đề án, dự án được thực hiện tập trung chủ yếu về kỹ thuật, chưa có thống nhất tổng thể. Từ năm 2008 đến nay, công tác này đã được thực hiện dần đi vào thống nhất theo các thông tư hướng dẫn điều tra đánh giá TNN cũng như các quy chuẩn kinh tế - kỹ thuật TNN.
   
  Hiện có một số dự án trọng điểm điều tra đánh giá TNN đã và đang được thực hiện gồm: Dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt (vùng biên giới Việt Nam - Lào thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả); dự án điều tra xác định dòng chảy tối thiểu (lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn) và các dự án điều tra, đánh giá tổng quan tài nguyên nước kết hợp cả nước mặt và nước dưới đất (vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai kinh tế biển ven vịnh Bắc Bộ và lưu vực sông Lô - Gâm), đồng bằng sông Cửu Long.
  Nhiệm vụ điều tra và quy hoạch TNN được thực hiện chủ yếu bởi các chuyên gia và các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT. Tuy nhiên, có nhiều nhà nghiên cứu của các Viện, đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng… và các địa phương cũng rất tích cực  tham gia thực hiện các điều tra nghiên cứu đánh giá và quy hoạch tài nguyên nước.
   
  Cho đến nay, về tổng quan công tác điều tra, kiểm kê đánh giá tài nguyên nước mặt đã được quan tâm đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, vẫn thiếu tính thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Hiện chưa có chương trình hay dự án tổng thể nào về điều tra, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước mặt trên phạm vi toàn quốc được thực hiện. Các dự án điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt đã thực hiện về đa số chỉ giải quyết mục tiêu cụ thể của dự án đó, chưa theo mục tiêu thống nhất nên khi tổng hợp để cung cấp thông tin cho quản lý TNN liên vùng còn nhiều hạn chế. Nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động điều tra, khảo sát đánh giá TNN mặt cho đến nay chủ yếu từ ngân sách Nhà nước và vốn hỗ trợ ODA.
   
  Đối với TNN dưới đất ít có sự biến động hơn. Mặt khác, do đặc thù về sự hình thành, tồn tại nên các phương pháp tính toán và kết quả điều tra đánh giá trữ lượng, chất lượng nước dưới đất trong các giai đoạn trước khi thành lập Bộ TN&MT so với hiện tại có tính liên tục, tính kế thừa và có hệ thống hơn.
   
PV:Có ý kiến cho rằng, công tác quy hoạch tài nguyên nước (QHTNN) còn khá mới, hiện chưa có QHTNN chung của cả nước, các lưu vực sông và nguồn nước liên tỉnh dẫn đến việc xác  định mục tiêu, nhiệm vụ quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN găp nhiều khó khăn. Ông suy nghĩ sao về vấn đề này?
   
Tiến sỹ Tống Ngọc Thanh: Đúng vậy. Công tác QHTNN ở Việt Nam mới chỉ được quan tâm trong thời gian gần đây. Trước năm 2010 cả nước mới chỉ có 2 dự án QHTNN được thực hiện bằng nguồn vốn từ ngân sách là QHTNN đảo Phú Quốc và QHTNN vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 
   
  Các quy hoạch liên quan đến TNN hiện có chủ yếu là các quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch nguồn nước lưu vực sông, quy hoạch thủy điện hay quy hoạch cấp nước. Các QHTNN theo quan điểm mới nhất được quy định tại Luật Tài nguyên nước gồm 3 nội dung: Quy hoạch phân bổ TNN; Quy hoạch bảo vệ TNN và Quy hoạch phòng chống giảm nhẹ tác hại do nước gây ra.
   
  Bên cạnh đó, do tác động của BĐKH và các vấn đề nảy sinh về TNN do biến động nguồn nước trên các sông lớn, tranh chấp nguồn nước, hạn hán, lũ lụt, suy giảm mực nước dưới đất, nhiễm mặn, ô nhiễm môi trường nước, thay đổi hệ sinh thái, dịch bệnh… đã làm thay đổi nhận thức của xã hội cũng như các cơ quan quản lý về mức độ quan trọng của nguồn nước và những rủi ro có thể xảy ra. Nhờ đó mà các đề án QHTNN đã được quan tâm và đầu tư nhiều hơn.
   
  Hiện nay, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (TNNQG) đã lập xong nhiệm vụ QHTNN các lưu vực sông Srepok, Bằng Giang - Kỳ Cùng và đang trong quá trình lập nhiệm vụ Quy hoạch quản lý sử dụng TNN và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2015 và định hướng đến 2020” thuộc Đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy đến năm 2020.
   
  Bên cạnh đó, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TTNQG cũng đã lập xong nhiệm vụ Đề án Chính phủ “Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh”.  Đây là đề án có quy mô lớn, có định hướng dài, có phạm vi bao trùm toàn bộ diện tích lãnh thổ Việt Nam. Khi hoàn thành sẽ lập được quy hoạch tổng thể về tài nguyên nước lãnh thổ, trong đó chú trọng các giải pháp khai thác sử dụng, quản lý tổng hợp và bảo vệ tài nguyên nước đảm bảo các tiêu chí hiệu quả và bền vững ở toàn bộ các lưu vực sông lớn của Việt nam. Đồng thời, kết quả của đề án này cũng là cơ sở quan trọng để thống nhất, định hướng cho các ngành, các địa phương lập các quy hoạch tài nguyên nước chi tiết hơn.
   
   
Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 đảm bảo đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội
   
PV:Thưa ông, để đạt được mục tiêu bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững tài nguyên nước như đã xác định trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, thì cần có những định hướng và giải pháp gì về quy hoạch và điều tra tài nguyên nước?
   
  Tiến sỹ Tống Ngọc Thanh: Theo tôi, để thực hiện được các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 trong đó đảm bảo đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đó thì quan điểm và định hướng công tác điều tra, QHTNN cần phải:
   
  Phù hợp với Luật Tài nguyên nước, từng bước giải quyết các vấn đề và nhiệm vụ đã được xác định trong Chiến lược. Cùng với đó, thực hiện tổng hợp cả nước mặt và nước dưới đất, thống nhất tỷ lệ điều tra TNN theo lưu vực sông cũng như trên các vùng miền lãnh thổ trong cùng giai đoạn tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Việc QHTNN cần phải được thực hiện theo trình tự từ quy hoạch quốc gia, quy hoạch lưu vực sông, nguồn nước liên tỉnh rồi mới đến QHTNN cho các nguồn nước nội tỉnh và cho các địa phương. Chú trọng làm rõ tác động của BĐKH, nước biển dâng đến việc khai thác, sử dụng nước; bảo vệ TNN, đặc biệt đối với lưu vực sông đang có vấn đề xung đột, cạnh tranh gay gắt về khai thác, sử dụng nước, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và nguồn nước có mối quan hệ liên quốc gia.
   
  Trên cơ sở các mục tiêu và định hướng đã được xác định đối với công tác điều tra, QHTNN, chúng tôi sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện kế hoạch điều tra và QHTNN toàn quốc, các lưu vực sông lớn làm cơ sở để xây dựng nhiệm vụ tương ứng ở địa phương theo từng giai đoạn cụ thể.
   
Thứ hai, hoàn thiện thể chế, chính sách và các văn bản pháp lý phục vụ công tác điều tra, QHTNN; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ ngành trong công tác quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ TNN. Tăng cường huy động các nguồn kinh phí, nguồn lực hỗ trợ từ tổ chức trong nước và quốc tế phát triển lĩnh vực QHTNN.
   
Thứ ba, hoàn thiện công tác điều tra cơ bản TNN để đảm bảo nguồn số liệu, thông tin đầy đủ, chính xác cho quản lý TNN. Tiếp tục đầu tư và hoàn thiện mạng lưới quan trắc và hệ thống cơ sở dữ liệu TNN quốc gia, định kỳ cập nhật thông tin, số liệu và diễn biến tài nguyên nước. Sớm hoàn thành đầu tư xây dựng xong mạng quan trắc TNNQG theo quy hoạch của Chính phủ. Thực hiện kiểm kê TNN định kỳ 5 năm một lần phục vụ cho các điều chỉnh quy hoạch và quản lý TNN.
   
Thứ tư, tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong điều tra, xử lý số liệu và lập QHTNN đáp ứng việc cung cấp các thông tin chính xác, cập nhật. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác điều tra, QHTNN.
   
  Và thứ năm, đào tạo nâng cao chất lượng, số lượng cán bộ, chuyên gia nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ điều tra, QHTNN; mở rộng hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác điều tra, QHTNN, bảo vệ và phát huy tối đa lợi ích nguồn nước.
   
PV:Xin trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!
   
Thúy Hằng (thực hiện)
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS Tống Ngọc Thanh: Bảo vệ nguồn nước cho tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO