TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển là tối ưu cho Việt Nam

Thúy Nhi| 19/09/2019 16:52

(TN&MT)- Đó là ý kiến TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội trong phiên thảo luận về thể chế tại Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển 2019 diễn ra vào sáng 19/9.

Chưa thành “rồng” thành “hổ”

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, kể từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã thực sự bỏ mô hình Nhà nước kế hoạch hóa tập trung mà đi theo mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển. Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, công nhận cơ chế thị trường nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước. Có lẽ vì thế kinh tế nước ta đã có sự phát triển khá ngoạm mục trong thời gian qua.
 

a
TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Tuy nhiên, vì sao nước ta vẫn chưa trở thành “hổ”, thành “rồng” như các nước Đông Bắc Á? Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất chúng ta chưa thúc đẩy phát triển công nghiệp thông qua các công ty, các tập đoàn tư nhân như ở Nhật Bản, Hàn Quốc mà thông qua doanh nghiệp Nhà nước.

Một nguyên nhân cơ bản khác nữa là chúng ta cũng không có một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa. Có lẽ đây là khiếm khuyết mà chúng ta phải tập trung mọi nỗ lực để khắc phục...

Chẳng hạn như môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, công bằng, minh bạch; cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế vẫn đang diễn ra. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018, có 45% doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp FDI được ưu tiên giải quyết khó khăn hơn doanh nghiệp trong nước; 37% doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu tiên thu hút FDI hơn phát triển tư nhân trong nước… Hiện tượng lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu: 70% doanh nghiệp cho rằng nguồn lực kinh doanh chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen, có quan hệ với cán bộ công quyền…

Bên cạnh đó, thể chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh yếu, tăng rủi ro cho doanh nghiệp, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng. Báo cáo phòng chống tham nhũng 2018 cho thấy, tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, tiêu cực còn phổ biến…

Rủi ro cần đối mặt

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, việc lựa chọn mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển là tối ưu cho đất nước ta, tuy nhiên cũng có không ít  rủi ro của lựa chọn này.

Thứ nhất, rủi ro về năng lực. Chúng ta có khả năng hoạch định chính sách phát triển công nghiệp đúng đắn hay không? Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì Chiến lược phát triển công nghiệp nước ta phải là gì? Đây là những câu hỏi không dễ trả lời vì khi thiếu một đội ngũ lãnh đạo tinh hoa, chúng ta khó lòng hoạch định chính sách phát triển đúng đắn. Để có được một đội ngũ như vậy, thu hút người tài vào trong Đảng là rất quan trọng. Đây phải được coi là một trong những nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Đảng ta trong thời gian sắp tới. Đồng thời, tận dụng tri thức của giới Việt kiều tinh hoa để hoạch định chính sách phát triển công nghiệp cũng rất quan trọng.

Thứ hai, do hội nhập sâu rộng với thế giới và tham gia rất nhiều các hiệp định về tự do thương mại song phương và đa phương nên không gian chính sách còn lại của Nhà nước cho việc hoạch định và triển khai chương trình công nghiệp hóa một cách độc lập và tự chủ còn hẹp. Phần này lại bị ràng buộc bởi vô vàn các cam kết quốc tế, Nhà nước rất khó can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp chúng ta lựa chọn. Để vượt qua rủi ro này, quan trọng nhất là nâng cao năng lực thiết kế các hàng rào kỹ thuật, thủ tục. Điều này có thể như đang đi ngược với những nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ. Nhưng thực tế cho thấy như việc muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chẳng hạn. Thiếu hàng rào kỹ thuật, ngành này sẽ bị cạnh tranh quốc tế “bóp chết từ trong trứng nước”.

Thứ ba, bộ máy hành chính và đội ngũ công chức của chúng ta còn yếu kém. Không có đội ngũ công chức hành chính tinh hoa để vận hành hiệu quả mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển. Chủ trương cắt giảm bộ máy hiện nay là cơ hội để chúng ta loại bỏ bớt những công chức năng lực hạn chế ra khỏi bộ máy hành chính. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải lựa chọn được những người tài giỏi vào bộ máy hành chính. Do đó, cần phải học thật và thi thật, kiên quyết áp đặt một chế độ khoa bảng và thi tuyển nghiêm khắc nhất vào bộ máy hành chính Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển là tối ưu cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO