Nhân dịp này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với TS. Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (ảnh).
PV: Thưa ông, vì sao Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm nay Bộ TN&MT chọn chủ đề “Hãy hành động vì môi trường nông thôn bền vững”?
TS. Hoàng Dương Tùng: Hiện nay, dân số nước ta chủ yếu sống ở khu vực nông thôn, là lực lượng lao động xã hội quan trọng và cũng là đối tượng trực tiếp, gián tiếp gây ô nhiễm cũng như tham gia giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2014 chuyên đề “Môi trường nông thôn” cho thấy: Tổng diện tích khu vực nông thôn tương đương khoảng 80% diện tích cả nước, nông thôn giữ vai trò là vành đai xanh, góp phần giữ cân bằng sinh thái giữa vùng nông thôn và thành thị. Nông nghiệp nông thôn giữ vai trò trọng tâm, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cung cấp nguyên liệu, hàng hóa cho công nghiệp và xuất khẩu.
Với khoảng 67% dân số cả nước, ước tính của ngành nông nghiệp là gần 20% sản lượng GDP cả nước. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới, kinh tế phát triển, đời sống của người nông dân đang được nâng cao, tuy nhiên, bên cạnh đó ô nhiễm môi trường nông thôn đã xuất hiện tại nhiều khu vực mà nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động sản xuất vẫn mang tính tự phát, đơn lẻ, công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu thấp, mặt bằng sản xuất hạn chế cùng với nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường vẫn chưa được phát huy, việc người dân chưa ý thức cao trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ và sử dụng nguồn nước, thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi... gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân, làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày và gia tăng các gánh nặng chi phí trong sinh hoạt cũng như cuộc sống....
Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Vì vậy, năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn chủ đề hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn là “Hãy hành động vì môi trường nông thôn bền vững” nhằm nhấn mạnh vai trò của khu vực nông thôn Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường cũng như công tác xây dựng nông thôn mới hướng tới một nền sản xuất tiên tiến và bền vững.
PV: Bộ TN&MT đã xây dựng hệ thống chính sách cũng như các hoạt động cụ thể nào để giải quyết những thách thức đặt ra cho môi trường nông thôn, thưa ông?
TS. Hoàng Dương Tùng: Về cơ bản, hệ thống chính sách Bảo vệ môi trường (BVMT) nông thôn đã được thiết lập từ năm 1993 trên cơ sở quản lý các đối tượng gây ô nhiễm môi trường. Luật BVMT 2005 và Luật BVMT 2014 làm rõ hơn các nội dung về BVMT khu dân cư, hộ gia đình, làng nghề, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, BVMT đối với hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y…
Hiện nay, sau khi các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật BVMT đã được ban hành, Bộ TN&MT đang nỗ lực xây dựng các Thông tư hướng dẫn, trong đó có nội dung quy định về BVMT làng nghề, BVMT đối với hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y… để đưa các quy định của Luật đi vào thực tiễn quản lý.
Về các văn bản chỉ đạo điều hành vĩ mô phải kể đến Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của BCH Trung ương Khóa X của Đảng Cộng sản Việt Nam về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã xác định một trong những mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn là “ngăn chặn, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường nông thôn”. Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong bảo vệ môi trường đưa ra nhiệm vụ “tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề” với 12 nội dung cụ thể. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng chỉ rõ nhóm nội dung, giải pháp hướng tới giải quyết các vấn đề môi trường tại các khu công nghiệp, lưu vực sông, làng nghề và vệ sinh môi trường nông thôn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 29/5/2015 về tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản nhằm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chú trọng, đẩy mạnh hơn nữa công tác BVMT nông thôn.
Có thể nói, hiện đã có khá nhiều các quy định trực tiếp và gián tiếp về bảo vệ môi trường nông thôn, tuy nhiên, hầu hết chưa cụ thể, nhiều quy định chưa thực sự khả thi. Về các văn bản định hướng chỉ đạo cũng tương đối nhiều, tuy nhiên, mức độ quan tâm, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, tổ chức thực hiện các văn bản này ở mỗi Bộ, ngành, địa phương có nhiều mức độ khác nhau. Có những địa phương ban hành ngay các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân, phân công trách nhiệm rõ ràng, tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả thực hiện khá quyết liệt. Có những địa phương chỉ gửi các cơ quan ban, ngành để biết và thực hiện.
Môi trường nông thôn giữ vai trò là vành đai xanh, góp phần giữ cân bằng sinh thái giữa vùng nông thôn và thành thị. Ảnh: MH |
PV: Đây là năm thứ 21 Việt Nam hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn. Ông đánh giá tác động của Chiến dịch này đến xã hội như thế nào?
TS. Hoàng Dương Tùng: Việt Nam đã hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn từ năm 1994, trải qua 21 năm tổ chức, từ các hoạt động sơ khai, với quy mô nhỏ đến nay, các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch đã được triển khai trên quy mô cả nước tại tất cả các địa phương, các Bộ, ngành, đoàn thể.
Cứ vào tuần thứ ba của tháng 9 hằng năm tất cả các địa phương trên cả nước lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: thu gom, xử lý, tái chế chất thải; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Các hình thức tổ chức hưởng ứng ngày càng đa dạng, phong phú thu hút hàng triệu người dân từ mọi thành phần, lứa tuổi tham gia qua đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt. Người dân đã ý thức được với những hành động nhỏ nhất của mình sẽ góp phần tạo nên môi trường sống xanh - sạch – đẹp hơn.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ riêng trong năm 2014, tại gần 60 địa phương và các Bộ, ngành có gửi báo cáo các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn đã có gần 3 triệu người đã trực tiếp tham gia các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch với các hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú.
Báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cho thấy, năm 2014 có 1.450.705 hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tham dự các hoạt động trực tiếp hưởng ứng Chiến dịch với rất nhiều các hoạt động cụ thể, thiết thực như: tuyên truyền về bảo vệ môi trường (335.979 buổi), thu gom rác thải (129.438 tấn), khơi thông cống rãnh (199.187m), xây mới, duy tu, bảo dưỡng các công trình thoát nước (18.241 công trình), phát quang bụi rậm (975.610 km), trồng cây xanh, phát tờ rơi…
Có thể nhận thấy, qua 21 năm tổ chức Chiến dịch tại Việt Nam; từ những hoạt động sơ khai cho đến nay, Chiến dịch đã trở thành một ngày hội ra quân làm vệ sinh môi trường trên cả nước; hàng vạn tấn rác thải được các lực lượng tình nguyện, học sinh, sinh viên, cộng đồng người dân thu gom và xử lý; Hàng triệu người dân tham gia vào các hoạt động trong tuần lễ hưởng ứng Chiến dịch. Tuy một số các hoạt động còn mang tính hình thức nhưng qua các hoạt động đã cho thấy, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống ngày càng rõ nét; của cộng đồng ngày càng tích cực, đồng lòng trong việc giải quyết những vấn đề chung về bảo vệ và cải thiện môi trường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Ô-xtrây-li-a khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm. Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia. Ngày 19/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên, Đại sứ quán Australia tổ chức các hoạt động cấp quốc gia tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Các hoạt động chính diễn ra trong dịp này là Lễ mít tinh quốc gia, diễu hành, cổ động bảo vệ môi trường; đồng loạt ra quân làm vệ sinh môi trường; thu gom xử lý chất thải, rác thải... |
Mai Dung (thực hiện)