Lỡ lầm
Chiều ngày 11-1-2018, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Pleiku (Gia Lai) đã tuyên phạt sơ thẩm 6 tháng tù, cho hưởng án treo đối với học sinh Trần Ngọc Thuận (sn 2001, trú phường Trà Bá) về tội “Trộm cắp tài sản”.
Theo cáo trạng, khoảng 13 giờ ngày 6-8-2017, Thuận (sn 2001, trú phường Trà Bá) đi bộ đến chơi tại làng Ia Lang, phường Chi Lăng thì phát hiện chiếc xe máy biển số 81T3-2695 của chị Blĩu (sn 1991) để dưới gốc cây. Thấy chìa vẫn cắm ở ổ khóa và không có ai trông coi, Thuận đã nảy sinh ý định trộm cắp nên đã nổ máy xe bỏ chạy. Chị Blĩu nghe tiếng xe nổ máy liền chạy lên thì thấy Thuận đang điều khiển xe chạy được 30m nên truy hô: “cướp, cướp’’. Lúc này, anh Lê Vi (sn 1999, trú tại làng Khưn, phường Trà Bá) đang đi trên đường liền đuổi theo Thuận. Do đường trơn trượt nên Thuận chạy thêm được gần 100m thì bị ngã xe và bị anh Vi và một số người khác bắt giữ, rồi đưa lên Công an phường Chi Lăng. Kết quả giám định tài sản thể hiện, chiếc xe máy tang vật có giá trị 6 triệu đồng. Ngày 20-9-2017, Thuận bị khởi tố vì hành vi trộm cắp tài sản và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau đó, VKS kết luận rằng hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị 6 triệu đồng như đã nêu của bị can Thuận là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác, xâm phạm trật tự trị an xã hội nên quyết định truy tố ra trước TAND TP. Pleiku để xét xử về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự.
Đâu là sự thật?
Theo lời khai của Thuận, vào ngày 6-8-2017, Thuận lấy xe máy của gia đình đi cắt tóc rồi đến nhà bạn chơi. Khi đến nhà bạn, do xe hết xăng nên Thuận gửi xe ở đấy rồi đi bộ tìm chỗ mua xăng. Trong lúc đi bộ qua khu vực làng Ia Lang, Thuận thấy chiếc xe máy không có ai trông coi và chìa khóa vẫn còn cắm ở ổ nên đã tự động lấy đi mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu. "Cháu chỉ định bụng mượn tạm chiếc xe máy trên để đi mua xăng, xong việc sẽ trả về chỗ cũ. Lúc đó, cháu không hề ý thức được việc đó là phạm pháp", Thuận trình bày.
Còn theo bị hại Blĩu, thời điểm đó, thấy xe của mình bị người khác lấy đi, chị có hô hoán: cướp, cướp. Khi Thuận chạy được một đoạn thì bị ngã xe do đường trơn trượt. Lúc này anh Vi đến dựng xe dậy, còn Thuận đứng bên cạnh, không hề bỏ chạy. "Khi tôi đến nơi, Thuận luôn miệng xin lỗi vì đã tự ý lấy xe đi mà không xin phép. Thấy Thuận cũng cỡ tuổi em mình, vì lỡ dại với lại tôi cũng không bị thiệt hại gì nên đã nói với mọi người tha cho về. Tôi không hề báo công an về việc này. Tôi khẳng định, từ đầu chí cuối không hề yêu cầu Thuận bồi thường cũng như không muốn em bị pháp luật xử lý. Em ấy đang là học sinh mà, nếu có lỡ dại thì người lớn cần nhắc nhở để em ấy tiến bộ chứ, ai mà chẳng có lúc mắc sai lầm", chị Blĩu nói.
Theo phản ánh của mẹ Thuận là bà Lê Thị Thanh Tâm (sn 1970), khoảng 14 giờ ngày 6-8-2017, Công an phường Chi Lăng đưa cháu Thuận về trụ sở lập biên bản. Đến 20 giờ cùng ngày, Công an mới thông báo cho bà biết để đến trụ sở làm bản tường trình rồi dẫn con về. "Công an lấy lời khai con tôi hơn 6 tiếng đồng hồ mà không có sự giám hộ của tôi liệu có đúng quy định pháp luật", bà Tâm đặt câu hỏi.
Truy cứu trách nhiệm hình sự liệu đã “thấu tình, đạt lý”?
Cáo trạng thể hiện rất rõ, bị hại Blĩu không hề yêu cầu bồi thường gì và có đơn bãi nại, yêu cầu không xử lý đối với Thuận; bị can không có tiền án, tiền sự. Còn theo bà Tâm, con dại, cái mang, con bà lấy xe của chị Blĩu mà không xin phép là sai trái, bà đã xin lỗi và được gia đình bị hại viết đơn bãi nại. Ngoài ra, cháu Thuận có nhiều tình tiết được loại trừ trách nhiệm hình sự như chưa đủ 18 tuổi, phạm tội ít nghiêm trọng, gia đình có công với cách mạng, phạm tội lần đầu...
Tại trường PTTH Nguyễn Chí Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 11B1 Bùi Thị Hồng Thắm nói có ấn tượng rất tốt đối với cậu học trò tên Thuận. Theo cô Thắm, năm lớp 10, dù học lực chỉ bình thường nhưng Thuận được xếp hạnh kiểm tốt. "Thuận ở lớp rất ngoan, luôn được thầy cô và bạn bè quý mến. Em Thuận có lần đi học muộn, tôi đã nhắc nhở thì thấy em ấy đã tiếp thu ngay, sau đó còn xung phong đi lao động để sửa sai. Và đặc biệt, mọi hoạt động của lớp, của trường, Thuận đều rất nhiệt tình tham gia", cô Thắm kể.
Còn hiệu trưởng Nguyễn Thanh Huê thì khẳng định, các cơ quan tư pháp TP. Pleiku chưa hề thông báo cho nhà trường về việc của Thuận để phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan. Theo ông Huê, nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, vậy Công an lấy lời khai của Thuận mà không có người giám hộ theo quy định thì liệu cái biên bản phạm tội quả tang có đầy đủ tính pháp lý? "Học sinh có hạnh kiểm tốt là chuyện không hề đơn giản bởi lẽ phải phấn đấu rất nhiều, chỉ cần mắc 1 sai phạm thôi đã không đạt được. "Theo quan điểm của tôi, Thuận là người chưa thành niên nên chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần và sai phạm không gây hậu quả nghiêm trọng nên cần phải được áp dụng biện pháp giáo dục nhân văn của pháp chế xã hội chủ nghĩa, nhằm bảo đảm cho em được tiếp tục học văn hóa. Điều này có nghĩa là hãy để nhà trường giáo dục, giúp đỡ Thuận sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh", ông Huê nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hảo - phó Chánh án phụ trách TAND tỉnh Gia Lai cho biết, nước ta đã tham gia Công ước Quốc tế về "Quyền trẻ em" và "Bảo vệ trẻ em" nên đối với tội ít nghiêm trọng, người chưa thành niên cần được xử lý giáo dục chứ không phải là răn đe. Điều này được thể hiện rất rõ ràng ở cả BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015.
Còn theo ông Nguyễn Minh Tường-đoàn Luật sư Bà Rịa Vũng Tàu, việc công an lấy lời khai đối với cháu Thuận-người chưa thành niên mà không có người giám hộ thì chắc chắn là vi phạm tố tụng. Ngoài ra, với các tình tiết về nhân thân thì cháu Thuận nên được áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục ở bất kỳ thời điểm nào của quá trình tố tụng của vụ án, bất kể là ở giai đoạn điều tra, truy tố, hay xét xử và do cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ việc có thẩm quyền áp dụng. Khoản 4 Điều 91 của BLHS năm 2015 cũng thể hiện, khi xét xử người dưới 18 tuổi, Tòa án trước hết phải cân nhắc khả năng áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục... "Để bảo đảm lợi ích tốt nhất đối với người chưa thành niên như cháu Thuận, các cơ quan tư pháp TP. Pleiku cần sớm đưa em ra khỏi vòng tố tụng, cần xem xét, áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự càng sớm càng tốt", luật sư Tường chốt lại vấn đề.
Quy trình, quy định của Công an(?)
Tại phiên tòa, do áp dụng theo luật mới nên các ông Nguyễn Văn Dũng-Công an phường Chi Lăng; Cao Cự Thông, Trần Quốc Toản-cùng là cán bộ điều tra Công an TP. Pleiku đều được triệu tập tham gia tố tụng. Thêm một tình tiết nữa là vì nhà Trường không được thông báo nên cha mẹ bị cáo đã phải xin phép cô giáo chủ nhiệm cho cháu Thuận nghỉ học 1 ngày để tham gia phiên Tòa.
Cháu Thuận khai trước HĐXX, khoảng 14 giờ ngày 6/8/2017, cháu bị Công an phường Chi Lăng áp giải về trụ sở làm việc. Từ thời điểm đó cho đến 20 giờ cùng ngày, cán bộ Dũng đã hướng dẫn cháu Thuận ghi lời khai mà không có người giám hộ. Cụ thể, ông Dũng đã 'ép' và đọc cho cháu Thuận ghi lời khai theo như ý của ông. Cả cháu Thuận và gia đình đều không đồng ý với bản cáo trạng mà VKSND truy tố tội danh của bị cáo trước tòa.
Thẩm phán chủ tọa Trần Văn Thưởng đã yêu cầu ông Phan Văn Hóa-đại diện VKS giữ quyền công tố giải thích vấn đề mà bị cáo và gia đình không phục. Ông Hóa đáp rằng, đó là quy trình, quy định của Công an, hãy để Công an giải thích(?). Phía Công an, ông Dũng lúc thì nói rằng có gọi điện thoại cho người giám hộ là cha mẹ cháu Thuận nhưng không được(?). Lúc thì ông bảo thời điểm xảy ra vụ việc, dân làng Khưn tự tập rất đông, nhiều người đòi 'xử' cháu Thuận theo luật làng, không cần pháp luật xử lý. Do đó, Công an đã phải giải cứu cháu Thuận đồng thời giải thích cho dân làng hiểu về pháp luật nên mới mất thời gian nhiều như vậy(?). "Nếu không có công an can thiệp thì cháu Thuận đã bị dân làng đánh rồi", ông Dũng nói.
Trái lại, gia đình bị hại phản bác ngay bởi trong khoảng thời gian trên, họ không hề nhận được bất cứ cuộc điện thoại nào từ phía Công an phường Chi Lăng. Còn bị hại Blĩu khẳng định rằng thời điểm đó, trước thái độ thành khẩn, ăn năn của em Thuận, chị đã tha thứ cho em, không hề báo Công an cũng như không yêu cầu pháp luật xử lý và dân làng dù tụ tập đông đúc nhưng không hề có ai đòi đánh em Thuận. "Mình là người đồng bào nên lời nói luôn chắc như đinh đóng cột. Lúc đó, mình đã yêu cầu lấy lại xe song Công an bảo là để đưa đi giám định. Mình đã tha thứ cho em Thuận cả bằng miệng và bằng giấy tờ nhưng không hiểu sao vẫn bị Tòa án triệu tập. Thời điểm này là gần Tết, gia đình mình có rất nhiều việc, mình không ưng cái bụng đâu", chị Blĩu bức xúc cho biết.
Trả lời vấn đề Công an giữ cháu Thuận hơn 6 tiếng đồng hồ mà không có người giám hộ, hai cán bộ điều tra là Thông và Toản đều khẳng định trước HĐXX là đúng quy trình, đúng quy định, đúng pháp luật(?).
Mẹ cháu Thuận là bà Tâm đã hỏi vị đại diện VKS, tại sao bị cáo có đầy đủ các tình tiết để áp dụng biện pháp xử lý giáo dục song các cơ quan tố tụng lại quyết truy cứu trách nhiệm hình sự? "Nếu con của ngài cũng bị như vậy, liệu ngài có đưa ra pháp luật xử lý ngay hay là đợi đến khi nó phạm tội nhiều lần, không còn dạy nổi nữa thì mới thực hiện việc này", bà Tâm hỏi. Trước, câu hỏi này, ông Hóa không giải thích mà còn yêu cầu Chủ tọa cho dừng xét hỏi(!).
Tại phần tranh tụng, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội cháu Thuận, đề nghị mức xử lý là từ 6 tháng đến 9 tháng tù, cho hưởng án treo về tội trộm cắp tài sản. Tại phần này, Luật sư chỉ định bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX áp dụng khoảng 2 điều 69 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự cho thân chủ của mình. Cũng tại phần này, vị đại diện VKS đã không trả lời thỏa đáng bất kỳ câu hỏi nào của gia đình bị cáo là: Thuận có đầy đủ cơ sở để áp dụng tình tiết miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật song HĐXX vẫn cho qua, chuyển sang phần nghị án và tuyên mức án như đã nêu. Quan điểm của Viện và Tòa đều thống nhất rằng cháu Thuận là học sinh nhưng không tu dưỡng đạo đức, lén lút trộm cắp, là hành vi nguy hiểm cho xã hội... nên cần phải áp dụng biện pháp răn đe(!?).