Khi viết những dòng này, tôi nhắn tin cho Hoàng Văn Minh - Trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa hồi năm 2011 ấy. Minh bảo: “Đảo là một phần cuộc đời em. Em vừa rời trạm Song Tử Tây được 5 tháng, chắc chưa đi đảo dài ngày nhưng các chuyến đi ngắn tầm một tháng đổ lại thì vẫn đến lượt mình”.
Sau khi rời Trường Sa, Minh trở về làm việc trong đất liền ở Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ tại Nha Trang. Sau đó, cậu lại xin ra đảo Song Tử Tây gắn bó với công việc đếm gió đong mưa. Cậu vừa trở về Nha Trang và rất có thể tới đây lại tiếp tục đến với những hòn đảo mới…
Minh không phải là một trường hợp hiếm trong ngành khí tượng thủy văn. Tôi đã nghe, đã gặp vài người như thế. Trong chuyến đi năm 2011 ấy, tôi gặp Trần Văn Linh 24 tuổi mà đã có thâm niên 5 năm quan trắc đảo Trường Sa - Phú Quý rồi quay lại Trường Sa. Hay Võ Thanh Hải là người thứ 4 trong gia đình ra đảo, trước đó là cha, chú ruột, anh rể…
Minh bảo, đi công tác ngoài đảo thiếu thốn đủ bề, xa nhà, nhớ vợ thương con nhưng nhiều khi không thể thoái thác được, vì đó là nhiệm vụ. Nhưng ở đảo rồi thì như “đất hóa tâm hồn”, về lại nhớ.
Trên đảo thường có 3 lực lượng bám biển là quân đội, hàng hải và khí tượng. Trong đó, “dân khí tượng” khổ hơn cả bởi các khoản đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạn chế, chế độ phụ cấp cũng thấp hơn so với các lực lượng khác. Tuy vậy, công việc quan trắc vẫn được duy trì đều đặn và gửi số liệu về trung tâm; bởi số liệu khí tượng hải văn đảo đặc biệt quan trọng, là những số liệu “tuyến đầu” trong dự báo bão.
Trong tâm thế hướng ra biển, làm giàu từ biển, những lực lượng cắm chốt nơi đảo xa, “buông neo cho tổ quốc khỏi dạt trôi” vì vậy càng cần được trang bị đầy đủ vật chất cũng như tinh thần.
Hàng năm, các đoàn công tác từ đất liền ra đảo và có những món quà nhỏ tặng quân dân trên các đảo. Trong các chuyến đi ấy, Báo Tài nguyên và Môi trường đã từng chia sẻ với anh em khí tượng bộ dàn karaoke để họ cất lên tiếng hát “kéo đất liền gần lại”, chiếc tủ đông để cất giữ thực phẩm phòng khi mùa gió muối, mùa bão khuynh đảo; vài chiếc xe máy, xe đạp để anh em đỡ vất vả khi đi quan trắc trên đồi, ven biển…
Ở tầm vĩ mô, các chính sách về biển đảo ngày càng hoàn thiện, các ngành đang liên kết “hà hơi, tiếp sức” cho các lực lượng bám biển một cách mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Những món quà nhỏ đã đem đến đảo hơi ấm từ đất liền, những chính sách mới đem đến những hy vọng về tương lai quốc gia biển Việt Nam. Còn tôi, món quà tôi nhận được sau chuyến đi Trường Sa là những con ốc biển, những quả bàng vuông mà anh em đảo gửi tặng, hàng trăm tấm ảnh với những nụ cười tỏa nắng, tình bạn với những người cùng lênh đênh 10 ngày trên tàu HQ 957… Điều còn lại và tiếp tục được nuôi dưỡng trong tôi là ý thức về biển đảo, sự tự hào, niềm thấu cảm nhân lên mỗi khi cầm bút.