Trường học hơn 40 tỷ đồng bỏ hoang, hàng trăm học sinh phải đi học nhờ

06/04/2016 00:00

(TN&MT) - Dù được đầu tư với tổng số vốn hơn 40 tỷ đồng nhưng hơn 200 học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Quế Phong vẫn phải đi học nhờ…Câu chuyện tưởng đùa nhưng đang là thực tế diễn ra tại huyện nghèo của tỉnh Nghệ An này khiến cho các bậc phụ huynh cũng như học sinh vô cùng bức xúc.

Là một trong nhưng công trình trọng điểm huyện Quế Phong giai đoạn 2010- 2015. Tuy nhiên, dù đã khánh thành được gần 1 năm nhưng đến nay công trình trên vẫn còn nhiều hàng mục dang dở khiến cho hàng trăm học sinh nơi đây phải đi học nhờ, nhiều phụ huỳnh  bất bình.

Đầu năm 2012, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Quế Phong (sau đây viết tắt là Trường PTDTNT THCS Quế Phong) được đầu tư xây dựng tại bản Na Cày, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Được biết, công trình này được phê duyệt xây dựng với tổng số vốn là 41,215 tỷ đồng. Đây được xem là một trong những công trình trọng điểm của huyện Quế Phong.

Ngôi trường được đầu tư hàng chục tỷ đang bị bỏ phí hàng năm trời
Ngôi trường được đầu tư hàng chục tỷ đang bị bỏ phí hàng năm trời

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 với tổng số vốn trên 30 tỷ đồng, công trình “trọng điểm” này bỗng nhiên dừng lại không thể tiếp tục thi công những hạng mục tiếp theo. Những hạng mục đã được thi công không được đưa vào sử dụng mà để “đắp chiếu”, phủ bụi, gây lãng phí.

Theo ghi nhận, những hạng mục như nhà 2 tầng với 12 phòng học, nhà hiệu bộ, nhà ăn … đã được hoàn thành. Trải qua thời gian những hạng mục này không được đưa vào sử dụng đã mọc rêu, nhiều vị trí đã bắt đầu xảy ra tình trạng xuống cấp. Như phần nền gạch ở dãy phòng học 2 tầng khang trang cũng bắt đầu bong tróc. Một số hạng mục khác như hệ thống cửa, bể chứa nước cũng đang có dấu hiệu hư hỏng.

Khuôn viên nhà trường trở thành một công trường hỗn độn với những hạng mục chưa được thi công như nhà ký túc xá, khu sinh hoạt chung, đường bê tông trong khuôn viên trường. Hệ thống điện cũng chưa được xây dựng, lắp đặt...

Trong khi những hạng mục đã được thi công với trị giá hàng chục tỷ đồng  đang nằm phơi mưa, phơi nắng thì hàng trăm em học sinh đáng lẽ đã được học trong ngôi trường mới khang trang này thì lại phải ăn nhờ, ở ké, học tạm tại những cơ sở khác. Hàng ngày, 225 học sinh của trường đang phải học nhờ ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Quế Phong với cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn, chật chội. Các em cũng được bố trí ở tạm tại nhà ký túc của trường cấp 3 huyện Quế Phong. Việc phải “ăn nhờ, ở đậu” bấy lâu khiến cho công tác dạy và học của thầy trò trường này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiều hạng mục công trình có dấu hiệu xuống cấp
Nhiều hạng mục công trình có dấu hiệu xuống cấp

Em Vi Văn L,  một học sinh của Trường lo lắng kiến nghị: “Bọn em hầu hết đều là học sinh ở các xã vùng sâu, xa của huyện ra đây học. Tưởng ra trung tâm huyện có điều kiện ăn học tốt hơn nhưng không ngờ lại phải đi học nhờ. Chỗ học chật chội, ký túc không bảo đảm nên ảnh hưởng lớn đến việc học của bọn em. Mong sao được sớm chuyển về ngôi trường mới khang trang để yên tâm học tập”.

Bà Vi Thị Duyên – GĐ Ban quản lý dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng huyện Quế Phong cho biết: “Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, do thiếu vốn nên công trình phải dừng thi công và chưa thể đưa vào sử dụng. Trong đó có những hạng mục chưa được thi công như 2 nhà ký túc, nhà chức năng, hệ thống sân, điện … Chúng tôi cũng đã làm tờ trình gửi UBND huyện, tỉnh để xin cấp vốn sớm hoàn thành để đưa công trình đi vào sử dụng nhưng vẫn phải chờ. Về các hạng mục có dấu hiệu xuống cấp chúng tôi sẽ cho kiểm tra, sửa chữa”.

Còn ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: “Vì chưa thi công, lắp đặt hệ thống điện nên dù một số hạng mục đã hoàn thiện nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Trong năm nay huyện sẽ tập trung nguồn vốn, sớm hoàn thiện để đưa công trình vào hoạt động. Để các em có nơi học ổn định”.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trước đó vào tháng 5/2015, UBND huyện Quế Phong đã tổ chức lễ cắt băng khánh thành, gắn biển cho ngôi trường một cách hoành tráng. Thế nhưng, gần 1 năm trôi qua công trình đang nằm “bất động”, gây lãng phí lớn.

Đề nghị các bên liên quan cần sớm chủ động về nguồn vốn, hoàn thành những hạng mục còn lại để hơn 200 học sinh dân tộc thiểu số của huyện 30A này sớm có chốn ăn học ổn định.

Bài & ảnh: Đ. Tiệp – L. Ý

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường học hơn 40 tỷ đồng bỏ hoang, hàng trăm học sinh phải đi học nhờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO