Hiện Trung tâm PTQĐ tỉnh Sơn La chưa được giao nhiệm vụ thường xuyên trong công tác tạo, quản lý và phát triển quỹ đất. |
Chưa được giao nhiệm vụ thường xuyên
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung Tâm Phát triển Quỹ đất (PTQĐ) tỉnh Sơn La cho biết: Từ ngày 1/5, Trung tâm PTQĐ tỉnh Sơn La, trực thuộc Sở TN&MT Sơn La chính thức đi vào hoạt động, bao gồm 4 phòng chuyên môn, 5 Chi nhánh Trung tâm tại 5 huyện, thành phố với 42 biên chế.
Từ đó tới nay, các Chi nhánh tiếp tục thực hiện các công việc đã được UBND các huyện, thành phố giao và các công việc mới. Đồng thời, Trung tâm đã tiến hành bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc của 4/5 Chi nhánh; ủy quyền cho các Chi nhánh chủ động ký kết hợp đồng kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ được giao trên địa bàn. Trường hợp các Chi nhánh không đảm bảo tiến độ công việc được giao sẽ đề xuất Trung tâm để Trung tâm trưng tập viên chức hoặc lao động hợp đồng từ Trung tâm hoặc các Chi nhánh khác sang để thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo tiến độ công việc.
Về cơ bản tính đến thời điểm này, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Trung tâm sau khi đi vào hoạt động chưa có gì vướng mắc.Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Trung tâm đã thực hiện các nhiệm vụ từ khi chưa sát nhập trên địa bàn huyện Thuận Châu với tổng số 10 dự án, đã chi trả bồi thường với tổng số tiền trên 51 tỷ đồng. Thực hiện xác định giá đất 9 dự án. Tại các chi nhánh, chi nhánh huyện Thuận Châu đã ký hợp đồng với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thực hiện 7 dự án trên địa bàn; chi nhánh huyện Mộc Châu đã ký hợp đồng và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng 11 dự án...
Tuy nhiên, là một đơn vị mới thành lập hoạt động theo mô hình một cấp, bên cạnh kết quả bước đầu đạt được, Trung tâm còn gặp một số khó khăn trong khâu tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm trên các lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, tạo, quản lý và phát triển quỹ đất còn chưa được giao nhiệm vụ thường xuyên do UBND tỉnh cơ bản giao cho UBND các huyện, thành phố thực hiện. Do đó, Trung tâm thường xuyên phải tìm kiếm việc làm và ký kết hợp đồng với các huyện, thành phố để thực hiện. Cộng thêm, việc thành lập Trung tâm PTQĐ một cấp chưa được sự ủng hộ cao, sự phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về nhiệm vụ của các huyện, thành phố.
Ông Hoàng Xuân Hà, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm PTQĐ huyện Phù Yên cho biết: Việc đi vào hoạt động một cấp còn khó khăn cho việc ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế phối hợp với UBND các huyện tại các chi nhánh. Cộng thêm, quyền chủ động của các Chi nhánh bị hạn chế đi nhiều, dù rằng, hiện nay, chúng tôi vẫn đang được Trung tâm PTQĐ tỉnh ủy quyền để chủ động quản lý về con người, tài chính, tài sản và xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của Chi nhánh.
“Từ tháng 5 tới nay, chúng tôi mới nhận được lương và các khoản phụ cấp. Các chi phí thường xuyên phục vụ hoạt động Chi nhánh như điện, nước, văn phòng phẩm... theo quy định, các chi phí này phải lập chứng từ gửi lên tỉnh để thanh toán. Như thế, một cán bộ Chi nhánh phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ kế toán ngoài nhiệm vụ chuyên môn” – ông Hà nói.
Trung tâm PTQĐ tỉnh Sơn La vẫn đang phải thuê trụ sở làm việc |
Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Ông Phạm Văn Thi, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho rằng: Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc chuyển Trung tâm PTQĐ của các huyện, thành phố về tỉnh sẽ có ảnh hưởng đến công việc của các Chi nhánh, do UBND huyện, thành phố sẽ giao cho Hội đồng giải phóng mặt bằng hoặc các Ban giải phóng mặt bằng để thực hiện các nhiệm vụ của Trung tâm.
Để Trung tâm đi vào hoạt động có hiệu quả, đúng chức năng, Sở TN&MT Sơn La đã đề nghị UBND tỉnh cần có sự phân cấp nhiệm vụ trong công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư, trường hợp nào là Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện, trường hợp nào là Tổ chức Phát triển Quỹ đất thực hiện để các nhiệm vụ không có sự chồng chéo giữa Trung tâm và Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Mặt khác, cần có sự thống nhất về việc thành lập Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng đối với những nơi có Chi nhánh Trung tâm PTQĐ để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Quy định rõ nơi nào đã có Chi nhánh Trung tâm PTQĐ thì không thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Bên cạnh đó, Trung tâm PTQĐ tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT tạo điều kiện để Trung tâm có trụ sở làm việc ổn định; giao nhiệm vụ thường xuyên cho Trung tâm theo chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm PTQĐ trên các lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng; xác định giá đất; tạo, quản lý và phát triển quỹ đất.
Đặc biệt, về cơ chế hoạt động của các Chi nhánh là đơn vị hoạt động trên địa bàn các huyện, thành phố cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm và các huyện, thành phố trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các Chi nhánh khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm.
Bài & ảnh: Nguyễn Nga