Các phương tiện bị mắc kẹt trong dòng nước lũ trên đường phố do mưa lớn ở Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: cnsphoto |
Trước đó, ngày 24/5, Ủy ban sông Dương Tử của Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã phát động ứng phó khẩn cấp cấp độ 4 để phòng chống lũ lụt ở sông Dương Tử khi mực nước của các trạm kiểm soát chính ở trung lưu và hạ lưu cao hơn khoảng 2,3 - 4,1m so với mức lịch sử và cao hơn từ 4,6 - 7m so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, 7 trạm đo thủy văn dọc sông Dương Tử cho thấy, mực nước vượt ngưỡng cảnh báo, chủ yếu dọc theo các nhánh chính của hồ Bà Dương - được gọi là "quả thận của sông Dương Tử". Lượng nước đổ vào hồ này từ 5 con sông đã vượt quá 30.000 m3/s.
Viện Nghiên cứu Thông tin Hàng không Vũ trụ thuộc Viện Khoa học Trung Quốc mới đây cho biết, tại tỉnh Giang Tây, mực nước của hồ Bà Dương đã chạm đến 18 mét, tiến gần đến mức cảnh báo lũ 19 mét và sớm hơn một tháng so với các năm trước.
Cuối tháng 5, Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết đã chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với mùa mưa lũ sắp tới. Cũng theo Bộ này, Trung Quốc mới bước vào mùa lũ lụt chính từ ngày 1/6 sau một loạt trận mưa lớn ở miền Nam đất nước kể từ tháng 5 vừa qua. Theo dự báo thời tiết, khu vực này tiếp tục hứng chịu mưa lớn từ ngày 1 - 4/6, có thể gây lũ lụt vượt mức cảnh báo trên sông Tương Giang ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc và 4 con sông ở các tỉnh miền Đông Giang Tây, Phúc Kiến và Khu tự trị Choang Quảng Tây, miền Nam đất nước. Ngoài ra, những trận lũ lụt lớn hơn có thể xuất hiện trên một số sông vừa và nhỏ ở khu vực có mưa dông.
Ngày 26/5, tại tỉnh Hồ Nam, để ứng phó với cảnh báo lũ lụt, các cơ quan thủy lợi địa phương và Cục Thủy văn sông Dương Tử đã cùng thực hiện một cuộc diễn tập giám sát khẩn cấp tại đoạn sông dọc theo sông Tương Giang. Cuộc diễn tập nhằm mô phỏng một tình huống, trong đó, mưa lớn gây ra lũ lụt lớn ở hạ lưu sông Tương Giang, dẫn đến sạt lở bờ biển, nước tràn vào các thành phố và gây ô nhiễm.