Môi trường

Trong xanh biển đảo Quảng Ninh - Bài 3: Xanh lên từ biển, giàu lên từ biển

Bài: Phạm Hoạch - Trình bày: Dũng Thi 11/06/2024 - 20:19

(TN&MT) - Bằng những quyết sách đúng đắn, về bảo vệ môi trường biển nỗ lực xóa phao xốp, trong nuôi trồng thủy sản, Quảng Ninh đang thực hiện hướng đi đúng đắn trong, sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển bền vững kinh tế biển xanh.

e-qn.jpg

Phát huy lợi thế từ biển, những năm qua Quảng Ninh luôn xác định phát triển ngành nuôi thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở phát huy lợi thế biển đảo và hoàn chỉnh hệ thống hậu cần nghề cá, nuôi biển, chế biến đồng bộ, hiện đại. Để thực hiện những mục tiêu này, địa phương đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường biển, giữ gìn hệ sinh thái biển.

sutit-1.jpg

Quảng Ninh là tỉnh có tiềm năng, lợi thế đặc biệt lớn để phát triển ngành kinh tế thủy sản. Với bờ biển dài 250km chạy dọc từ Móng Cái đến Quảng Yên, có Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và hơn 2.000 hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước, trên 40.000ha bãi triều và hơn 20.000ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100km2, diện tích vùng nuôi hơn 45.000ha. Ngư trường Quảng Ninh là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, với trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản phong phú, đa dạng và đã được xác định là hơn 86.000 tấn, có khả năng cho phép khai thác bền vững hằng năm khoảng 52.000 tấn.

trang-trai-nuoi-bien-1_1698636863.jpg


Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh là 42.292ha, trong đó nuôi nội địa 32.092ha, nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 175.324 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 81.608 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.716 tấn. Giá trị sản xuất đạt 6.943,9 triệu đồng, giá trị tăng thêm đạt 3.929,6 triệu đồng, chiếm gần 50% giá trị nông nghiệp.
Cùng với đó, Quảng Ninh là cửa ngõ của các nước ASEAN, là trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu của miền Bắc sang thị trường quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc. Đây là những tiềm năng, lợi thế nổi trội của tỉnh Quảng Ninh, tạo tiền đề để kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.
Vùng biển Quảng Ninh là tập hợp của nhiều hệ sinh thái biển khác nhau như: Rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển. Nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú, nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Với diện tích vùng biển lớn, kín gió, nhiều đảo lớn nhỏ, nước biển trong, sạch được bao bọc bởi hệ thống đảo phía ngoài, là điều kiện lý tưởng để Quảng Ninh phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, công nghệ cao.

box1.jpg


Phát huy lợi thế vốn có, tỉnh quyết tâm trở thành Trung tâm nuôi biển của miền Bắc. Để hiện thực hóa mục tiêu này, chiến lược nuôi biển của Quảng Ninh lấy nhà nông chuyên biệt làm nòng cốt, mục tiêu hướng tới đa giá trị. Tỉnh sẽ tận dụng lợi thế thị trường du lịch mỗi năm trên 20 triệu khách để tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu. Tỉnh cũng kết hợp nuôi trồng thủy hải sản hướng ra biển với khai thác thủy hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và dịch chuyển mật độ nuôi biển từ vùng biển 3 hải lý trở vào để mở rộng diện tích nuôi biển phù hợp với quy hoạch và sức tải của môi trường.
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Địa phương sẽ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả phát triển thủy sản dựa trên các mục tiêu Quốc gia về phát triển nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh phát triển thị trường, có kế hoạch sản xuất trung hạn và hàng năm để đáp ứng nguồn cung phù hợp với cầu của thị trường. Đồng thời, triển khai hiệu quả Chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh lĩnh vực thủy sản trong năm 2024, tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, hình thành hệ thống sản xuất - logistics thủy sản hiện đại trên địa bàn tỉnh gắn với hệ thống xuất khẩu chung của cả nước.

sutit-2.jpg

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn ngọt. Hết năm 2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi thành công 10 triệu phao xốp sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường biển.

box2.jpg


Tại hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển nhìn từ Quảng Ninh” được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh mới đây, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: Mục tiêu của nuôi biển phải hướng đến đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu của con người, giữ gìn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Nuôi biển nằm trong tổng thể 3 trụ cột của kinh tế biển: giảm khai thác, tăng nuôi trồng, tạo sự hài hòa trong kinh tế biển. Nuôi biển phải góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia nuôi biển, sinh sống gắn bó mật thiết với biển. Đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, xung đột lợi ích trong không gian biển, nhất là trước thực trạng ngành thủy sản tự phát, thiếu tuân thủ quy hoạch, thiếu kiểm soát đang tạo ra xung đột giữa nuôi trồng và sự biến dạng tài nguyên thiên nhiên. Nuôi biển phải có sự bài bản, bền vững giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Hiện địa phương đã triển khai quy hoạch 45.246ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Để ngành thủy sản phát triển bền vững, tỉnh đã thực hiện tốt công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch nuôi biển. Đồng thời, triển khai thực hiện, khoanh vùng, các khu bảo tồn biển được quan tâm triển khai thực hiện nhằm nảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học, bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái, duy trì cải thiện sinh kế, quản lý và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản. Công tác Một số loài đặc sản như sá sùng, ghẹ Trà Cổ, ngán, bào ngư, mực đã được khoanh vùng nhằm mục tiêu khai thác hợp lý các loại đặc hữu, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: Quảng Ninh có truyền thống và tiềm năng về biển, nghề nuôi trồng thủy sản. Ghưng gần đây nghề nuôi biển phát triển nhanh, tạo ra nhiều sản phẩm từ thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Vì vậy, để phát triển nghề nuôi biển theo hướng lâu dài, bền vững cần phải có quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên biển, nhất là quy hoạch chi tiết, tính toán các yếu tố về không gian, quy mô, thức ăn, tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả.

phc3a1t20trie1bb83n20he1baa120te1baa7ng20phe1bba5c20ve1bba520du20le1bb8bch20bie1bb83n20c491e1baa3o1-1656032434651-16560324363911611589032.jpg


Bằng những quyết sách đúng đắn, những nỗ lực trong phát triển kinh tế biển xanh, trọng tâm là du lịch và nuôi biển, những nỗ lực bảo vệ môi trường, đặc biệt là địa phương tiên phong trong xóa phao xốp trong nghề nuôi biển, Quảng Ninh đang khẳng định hướng đi đúng đắn với quyết tâm: Xanh lên từ biển, giàu lên từ biển trên nguyên tắc không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế biển bằng mọi giá. Với Quảng Ninh, giữ biển xanh, biển sạch và làm giàu cho biển không chỉ để tăng trưởng kinh tế cho xã hội, cải thiện sinh kế việc làm cho người dân, mà còn vì biển, đảm bảo sức khỏe cho biển và hệ sinh thái biển - những nỗ lực, quyết tâm ấy như một cách trả ơn cho biển.

z4867109983157-f2ee492bfcf99f7d4f51e19d390af6c5.jpg

Bài: Phạm Hoạch - Trình bày: Dũng Thi
Địa chỉ: Phường Yên Thanh, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong xanh biển đảo Quảng Ninh - Bài 3: Xanh lên từ biển, giàu lên từ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO