Trọng thể kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát

Theo Chinhphu.vn | 15/02/2023 17:34

Chiều 15/2, tại thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Bến Tre long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913 – 15/2/2023).

Trọng thể kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Ảnh 1.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913 – 15/2/2023) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Bến Tre và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện gia đình đồng chí Huỳnh Tấn Phát và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bến Tre.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát trên quê hương ông ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Trọng thể kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày diễn văn kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trọn đời đi theo con đường cách mạng vô sản

Diễn văn kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày cho biết, đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ra và lớn lên tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Kế thừa truyền thống của quê hương và gia đình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, giác ngộ lý tưởng của Đảng và đi theo con đường cách mạng vô sản.

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (9/1938), kiến trúc sư trẻ Huỳnh Tấn Phát đã hăng hái tham gia phong trào yêu nước cách mạng của giới trí thức và các tầng lớp nhân dân trong cao trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ.

Đồng chí làm Chủ nhiệm tuần báo "Thanh niên Tiền phong"; Trưởng Ban cổ động Hội Truyền bá quốc ngữ Nam Kỳ; Trưởng Ban cổ động của phong trào "Cứu trợ nạn đói ở Bắc Kỳ" năm 1945. Văn phòng của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tại Sài Gòn đã trở thành nơi tổ chức những lớp huấn luyện bí mật về chủ nghĩa Marx-Lenin cho một số thanh niên trí thức, góp phần giúp Xứ ủy Nam Kỳ đào tạo đội ngũ cốt cán của phong trào cách mạng.

Trọng thể kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cuộc đời của đồng chí Huỳnh Tấn Phát rực sáng những tình cảm sâu sắc và bao la đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 5/3/1945, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Xứ ủy Nam Kỳ kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong những ngày toàn dân ta bừng bừng khí thế giành độc lập dân tộc Tháng Tám năm 1945, người chiến sĩ cộng sản Huỳnh Tấn Phát đã hăng hái tham gia Tổng khởi nghĩa thắng lợi giành chính quyền về tay nhân dân ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn gắn bó với vùng đất Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc. Trên cương vị Phụ trách công tác trí vận và là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, đồng chí đã chỉ đạo thành lập cơ sở mới của Đài Phát thanh tiếng nói Nam Bộ, xây dựng và phát triển Đài trở thành công cụ tuyên truyền sắc bén của Đảng, cổ vũ đồng bào Nam Bộ anh dũng kháng chiến. Đồng chí đãtổ chức in, phát hành báo "Tiến lên" - cơ quan tuyên truyền của Ban Tuyên truyền Sài Gòn - Chợ Lớn; mở rộng mặt trận đoàn kết; xây dựng, phát triển các tổ chức quần chúng và lực lượng cách mạng trong nội đô.

Từ giữa năm 1950, tham gia Ban Chấp hành Đặc Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, được Khu ủy cử làm Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc Khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng Đài trở thành "tiếng nói đoàn kết, tiếng nói đấu tranh của nhân dân Đô thành anh dũng", là ngọn cờ hiệu triệu nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Trọng thể kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Ảnh 4.

Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913 – 15/2/2023) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh (1954-1975), trong mỗi thắng lợi của cách mạng miền Nam đều có dấu ấn quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát.

Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi cuối năm 1960, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đầu năm 1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch.

Trên các cương vị, trọng trách đó, đồng chí đã góp phần to lớn trong việc đoàn kết lực lượng và các cá nhân yêu nước trên toàn miền Nam dưới ngọn cờ chung, đồng thời xây dựng Mặt trận trở thành một hình thức chính quyền độc đáo của Nam Bộ thực hiện chức năng quản lý các vùng mới giải phóng.

Tháng 6/1969, tại Đại hội đại biểu Quốc dân toàn miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập và đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch. Trên cương vị Chủ tịch, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã lãnh đạo thực hiện chính sách hòa bình, trung lập, độc lập, dân chủ, nhằm thực hiện nhiệm vụ tối cao là đoàn kết nhân dân miền Nam đánh bại đế quốc Mỹ, lật đổ chính quyền tay sai phản động, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã cùng tập thể Chính phủ, Mặt trận chỉ đạo thực hiện các mũi tiến công mạnh mẽ về quân sự, chính trị, ngoại giao; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cùng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên bàn đàm phán 4 bên ở Hội nghị Paris, góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai phải xuống thang, ký kết Hiệp định Paris năm 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược "đánh cho Mỹ cút", tạo điều kiện thuận lợi đi tới "đánh cho Ngụy nhào" và kết thúc thắng lợi hoàn toàn bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975.

Kiến trúc sư của nhiều luận chứng kinh tế, công trình quan trọng

Đất nước thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn phát triển mới của cách mạng nước ta, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có nhiều cống hiến vào thành công của quá trình thống nhất về mặt Nhà nước.

Đảm đương các trọng trách: Phó Thủ tướng Chính phủ (1977-1982); Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (từ tháng 6/1982); Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1982-1989), đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã cùng tập thể Chính phủ, Hội đồng Nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo từng bước thí điểm những đổi mới về quản lý kinh tế, góp phần xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, giúp Trung ương hoạch định và tổ chức triển khai thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước.

Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách quy hoạch đô thị, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong quá trình triển khai các đề án lớn của Chính phủ, như: Khai thác đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển thị trường khu vực Đông Nam Á; Phát triển công nghiệp và xuất nhập khẩu; Cải tạo và phát triển công thương nghiệp miền Nam; Mở rộng quan hệ kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật với nước ngoài; Vận động Việt kiều tham gia kiến thiết đất nước…

Với uy tín, tài năng của người kiến trúc sư tài ba, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao xét duyệt nhiều luận chứng kinh tế, các công trình trọng điểm quốc gia, như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà ga Sân bay quốc tế Nội Bài, Quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh…

Từ năm 1979, được Chính phủ tin tưởng giao làm Đại diện thường trực nước ta tại Hội đồng Tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa (Khối SEV), đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có những đóng góp quan trọng vào triển khai các chương trình tương trợ, hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong toàn khối.

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát có nhiều đóng góp quan trọng vào hoạt động của Mặt trận trong giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt của đất nước, với nhiệm vụ trung tâm to lớn, cấp bách là thực hiện đường lối đổi mới, từng bước đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có đóng góp to lớn trong việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, động viên đồng bào các dân tộc, tôn giáo, mọi ngành, mọi giới, cùng toàn thể nhân dân hăng hái triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cuộc đời của đồng chí Huỳnh Tấn Phát rực sáng những tình cảm sâu sắc và bao la đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Học tập, noi theo gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn phấn đấu không ngừng trên hành trình khát vọng: Tổ quốc được độc lập và thống nhất; nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc; nhân loại được sống trong hòa bình và hữu nghị.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một mẫu hình giản dị, thanh tao, khiêm nhường; luôn cởi mở, chân tình. Tình cảm chân thành, sâu sắc của đồng chí không chỉ dành cho đồng bào, đồng chí, mà còn sâu đậm, gần gũi, thắm thiết với Đảng bộ và nhân dân Bến Tre - quê hương nghĩa nặng tình sâu đã sản sinh, nuôi dưỡng, hình thành nên một nhân cách lớn Huỳnh Tấn Phát.  

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã để lại cho chúng ta bài học quý về lựa chọn lý tưởng sống, lựa chọn con đường đấu tranh cách mạng. Đó còn là bài học về tính kiên định và lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân; về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; về sự gắn bó mật thiết với nhân dân; về không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Noi gương tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Noi gương đồng chí Huỳnh Tấn Phát và các vị tiền bối, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó có Đảng bộ và nhân dân Bến Tre anh hùng nguyện đồng tâm nhất trí, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ động ứng phó với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; không chủ quan, thoả mãn với những thành quả đã đạt được, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Thủ tướng nhấn mạnh, tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát mãi mãi là niềm tự hào của tất cả chúng ta, luôn cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tiếp tục vững vàng, kiên định trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

* Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Chánh Văn phòng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam – người nhiều năm công tác cùng đồng chí Huỳnh Tấn Phát ôn lại những kỷ niệm sâu sắc của ông với đồng chí Huỳnh Tấn Phát; thể hiện đồng chí Huỳnh Tấn Phát là cán bộ gần gũi, chân thành, tình cảm; suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đại diện cho thế hệ trẻ, Bí thư Đoàn phường Tân Nhơn Phú A, Thành đoàn thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Bích Trâm phát biểu tri ân công lao to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát; đồng thời bày tỏ quyết tâm, nêu gương, học tập đồng chí Huỳnh Tấn Phát, ra sức thi đua lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bến Tre phát biểu bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi quê hương Bến Tre sản sinh ra người con xuất sắc Huỳnh Tấn Phát. Tỉnh Bến Tre nguyện phấn đấu xây dựng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, cùng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trọng thể kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO