Trồng rừng: những tín hiệu vui đầu Xuân mới

12/02/2019 21:21

(TN&MT) - Theo Bộ NN&PTNT, trong những năm qua, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân cả nước ta đã hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng. Lâm nghiệp từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, khôi phục môi trường xanh, sạch; thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước bền vững hơn.

Trồng cây đầu xuân
Đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái tham gia trồng cây hưởng ứng Tết trồng cây xuân Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Việt Hùng

Nhiều chỉ tiêu chủ yếu vượt kế hoạch đề ra

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, mưa, rét, khô hạn, bão lũ xảy ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân; nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển rừng còn hạn chế.

Nhưng với tinh thần lao động cần cù và kiến tạo, vượt qua thách thức của đồng bào, đồng chí cả nước, cùng với phương châm hành động, kiến tạo, quyết liệt; triển khai đồng bộ hơn các giải pháp tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp của cấp ủy đảng, các cấp quản lý nhà nước, ngành lâm nghiệp đạt được kết quả cao và toàn diện, nhiều chỉ tiêu chủ yếu vượt kế hoạch đề ra: cả nước trồng được trên 231 nghìn ha rừng tập trung (vượt 18,7% kế hoạch) và trên 63 triệu cây phân tán (vượt 27,7% kế hoạch); khoán quản lý bảo vệ 6,5 triệu ha rừng;

Cả nước cũng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 386 nghìn ha; đẩy mạnh thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; kiểm soát chặt chẽ rừng tự nhiên, chú trọng trồng rừng ven biển; công tác quản lý bảo vệ rừng tiếp tục chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm 22%, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 35% so với năm 2017; khai thông thị trường quốc tế, giá trị xuất khẩu lâm sản vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, xuất siêu 7 tỷ USD;

Công tác thu chi trả dịch vụ môi trường rừng 2.860 tỷ đồng (tăng 68% so với năm 2017) đã khẳng định là nguồn lực ngày càng quan trọng trong Lâm nghiệp, tăng thu nhập phi lâm sản cho người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng; giá trị sản xuất Lâm nghiệp tăng 6,10%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%. Những thành quả của ngành Lâm nghiệp góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có ý nghĩa kinh tế, xã hội và nhân văn sâu sắc.

Người đứng đầu ngành NN&PTNT cũng nhìn thẳng vào những tồn tại và cho rằng ngành lâm nghiệp vẫn đang đối mặt với những khó khăn, hạn chế và thách thức, đó là: Trồng rừng ven biển, trồng rừng thay thế chưa đạt kế hoạch; ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm, năng suất, chất lượng rừng chưa cao, giá trị trên một đơn vị diện tích còn thấp; tổ chức liên kết chuỗi trong sản xuất lâm nghiệp từ khâu trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm sản chưa phát triển mạnh mẽ, đời sống người làm nghề rừng còn thấp hơn so với các khu vực khác, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; tình trạng phá rừng, cháy rừng còn xảy ra phức tạp ở một số địa phương…

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của rừng và đất lâm nghiệp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tranh thủ thời cơ hội nhập quốc tế để thúc đẩy phát triển, thực hiện thắng lợi “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020” với mục tiêu: Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, giá trị sản xuất Lâm nghiệp tăng bình quân hàng năm 6,0%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 10,5 tỷ USD và nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 41,85% trong năm 2019, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh…

5 giải pháp trọng tâm trong năm 2019

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu 5 giải pháp trong tâm để phát triển rừng trong thời gian tới. Cụ thể: Thứ nhất, phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật về lâm nghiệp được áp dụng đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức, đơn vị hãy thi đua thực hiện “Tết trồng cây”, để xanh đường, xanh nhà, nhanh chóng phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng loài cây có giá trị cao theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, các địa phương, đơn vị có kế hoạch tổ chức hành động thiết thực, trồng cây, trồng rừng, phân khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm 2019.

Thứ ba, tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hiện trường, vật tư, nhân lực, kinh phí; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để cây trồng có tỷ lệ sống cao; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; 

Thứ tư, tổ chức tốt việc chăm sóc, quản lý bảo vệ cây trồng, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hanh, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để đảm bảo cây trồng, rừng trồng phát triển tốt. Kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng, thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ năm, tiếp tục cải cách hành chính và phương thức quản trị khoa học để tạo môi trường phát triển thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh thu hút đầu tư vào lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa một cách thực chất, hiệu quả.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng rừng: những tín hiệu vui đầu Xuân mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO