Trồng ớt rừng theo hướng sinh học đổi thay cuộc sống phụ nữ Lạc Sơn
(TN&MT) - Từ những cây ớt rừng, chị em phụ nữ huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã phát triển thành sản phẩm thế mạnh, khơi dậy phong trào khởi nghiệp tại địa phương.
Ý tưởng khởi nghiệp từ cây ớt rừng
Ớt rừng là loại gia vị quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của bà con huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Chia sẻ về mô hình khởi nghiệp từ cây ớt rừng, chị Bùi Thị Ngợi, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nhớ lại: Từ ngày còn bé xíu, chị đã theo cha mẹ lên rừng hái ớt. Vị cay dịu, thơm giòn đặc trưng của loại gia vị núi rừng này xuất hiện trong từng món ăn mẹ nấu. Sau này, làm công tác phụ nữ, có dịp được đi đây đi đó, trải nghiệm ẩm thực nhiều vùng đất khác nhau, nhưng chị vẫn không thể quên mùi vị quen thuộc ấy.
Nhưng trái ớt rừng mới chỉ được bán ở quy mô nhỏ lẻ. Nhìn thấy tiềm năng và mong muốn phát triển những trái ớt nhỏ xinh đó thành một sản phẩm hàng hóa, một loại đặc sản của địa phương mình, chị Ngợi chia sẻ ý tưởng với chị em trong Hội LHPN huyện Lạc Sơn. Nhận được sự đồng tình, hưởng ứng và các chị em cùng bắt tay xây dựng mô hình khởi nghiệp từ cây ớt rừng, biến loại gia vị thân thuộc trở thành một phần của phong trào khởi nghiệp ở huyện Lạc Sơn, với sự tham gia của nhiều chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số.
Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm
Chị Ngợi cho biết, trong những ngày đầu khởi nghiệp, gian nan luôn như một người bạn song hành. Lo lắng lớn nhất của các chị em là không biết sản phẩm có được thị trường và người tiêu dùng đón nhận hay không. Nhưng không vì thế mà nản lòng, chị Ngợi vẫn quyết tâm kiên trì thuyết phục các chị em trong tổ hợp tác: gian nan rồi sẽ qua!
Để sản phẩm tìm được chỗ đứng, các chị em triển khai ý tưởng "trồng ớt rừng theo hướng sinh học" và tích cực học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Sản phẩm cũng không ngừng được các chị em cải thiện để chất lượng tốt hơn và đa dạng hơn. Nếu như trước đây, ớt sau khi thu hoạch thường chỉ được muối và cho vào các chai nhựa, rất dễ bị váng mốc, không bảo quản được lâu thì giờ đây, ớt được sơ chế sạch, ngâm muối, chế biến thành ớt muối cho vào lọ thủy tinh tiệt trùng. Sản phẩm đã được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, có thể để được 24 tháng.
Hiện nay, diện tích trồng ớt của nhóm ớt rừng Lạc Sơn của chị Bùi Thị Ngợi và các thành viên có khoảng 3.000 m2, với sản lượng đạt gần 700kg, mang lại nguồn thu ổn định cho các thành viên. Theo tính toán của chị Ngợi, mỗi thành viên của nhóm có thể thu về khoảng 45 triệu đồng/năm. Cây ớt rừng đã trở thành cây trồng tiềm năng để cho chị em phụ nữ ở Lạc Sơn vươn lên thoát nghèo.
Dù đây mới chỉ là mô hình khởi nghiệp ở quy mô nhỏ nhưng với chị Bùi Thị Ngợi và các chị em phụ nữ ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, điều ý nghĩa nhất họ làm được chính là đã thực sự chiến thắng được chính bản thân mình, chiến thắng được sự tự ti của những người phụ nữ dân tộc thiểu số; biết tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương, dám nghĩ, dám làm, tận dụng cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Tại cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp cho chị em phụ nữ do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức, ý tưởng mô hình "Trồng ớt rừng Lạc Sơn” đã đoạt giải thưởng cấp Trung ương và được hỗ trợ vốn khởi nghiệp 157,9 triệu đồng. Đó là nguồn động viên quý giá, tiếp sức cho những người phụ nữ vùng cao vươn lên làm chủ, phát huy lợi thế và tiềm năng của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện giúp phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương.
Giải pháp giúp phụ nữ khởi nghiệp bền vững
Theo bà Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Sơn, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Hội LHPN các cấp trong huyện đã triển khai các hoạt động hướng đến tiếp sức mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện; hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế vươn lên làm chủ, phát huy lợi thế và tiềm năng của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện giúp phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương.
Để xác định hướng hỗ trợ phù hợp, các cấp Hội trong huyện đã rà soát nhu cầu việc làm đối với phụ nữ có ý tưởng kinh doanh; ưu tiên phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình, phụ nữ đơn thân, phụ nữ gia đình chính sách; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho phụ nữ lồng ghép trong các chương trình hoạt động Hội.
Ngoài ra, Hội khuyến khích phụ nữ thực hiện các ý tưởng kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Để trang bị kiến thức cho hội viên, Hội LHPN huyện tổ chức 8 lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh, kiến thức maketing trong bán hàng cho cán bộ, hội viên phụ nữ.
Để các sản phẩm nông sản của các ý tưởng khởi nghiệp được tiêu thụ ổn định, Hội LHPN huyện tham mưu UBND huyện tổ chức làm việc với một số công ty, doanh nghiệp, siêu thị như: Trung tâm Tây Bắc tại quận Hà Đông (Hà Nội), cửa hàng Bác Tôm tại Hà Nội, siêu thị Vì Hòa Bình (TP Hòa Bình), cửa hàng thực phẩm sạch tại TP Hòa Bình… Bên cạnh đó, tham gia hội chợ thương mại, nông nghiệp làng nghề khu vực đồng bằng sông Hồng tại Bắc Ninh; đưa sản phẩm tham gia giới thiệu tại hội chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội…