Trông lên sơn thủy hữu tình

Nhà thơ Mai Lữ| 20/01/2023 22:37

(TN&MT) - Mùa này, những dòng sông cứ lững lờ, có lội xuống xa xa bờ chút, nước cũng quá bắp chân là cùng. Còn núi thì chập chờn trong sương khói.

Sau mỗi khúc ngoặt, trước mắt người dịu dàng một xóm làng thân thuộc. Cúc vạn thọ như nắng bừng lên trong buổi mai sương, xế chiều. Khung cảnh ấy quá đỗi kỳ diệu, đánh thức, vỗ về mọi giác quan. Bà lão xứ Kinh Bắc vừa mời nước, mời trầu, vừa cất lời hát mộc mạc: “Trông lên sơn thủy hữu tình/ Thơ ngâm ngoài lái rượu bình trong khoang”.

Hát tới khi đi hết cuộc đời…

Một ngày mùa xuân, chúng tôi về Đền Vua Bà Thủy tổ Quan họ làng Diềm (xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Phong thái thong thả, nhã nhặn mà thân tình của bà Nguyễn Thị Chanh như một minh chứng chân thực cho nền nếp, phong tục của người quan họ miền Bắc sông Cầu có tiếng phong lưu, trù phú. Khi khách xa hỏi về tục “kết chạ” quan họ với “lời nguyền” trai gái không được lấy nhau, bà chia sẻ: “Quan họ bao giờ cũng hát đôi. Bên này hát thì bên kia đối lại. Quan niệm người xưa nghiêm khắc lắm. Nếu đứng hát, đôi hát quay mặt vào nhau nhưng tay phải cầm quạt che miệng. Khi hát mắt nhìn xuống đất, thỉnh thoảng mới nhìn miệng bạn để ca cho đều… Vì lẽ đó, tục “kết chạ” giữa các làng quan họ cũng được tuân thủ nghiêm ngặt, truyền từ đời này sang đời khác. Tất cả con trai, con gái trong “bọn” quan họ mà hai làng “kết chạ” đều không được lấy nhau. Có những liền anh, liền chị hát với nhau từ khi còn trẻ đến hết đời. Ngày tàn, hội tan vẫn phải ca lời “giã bạn”.

as(1).jpg

Liền chị Quan họ Bắc Ninh. Ảnh: Minh Trường

Bà Chanh vừa mời nước mời trầu, vừa từ tốn giảng giải, minh họa cho câu chuyện này bằng lời hát mộc mạc: “Trông lên sơn thủy hữu tình/ Thơ ngâm ngoài lái rượu bình trong khoang/ Đôi tay em dạo cung đàn/ Tiếng tơ tiếng trúc bổng trầm thiết tha”. Có lẽ, chính vì yêu nhau nhưng không thể lấy nhau nên trạng thái “tình trong như đã” của các cặp hát quan họ cứ đẩy đưa cảm xúc trong lòng họ theo năm tháng trở thành niềm thiết tha, ám ảnh chất ngất. Trong tiết xuân đang lưỡng lự đi qua miền quan họ đằm thắm này, người phụ nữ vận chiếc áo dài mới chia hai màu đen và lam nhạt, ngoài khoác áo ghi lê len trắng, đầu vấn khăn nhung đen thay cho tấm áo nâu sồng quen thuộc. Dường như ở bà có chút gì đó còn vương tơ, mắc nợ với một nỗi ngóng ngùi xen vào niềm an nhiên của đời sống “đã đành dẫu phải chia xa/ người vui đường ấy riêng ta đường này”. Bà khiến chúng tôi nghĩ đến một thứ “ái tình nghệ thuật” đầy thiêng liêng từng làm trốc cành lay rễ, từng làm hoa lẻ trong hương ở chốn Kinh Bắc này. Nhất là, cho đến tận bây giờ, “lời nguyền” quan họ không được lấy nhau vẫn còn là ranh giới thực sự với những cặp nhỡ “say” tiếng hát, nhỡ trộm mến nhau của bao liền anh, liền chị đôi bên “kết chạ”. Say hay mến với họ vẫn chỉ là cái tình trao nhau chốc lát mỗi độ Xuân về Tết đến, rồi lại bằn bặt năm trời chờ mong để được gặp nhau, trao nhau câu hát, nụ cười…

“Mà nên áo thắm khăn điều…”

Với người Kinh Bắc, ngay cả khi tục lệ mang tính chất ngăn cản thì họ vẫn đem vào câu hát giao duyên một sự diễn đạt hết sức tinh tế như trong bài “Thân lươn bao quản lấm đầu”, câu “Có yêu nhau thì trò chuyện vân vi” đến bây giờ nhiều nghệ sĩ vẫn “xuyên tạc” thành “Có yêu nhau thì lấy quách nhau đi, kẻo mai quá lứa lỡ thì lại bảo là tại tôi”. Tương tự, trong câu cuối của bài “Lý giao duyên” rằng “Cái ngãi đá vàng ta quyết mà yêu nhau” cũng bị hát chệch thành “ta quyết mà lấy nhau”.

ll.png

Ở “phố nghệ sĩ”, nơi vốn là khu tập thể của Đoàn Dân ca quan họ (nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh). Chẳng cứ mùa xuân hay dịp hội hè, lễ Tết, mà có khi chỉ cần một vài người khách bên kia sông Đuống tìm về là “phố nghệ sĩ” lại dập dìu sênh phách. Nghệ sĩ Vũ Tự Lẫm - cha của NSND Tự Long - với vóc dáng, khuôn mặt toát lên vẻ phong trần, nhưng cử chỉ, giọng nói hồn hậu, đằm lắng tình của liền anh Kinh Bắc và vợ ông - nghệ sĩ Minh Phức sinh ra trong làng quan họ cổ Ngang Nội, cũng là một “liền chị” quan họ nổi tiếng một thời với giọng ca ngọt ngào, nay đã ở tuổi thất thập. Khi được hỏi về trường hợp liền anh, liền chị “kết chạ” rồi vẫn lấy nhau, nghệ sĩ đăm chiêu suy ngẫm rồi đúc kết: “Cũng có nhiều người hỏi tôi và nhà tôi có thuộc trường hợp ấy không hoặc đưa ra vài trường hợp khác. Trong câu chuyện này, chúng ta phải rất thận trọng. Liền anh, liền chị nên vợ nên chồng thì có, nhưng “kết chạ” rồi mà vẫn lấy nhau thì từ thuở tôi đi hát từ năm 13 tuổi đến nay chưa từng gặp”.

“Kết chạ” là kết nghĩa anh em, một nét đẹp văn hóa Việt Nam rất phổ biến ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Và Kinh Bắc chỉ là một vùng trong số đó. Khi hai làng “kết chạ” thì coi như người trong một nhà, vì thế không được lấy nhau. Nhưng nếu hai “bọn” quan họ không nằm trong hai làng “kết chạ” thì vẫn nên duyên vợ chồng bình thường. Dẫu sao, thời nào cũng có những người quan họ yêu nhau không lấy được nhau và cách bày tỏ của các liền anh, liền chị về điều này rất ý nhị. Cái tình trong quan họ mang đầy chất thơ. Nó không chỉ thể hiện trong ca từ mà còn được biểu lộ qua cử chỉ, hành động, lời nói, ánh mắt, nụ cười và cách họ cúi chào nhau.

Quan họ là thế, gặp người thấu nỗi lòng, ông đã kể cho chúng tôi nghe về mối tình với liền chị Minh Phức - một mối tình đến tự nhiên và được cho là khá “thuận buồm xuôi gió” với những liền anh, liền chị hát câu giã bạn nhưng về chung một nhà, bởi làng Trang Liệt của ông và Ngang Nội của liền chị Minh Phức không có tục “kết chạ”. Nhưng có phải cặp liền anh, liền chị nào ở vùng Kinh Bắc này cũng được như thế đâu! “Những trường hợp nằm ngoài tục “kết chạ” thì không thể nói là họ bước qua lời nguyền. Tôi cũng chưa gặp trường hợp nào như thế!”, nghệ sĩ Lệ Ngải - nguyên diễn viên Nhà hát quan họ Bắc Ninh nói. Cũng theo bà, việc trai, gái hai làng không lấy nhau dù có nơi ghi trong hương ước, có nơi không nhưng không chỉ là sự kết giao trên hương ước mà đó còn là tình cảm thực sự của hai làng, một thứ tình cảm được hun đúc bằng sự nâng niu trân trọng của tất cả những người ở hai cộng đồng dân cư khác nhau.

Bây giờ, xứ Kinh Bắc đang vào mùa hoa xuân. Những cánh đồng cách đây ít ngày còn trơ gốc rạ nay đã được xới đất, vun trồng thành những luống hoa. Những liền anh, liền chị hẹn chúng tôi chờ đến tháng Giêng, khi lứa hoa cuối cùng bung nở trong mưa xuân, nắng ấm, sẽ là mùa quan họ bắt đầu trẩy hội. “Buồn về dãi nắng dầm sương/ Hoa mận hoa hường, hoa cúc biết về tay/ Nay thương hoa tôi mới phải đi tìm/ Hoa kia héo lòng lại thêm thương người”, câu hát da diết như níu chân khách lạ. Ở miền đất này, bao người không thể lấy nhau thì chừng ấy câu hát sẽ âm thầm, chan chứa tìm nhau vào mùa hội. Nhà thơ Ý Nhi từng cảm tác trước câu chuyện ấy qua những vần thơ ấn tượng: “Mà nên áo thắm khăn điều/ Mà nên thương nhớ nên yêu một đời/ Mái chùa cong ánh trăng ngời/ Chờ nhau bèo dạt mây trôi còn chờ…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trông lên sơn thủy hữu tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO