Trồng cây xanh - hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Việt Hùng - Mai Đan (thực hiện)| 22/01/2023 07:26

(TN&MT) - Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão, thời điểm cả nước chuẩn bị phát động phong trào trồng cây xanh năm 2023, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT về những chia sẻ về hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và chương trình trồng cây nói riêng.

trong-cay-3.jpg
Trồng cây đầu Xuân là hoạt động thường xuyên, mang nhiều ý nghĩa, thông điệp bảo vệ thiên thiên, môi trường của ngành Tài nguyên và Môi trường. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) cùng lãnh đạo tỉnh Phú Thọ trồng cây đầu xuân 2021 tại Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh: Khương Trung

Ông Vũ Minh Lý cho biết: Trồng cây góp phần chống xói mòn đất vào mùa mưa lũ, tăng cường mực nước ngầm vào mùa khô hạn, đồng thời giúp giảm cường độ gió vào mùa mưa bão và hỗ trợ sinh kế bền vững cho nông dân. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức chương trình trồng cây, trồng rừng mang lại ý nghĩa thiết thực cho môi trường và cộng đồng.

trong-cay-1.jpg
Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cùng Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Tạ Đình Thi; Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chứng kiến ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trồng cây trung hòa Carbon giữa báo TN&MT với Công ty Vinamilk Việt Nam giai đoạn 2023-2027.  

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc trồng cây và mong ông chia sẻ về sự hợp tác của Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường với các đơn vị để triển khai hoạt động ý nghĩa này trong năm 2022 vừa qua?

Ông Vũ Minh Lý: Trong những năm gần đây, chúng ta phải chứng kiến những tác động nghiêm trọng do thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan kèm theo hàng loạt hệ lụy của việc mất rừng mang đến, gây ảnh hưởng hết sức nặng nề tới môi trường sống của con người, thực vật và động vật. Hơn ai hết, chính chúng ta phải càng hiểu rõ tầm quan trọng của việc trồng cây, phủ xanh đất trống, đồi trọc, phục hồi hệ sinh thái trên mọi miền Tổ quốc.

Chính vì vậy, năm 2022, chúng tôi đã tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, nhãn hàng trong hoạt động trồng cây, trồng rừng, như: hợp tác với nhãn hàng OMO thuộc Unilever Việt Nam triển khai chương trình Trồng cây “Vì một Việt Nam xanh”, hợp tác với Công ty Toyota Việt Nam tiếp tục triển khai chương trình “Chung tay xanh hóa học đường”, cùng Công ty Panasonic Việt Nam triển khai chương trình “Panasonic chung sức hưởng ứng trồng 1 tỷ cây xanh-Vì một Việt Nam Xanh”, cùng Công ty Honda Việt Nam triển khai chương trình “Cùng Honda giữ mãi màu xanh Việt Nam-Vì một Việt Nam Xanh”, cùng công ty Con Cưng triển thực hiện chương trình “Vì một Việt Nam Xanh-Chung sức trồng 1 tỷ cây xanh”, cùng trường Marie Curie Hà Nội tiếp tục trồng mới hàng chục hecta rừng đầu nguồn tại vùng núi cao huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang...

Các hoạt động hợp tác này diễn ra trên khắp các tỉnh, thành, đặc biệt là các khu vực rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, các khu vực đất trống, đồi núi trọc, sa mạc hóa... góp phần quan trọng trong việc thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn với những cánh rừng sẽ sớm được phủ xanh trở lại, trở thành hàng rào phòng hộ kiên cố bảo vệ cuộc sống đa dạng của muôn loài trước thiên tai, bão lũ và góp phần xây dựng đất nước ngày một xanh-sạch-đẹp.

Trồng cây “Vì một Việt Nam xanh” cho các thế hệ hôm nay và mai sau cũng chính là khắc phục những sai lầm trong ứng xử với tự nhiên trong thời gian qua, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn về cuộc sống hài hòa với thiên nhiên.

mo-hang-3.jpg
Ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT

Phóng viên:: Bên cạnh ý nghĩa bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái thì các chương trình trồng rừng còn có ý nghĩa gì khác không, thưa ông?

Ông Vũ Minh Lý: Vâng, bên cạnh việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, chống biến đổi khí hậu, các chương trình trồng cây của chúng tôi luôn gắn liền với việc hỗ trợ tạo sinh kế bền vững cho người dân các địa phương. Điển hình như tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, tháng 12 vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Công ty TNHH Unilever Việt Nam trồng 150 ngàn cây quế, qua đó từng bước cùng địa phương tạo ra vùng nguyên liệu quế hữu cơ, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ chính hoạt động trồng rừng hôm nay.

Các hoạt động trồng cây đều được triển khai tại các khu vực đất được quy hoạch để trồng rừng, trồng cây xanh, theo nhu cầu thực tiễn tại địa phương. Các loại cây trồng mới đều là cây bản địa, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, một số loại cây đa mục tiêu, như quế, lim xanh, hồi... có thể khai thác làm dược liệu. Vì vậy, bên cạnh mục tiêu trồng cây để giữ đất, phục hồi rừng đầu nguồn, phủ xanh đất trống, đồi trọc thì việc tạo sinh kế bền vững, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân luôn là mục tiêu chúng tôi hướng tới.

mo-hang-1.jpg
Mỗi cây xanh trao đi, một thông điệp bảo vệ môi trường được lan tỏa

Phóng viên:: Qua những chương trình, hoạt động trên, ông có mong muốn gì đối với môi trường của chúng ta, xin ông cho biết?

Ông Vũ Minh Lý: Một quốc gia, một địa phương muốn phát triển bền vững phải thực hiện tích cực công tác bảo vệ môi trường đi đôi với phát triển kinh tế. Mỗi người đều có thể tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm thật đơn giản như phân loại rác, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng tiết kiệm năng lượng, cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường ngay tại chính gia đình mình, công sở nơi làm việc hay tại đường phố, công viên, khơi thông dòng chảy, trồng thêm nhiều cây xanh… Đồng thời, lên án và đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm môi trường; dần loại bỏ thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, năng lượng…

Chúng tôi mong muốn chương trình trồng cây chỉ là sự khởi đầu của rất nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp của chúng ta, nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần hiện thực hóa những cam kết toàn cầu hành động vì thiên nhiên mà Việt Nam đã tham gia.

Chúng tôi cũng mong muốn ngay từ những ngày đầu năm mới Xuân Quý Mão 2023 này, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân cùng nhau góp công, góp sức tham gia vào việc trồng thêm nhiều cây xanh để phong trào tiếp tục được lan rộng, phát triển trên khắp mọi vùng miền tổ quốc, góp phần quan trọng xây dựng đất nước ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp.

mo-hang-2.jpg
Trồng cây xanh luôn mang lại ý nghĩa lớn đối với bảo vệ thiên nhiên, môi trường

Phóng viên:: Thưa ông, trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường sẽ có những tham mưu gì với Bộ để thúc đẩy hơn nữa công tác truyền thông về tài nguyên và môi trường nói chung và hoạt động trồng cây nói riêng?

Ông Vũ Minh Lý: Hiện nay, thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về môi trường, trong đó những ảnh hưởng về biến đổi khí hậu với nhiều hiện tượng thiên nhiên bất thường như băng tan, hạn hán, lũ lụt… Đây là những vấn đề nóng và nhận được sự quan tâm của các quốc gia và người dân trên toàn thế giới…

Những thách thức về biến đổi khí hậu đã được trao đổi trong nhiều thập kỷ vừa qua từ Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio De Janero năm 1992 lần đầu tiên các giải pháp về sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và gần đây nhất tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam và hơn 150 quốc gia trên thế giới đã có những cam kết thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt nỗ lực thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhằm giữ mức nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5oC vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đây là xu hướng chung toàn cầu, cũng là thách thức lớn đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Đó là mục tiêu cũng là nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm nhằm thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP 26. Với vai trò là cơ quan tham mưu, thực hiện các hoạt động truyền thông trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường xác định một trong những nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về các quy định pháp luật liên quan về ứng phó biến đổi khí hậu; trách nhiệm của các doanh nghiệp khi thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và những giải pháp thực tiễn áp dụng phù hợp tại Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu Net zero vào năm 2050 cần phải có nguồn lực tài chính, sự chung tay từ các tổ chức, cơ quan bộ, ban ngành, địa phương và các doanh nghiệp trên toàn quốc. Hiện nay, chúng tôi đã trao đổi và phối hợp với Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, cơ quan trực thuộc Trung ương Hội Nước sạch Việt Nam về thực hiện Chiến dịch “RACE TO NETZERO” (Cuộc đua phát thải ròng bằng 0). Thông điệp cũng cùng tên với Chiến dịch này sẽ được tổ chức xuyên suốt trong nhiều năm, thông qua Chiến dịch nhằm triển khai các hoạt động, kêu gọi nguồn lực tài chính hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện giảm nhẹ phát thải; triển khai các hoạt động trồng cây xanh, trồng rừng; hỗ trợ, đưa ra các giải pháp về công nghệ nhằm chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, bền vững; thúc đẩy nhanh phát triển các công cụ hỗ trợ kiểm kê phát thải khí nhà kính, thị trường trao đổi, mua bán tín chỉ cácbon, thuế cácbon công bằng, minh bạch, chính xác.

Dự kiến tới đây, Chiến dịch “RACE TO NETZERO” sẽ bắt đầu tổ chức từ tháng 3/2023 với nhiều hoạt động và cũng để hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất. Các hoạt động tại Chiến dịch bao gồm: Hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất và phát động Chiến dịch RACE TO NETZERO; Diễn đàn đối thoại giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp về giải pháp, cơ hội, thách thức khi thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0; Hội thảo về phát triển thị trường cácbon tại Việt Nam; Triển lãm các mô hình, giải pháp công nghệ về năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu; Giải chạy bộ cộng đồng “Race to Netzero”; trồng cây tại các khu rừng phòng hộ và nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa khác.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Hùng - Mai Đan (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng cây xanh - hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO