Trồng cây năng lượng cải tạo, phục hồi môi trường sau khai khoáng

Lan Chi| 23/09/2022 17:36

(TN&MT) - Trong khuôn khổ của Dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua trồng cây năng lượng (pha 2 -CPEP2), ngày 23/9, tại Hà Nội, Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Viện Độc lập các vấn đề môi trường Cộng hòa Liên bang Đức (UfU) tổ chức Hội thảo “Cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản thông qua trồng cây năng lượng - Cơ hội và thách thức”.

z3744523178047_0654cd753a8b4c37ae6d73c40af4b6f9-1-(2).jpg
Quang cảnh hội thảo

PGS.TS. Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường cho biết: Khai thác, chế biến khoáng sản là ngành công nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, khai thác, chế biến khoáng sản cũng đã có những tác động đáng kể với môi trường, đặc biệt môi trường đất. Do vậy, các quy định về cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản đã được quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Nội dung này đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn như Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

Cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản cần phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đồng thời việc nâng cao giá trị kinh tế của các bãi thải sau khai thác là bài toán cần được cân nhắc trong điều kiện tài nguyên đất hạn hẹp. Trồng cây năng lượng trên đất sau khai thác mỏ có thể xem là một giải pháp để đạt được cả 2 mục tiêu về bảo vệ môi trường và lợi ích kinh tế.

Vì vậy, hội thảo nhằm mục tiêu xác định những cơ hội và thách thức hiện có đối với giải pháp liên quan đến trồng cây năng lượng trên đất thoái hóa, cụ thể là khu vực sau khai thác khoáng sản.

Giới thiệu một số điểm mới về cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, ông Nguyễn Hoài Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường cho biết, quy định tại Điều 137 Luật Bảo vệ môi trường đã thể hiện quan điểm cụ thể hơn: Ký quỹ bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm phục hồi môi trường, xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Trong đó, các dự án phải ký quỹ như: Khai thác khoáng sản; chôn lấp chất thải; nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Tại Điều 37 của Nghị định 08 việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ trên cơ sở tiến độ tổ chức, cá nhân đã hoàn thành nội dung cải tạo, phục hồi môi trường thay vì hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo dễ gây hiểu nhầm.

Theo đó, quy định nội dung hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường là một phần của nội dung quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản chứ không chỉ là được thực hiện trong quá trình nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ.

Cụ thể hơn, nội dung thời hạn trả tiền là trong 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản, nơi nhận tiền ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ cho tổ chức, cá nhân, trước đây không giới hạn thời gian (ghi là sau khi có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản).

Trường hợp có thay đổi tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản về nghĩa vụ cải tạo… Cơ quan phê duyệt đề án đóng cửa mỏ của dự án khai thác khoáng sản có trách nhiệm sử dụng số tiền đã ký quỹ bao gồm cả tiền lãi để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp giải thể hoặc phá sản.

Tại Hội thảo, ông Trương Thế Mạnh, Phó Giám sát Trưởng phòng Môi trường và Phát triển bền vững, Công ty Núi Pháo, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã thông tin về dự án “Trồng cây năng lượng trong cải tạo, phục mồi môi trường tại mỏ Núi Pháo”.

Theo đó, trong giai đoạn 1 (từ năm 2016 - 2018), Công ty đề ra mục tiêu tìm loại cây phù hợp để trồng cải tạo đất, phủ xanh chống xói mòn, phục vụ cho quá trình cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ của Công ty Núi Pháo; nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng sinh học nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn 2 (từ năm 2020 - 2022), Công ty đặt ra mục tiêu nghiên cứu khả năng phục hồi, cải tạo đất khu vực đã trồng cây năng lượng trong giai đoạn 1; tính toán sinh khối của cây Keo lai sau khi thu hoạch vào năm 2022.

Theo đó, khu vực chứa đất đá thải trong quá trình xây dựng, sau đó được phủ lớp đất mặt dầy khoảng 0,5m để trồng cây. Trước khi trồng thử nghiệm, công ty thực hiện lấy mẫu để phân tích hàm lượng kim loại nặng và dinh dưỡng của đất; tính đa dạng sinh học; chất lượng đất và sinh khối của cây Keo. Kết quả cây keo rất phù hợp với đất mỏ, có tác dụng chống xói mòn tốt: sinh trưởng nhanh; bộ rễ phát triển (50-80cm).

Ông Trương Thế Mạnh cho rằng, thời gian tới, Công ty cần có hướng dẫn cụ thể trong việc hoàn thiện hồ sơ cho những hạng mục cải tạo đã thực hiện để phục vụ cho quá trình xác nhận hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác.

Các chuyên gia và đại biểu cũng đề xuất cơ hội cho cây năng lượng phát triển như: Tận dụng được các quỹ đất hoang hóa, quy hoạch treo; nhu cầu của thị trường về năng lượng sinh khối phát triển; đề ra chính sách và quy hoạch phát triển cây năng lượng của Nhà nước; thay đổi được nhận thức và tư duy đổi mới, thị trường của người dân.

Đồng thời, cần phát triển chuỗi sản xuất năng lượng, trong đó có các công nghệ sản xuất vật liệu trung gian, người dân thu hoạch cây năng lượng và sản xuất vật liệu trung gian, giảm khối lượng, thể tích, vận chuyển, có thể bảo quản lâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng cây năng lượng cải tạo, phục hồi môi trường sau khai khoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO