Trở lại rừng phòng hộ hồ Cây Thích, Đá Vàng bị xâm hại

09/06/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 17.5.2017, Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường có đăng tải bài viết "Bình Định: Đốt than, băm vằm rừng phòng hộ hồ Đá Vàng, hồ Cây Thích", phản...

 

(TN&MT) - Ngày 17.5.2017, Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường có đăng tải bài viết “Bình Định: Đốt than, băm vằm rừng phòng hộ hồ Đá Vàng, hồ Cây Thích”, phản ánh tình trạng chặt phá rừng để đốt than, xâm canh trồng rừng kinh tế trái phép đang diễn ra ồ ạt tại nhiều nơi trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa nước Đá Vàng và hồ Cây Thích thuộc xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, Bình Định).

Cây gỗ có đường kính khoảng 25cm ở phía Tây khu vực quy hoạch chức năng rừng phòng hộ hồ Đá Vàng bị đốn hạ bằng cưa máy.
Cây gỗ có đường kính khoảng 25cm ở phía Tây khu vực quy hoạch chức năng rừng phòng hộ hồ Đá Vàng bị đốn hạ bằng cưa máy.

Sau đó, Sở NN&PTNT Bình Định có công văn phản hồi (do ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó Giám đốc Sở ký ngày 22.5.2017), cho rằng,… vết chặt các cây bụi để hầm than tại hiện trường quan sát bằng mắt thường cho thấy các đối tượng đã sử dụng rựa, rìu để chặt cây. Ngày 8.6, PV đã có thêm những khảo sát mới và tường trình từ rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Đá Vàng, hồ Cây Thích.

Nhiều cây rừng bị đốn hạ, sau đó được các đối tượng phá rừng trồng cây keo lai để xâm canh. Trong ảnh: Một khoảnh rừng tự nhiên trước đây nằm ở tục danh Chiêu Liêu, phía Tây Nam hồ Cây Thích được thay thế bằng cây keo lai.
Nhiều cây rừng bị đốn hạ, sau đó được các đối tượng phá rừng trồng cây keo lai để xâm canh. Trong ảnh: Một khoảnh rừng tự nhiên trước đây nằm ở tục danh Chiêu Liêu, phía Tây Nam hồ Cây Thích được thay thế bằng cây keo lai.

Dùng cưa máy để đốn hạ cây rừng...

Theo phúc đáp của Sở NN&PTNT, địa điểm có lò than theo phản ánh của Báo thuộc khoảnh 10, tiểu khu 326, xã Phước Thành quy hoạch chức năng phòng hộ, do UBND xã Phước Thành quản lý. Hiện trạng theo bản đồ kiểm kê rừng năm 2016 thuộc trạng thái DT1 (đất chưa có rừng, có cây bụi rải rác); vết chặt các cây bụi để hầm than ở hiện trường cho thấy bằng rựa, rìu. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, tính chất vụ việc xảy ra thực tế không giống như nội dung mà Sở NN&PTNT đã phản hồi.

Cây keo lai được trồng vào cuối năm 2016 phát triển xanh tốt ở phía Tây Nam khu vực quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cây Thích.
Cây keo lai được trồng vào cuối năm 2016 phát triển xanh tốt ở phía Tây Nam khu vực quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cây Thích.

Tại khu vực có tục danh Chiêu Liêu, nằm phía Tây Nam khu vực lòng hồ Cây Thích, phóng viên ghi nhận nhiều cây gỗ có đường kính cỡ bắp chân bị cưa hạ sát gốc. Quan sát, bằng mắt thường chúng tôi khẳng định rằng: “Các đối tượng sử dụng bằng cưa máy để đốn hạ cây rừng”.  Bằng chứng, dấu vết cây rừng, số gỗ rừng nằm lăn lóc ở hiện trường đều cho thấy rất rõ vết cắt được thực hiện bằng cưa máy. Sau khi bị đốn hạ, cây được cưa thành từng khúc, mỗi khúc dài khoảng 1m để hầm than.

Những cây gỗ có đường kính hơn 30 cm nằm sâu trong khu vực rừng phòng hộ hồ Cây Thích đã bị các đối tượng phá rừng “bắn tỉa” sát gốc.
Những cây gỗ có đường kính hơn 30 cm nằm sâu trong khu vực rừng phòng hộ hồ Cây Thích đã bị các đối tượng phá rừng “bắn tỉa” sát gốc.

Mở rộng khu vực tìm kiếm, chúng tôi thấy ở nơi đây có khá nhiều cây gỗ có đường kính từ 20-30 cm bị cưa hạ sát gốc theo hình thức “bắn tỉa”. Hiện trường cũng cho thấy, đối tượng chặt hạ cây rừng theo luống. Từ lối mòn xuyên rừng nằm phía Tây Nam hồ Cây Thích đi sâu vào bên trong, chúng tôi phát hiện có nhiều cây rừng, chủ yếu cây trâm đã bị cưa hạ với vết cắt khá mới. Trong suốt hành trình vào khu vực rừng phòng hộ hồ Cây Thích có tục danh Chiêu Liêu, chúng tôi đặc biệt ấn tượng bởi các con đường mòn lượn quanh và mất hút sau những khurừng rậm rạp. Nhưng càng vào sâu bên trong thì nhiều nơi cây rừng đã bị chặt “rỗng ruột”.

Những cây gỗ tự nhiên có đường kính khoảng 25cm thế này ở tục danh Chiêu Liêu hoặc Dốc Đỏ nằm phía Tây Nam hồ Cây Thích đều bị cưa hạ thẳng tay.
Những cây gỗ tự nhiên có đường kính khoảng 25cm thế này ở tục danh Chiêu Liêu hoặc Dốc Đỏ nằm phía Tây Nam hồ Cây Thích đều bị cưa hạ thẳng tay.

Ông X., một hộ dân ở địa phương này, cho biết, trong khu vực quy hoạch chức năng phòng hộ hồ Cây Thích hiện còn 3-4 lò than hoạt động. Mỗi tháng 1 lò than cho ra lò 3 lần than thành phẩm, trung bình 1 lò từ 10-14 bao (50 kg/bao). Cứ thế, cây rừng trong khu vực này bị cưa hạ để hầm than. Sau đó, các đối tượng phá rừng trồng xâm canh cây keo để “xí phần” chiếm dụng đất làm của riêng cho mình.

Một khoảnh rừng tự nhiên nằm phía Tây Nam hồ Cây Thích bị phá để trồng cây keo lai.
Một khoảnh rừng tự nhiên nằm phía Tây Nam hồ Cây Thích bị phá để trồng cây keo lai.

… đến xâm canh cây keo lai

Văn bản phản hồi của Sở NN&PTNT cũng nêu rõ: “Từ đầu năm 2017 đến nay, UBND xã Phước Thành đã tổ chức 4 đợt truy quét, kiểm tra nhằm kiểm tra diện tích lấn, chiếm đã phá bỏ; đồng thời, ngăn chặn các đối tượng tiếp tục lấn, ciếm đất lâm nghiệp và hầm than trái pháp luật. Trong các đợt truy quét, UBND xã tiếp tục chặt bỏ các mầm cây keo mọc lại trên diện tích lấn, chiếm đá phá bỏ năm 2016, qua kiểm tra không phát hiện thêm diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm mới để trồng rừng”.

Khu vực rừng giáp ranh giữa hồ Cây Thích và hồ Đá Vàng bị các đối tượng hầm than cưa hạ trống rỗng bên trong.
Khu vực rừng giáp ranh giữa hồ Cây Thích và hồ Đá Vàng bị các đối tượng hầm than cưa hạ trống rỗng bên trong.

Thế nhưng thực tế tại hiện trường cho thấy, hiện tượng chặt cây rừng để xâm canh cây keo lai diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Thậm chí, ở khu vực rừng có tục danh Chiêu Liêu và Dốc Đỏ nằm phía Tây Nam lòng hồ Cây Thích có khá nhiều vị trí cây rừng đã bị chặt hạ để trồng cây keo. Có nơi cây keo mới được trồng vài tháng, cây cao chừng 30-40cm. Cụ thể, ở khu vực phía Tây Nam rừng phòng hộ hồ Cây Thích, chúng tôi tỏa ra tìm kiếm, đếm được có hơn 10 vị trí (mỗi vị trí khoảng 1.000 - 2.000m2) rừng bị triệt hạ để trồng keo. Cây keo ở các vùng này xanh um, cao khoảng 25-40cm.

Cây keo lai được trồng vào cuối năm 2016 phát triển xanh tốt ở phía Tây Nam khu vực quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cây Thích.
Cây keo lai được trồng vào cuối năm 2016 phát triển xanh tốt ở phía Tây Nam khu vực quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cây Thích.

Phản ánh lại vấn đề này, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng cần khẩn trương có biện pháp kiểm tra chặt chẽ và ngăn chặn kịp thời nạn tàn phá rừng phòng hộ hồ Cây Thích, hồ Đá Vàng, đừng để “cái sảy nảy cái ung” làm ảnh hưởng đến việc giữ cân bằng sinh thái và bảo vệ an toàn hồ chứa nước.

Những cây gỗ có đường kính hơn 30 cm nằm sâu trong khu vực rừng phòng hộ hồ Cây Thích đã bị các đối tượng phá rừng “bắn tỉa” sát gốc.
Những cây gỗ có đường kính hơn 30 cm nằm sâu trong khu vực rừng phòng hộ hồ Cây Thích đã bị các đối tượng phá rừng “bắn tỉa” sát gốc.

 

Khu vực rừng giáp ranh giữa hồ Cây Thích và hồ Đá Vàng bị các đối tượng hầm than cưa hạ trống rỗng bên trong.
Khu vực rừng giáp ranh giữa hồ Cây Thích và hồ Đá Vàng bị các đối tượng hầm than cưa hạ trống rỗng bên trong.

 

Trong khi tình trạng chặt cây rừng đốt than, xâm canh cây keo lai trong rừng phòng hộ hồ Cây Thích và hồ Đá Vàng diễn ra dai dẳng nhiều năm, nhưng lực lượng kiểm lâm lẫn địa phương không ngăn chặn, xử lý đến nơi đến chốn khiến dư luận bất bình. Thế nhưng, Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn cho rằng, mức độ xâm hại của người dân chưa đáng kể, chưa gây tác động lớn đến việc phòng hộ cho hồ chứa và ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ của Sư 31 (!?).


Hoàng Nguyên

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trở lại rừng phòng hộ hồ Cây Thích, Đá Vàng bị xâm hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO