Trình Quốc hội dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi)

27/10/2014 00:00

(TN&MT) - Sáng 27/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi);

   
(TN&MT) - Sáng 27/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).
   
  Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý  cho biết: Ủy ban pháp luật cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật dân sự và tán thành nhiều nội dung của dự thảo. Dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật dân sự hiện hành; Cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, khảo sát thực tế tại một số địa phương và tham khảo có chọn lọc pháp luật dân sự một số nước trong khu vực và trên thế giới.
   
   
  Theo ông Phan Trung Lý, Bộ luật dân sự (BLDS) là đạo luật rất quan trọng, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình. Việc sửa đổi, bổ sung BLDS không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà điều quan trọng hơn là phải phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng BLDS trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam.
   
Không quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế
   
  Qua thẩm tra, về tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự (Điều 21 và Điều 22), Ủy ban pháp luật tán thành về mặt chủ trương là cần có những biện pháp nhằm xác lập, bảo vệ các quyền dân sự, bảo vệ các quyền con người và quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Tuy nhiên, đối với các nội dung mới được bổ sung tại Điều 21 và Điều 22 của dự thảo Bộ luật, đề nghị cân nhắc các nội dung này có thuộc phạm vi điều chỉnh của BLDS hay các đạo luật về tố tụng.
   
  Về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 145), Dự thảo BLDS bổ sung quy định về giao dịch dân sự với người thứ ba không bị vô hiệu trong trường hợp giao dịch đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 2 Điều 145). Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba thì giao dịch này bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa (khoản 3 Điều 145).
   
  Ủy ban pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 145 dự thảo và cho rằng việc bổ sung quy định này góp phần giải quyết những vướng mắc phát sinh trên thực tế, bảo đảm tính ổn định, sự an toàn của các giao dịch dân sự trong đời sống. Về quy định tại khoản 3 Điều 145, Ủy ban pháp luật nhận thấy về cơ bản quy định này kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 138 BLDS hiện hành. Ủy ban pháp luật đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về thực tiễn thi hành quy định này trong thời gian vừa qua để có quy định phù hợp. Vấn đề đặt ra là, một tài sản hợp pháp được giao dịch công khai, minh bạch, tài sản được thanh toán và chuyển giao theo đúng thỏa thuận nhưng nếu tài sản đó chưa được đăng ký quyền sở hữu thì giao dịch đó sẽ bị vô hiệu và bên thứ ba sẽ không được bảo vệ. Ủy ban pháp luật cho rằng, việc đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ là một trong những căn cứ pháp lý để xem xét giải quyết khi xảy ra tranh chấp chứ không thể coi là căn cứ duy nhất để xác định bảo vệ hay không bảo vệ người thứ ba ngay tình.
   
  Về việc không quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế, Điều 645 BLDS hiện hành quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế, bao gồm khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế, bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm và thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
   
  Về cơ bản, Ủy ban pháp luật nhất trí với việc không quy định đối với thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại, bởi vì thời hiệu này sẽ được áp dụng chung theo quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu tại Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự, tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
   
  Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật đề nghị cân nhắc không nên bỏ quy định thời hiệu khởi kiện để xác nhận quyền thừa kế, thời hiệu khởi kiện để bác bỏ quyền thừa kế của người khác. Bởi vì quan hệ thừa kế là quan hệ có tính chất huyết thống, gia đình và luôn có sự thay đổi qua từng thế hệ (con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại..). Nếu bỏ các thời hiệu yêu cầu này sẽ dẫn tới hệ quả là các giao dịch dân sự đối với tài sản thừa kế có được pháp luật thừa nhận và bảo đảm hay không khi bất cứ lúc nào tài sản đó cũng có thể là đối tượng của tranh chấp? Việc bỏ các quy định này sẽ dẫn đến tài sản thừa kế không được xác lập quyền sở hữu và phát sinh tranh chấp, gây xáo trộn các quan hệ xã hội, đồng thời có thể gây quá tải cho hoạt động xét xử của Tòa án liên quan đến nội dung này. Mặt khác, việc không quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế sẽ không bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ, thống nhất với các quy định của pháp luật về tài sản, quyền sở hữu. Vì vậy, đề nghị cân nhắc kế thừa quy định của BLDS hiện hành về thời hiệu thừa kế, đồng thời bổ sung quy định xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế khi đủ điều kiện.
   
Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản… phải thuộc sở hữu toàn dân
   
  Về hình thức sở hữu được quy định tại Điều 206, Dự thảo BLDS quy định 2 phương án về hình thức sở hữu: Phương án 1 xác định 3 hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung; phương án 2 xác định 2 hình thức sở hữu là sở hữu riêng và sở hữu chung; đồng thời ghi nhận hình thức sở hữu đối với tài sản công thuộc sở hữu toàn dân là sở hữu chung hợp nhất do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
   
  Ủy ban pháp luật tán thành cần sửa đổi quy định về phân loại hình thức sở hữu, bởi vì việc quy định hình thức sở hữu theo cách liệt kê như BLDS hiện hành không bảo đảm tính ổn định do các chủ thể này luôn thay đổi, biến động theo sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên việc phân loại hình thức sở hữu theo cách nào, có bao nhiêu hình thức sở hữu, theo ông Phan Trung Lý hiện có hai loại ý kiến. Đó là, loại ý kiến thứ nhất tán thành với phương án 1 vì cho rằng, nếu chỉ quy định 2 hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng là không hợp lý, không thể hiện đầy đủ tính chất "nhiều hình thức sở hữu" của nền kinh tế nhiều thành phần và không bao quát hết các quy định cụ thể về sở hữu trong Hiến pháp (sở hữu toàn dân, sở hữu tư nhân, ...). Theo quy định của Hiến pháp, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Như vậy, các loại tài sản này thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu. Vì vậy, các văn bản pháp luật, nhất là BLDS cần phải ghi nhận về sở hữu toàn dân.
   
  Loại ý kiến thứ hai tán thành với phương án 2 và cho rằng, việc xác định hình thức sở hữu phải căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản chứ không phải căn cứ vào yếu tố ai là chủ thể của quyền sở hữu như quy định hiện hành. Do đó, chỉ có hai hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng. Tuy nhiên, nếu theo phương án này thì cần phân định rõ hình thức sở hữu đối với tài sản công thuộc sở hữu toàn dân là sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là một hình thức sở hữu độc lập hay thuộc hình thức sở hữu chung.
   
  Ngoài ra, còn có một số ý kiến đề nghị giữ quy định của BLDS hiện hành vì đã sử dụng ổn định trong nhiều năm qua.
   
Minh Trang
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trình Quốc hội dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO