Triều cường gây ngập lụt hoành hành đồng bằng sông Cửu Long

14/10/2014 00:00

(TN&MT) - Triều cường xuất hiện, nhiều tuyến đường ở một số tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL bị ngập sâu và sạt lở bờ ao ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, sản xuất của người...

   
(TN&MT) - Trong những ngày đầu tháng 10/2014, do triều cường xuất hiện và diễn biến khá phức tạp, nên nhiều tuyến đường ở một số tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL bị ngập sâu trong nước hàng giờ, đặc biệt đã xảy ra sạt lở bờ bao… ảnh hưởng đến tình hình giao thông, cơ sở hạ tầng, đời sống,  sản xuất của người dân…
   
Nhiều đoạn đê bị vỡ…
   
  Sáng ngày 10/10/2014, hàng chục hộ dân sống tại khu vực Cồn Khương thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ trở tay không kịp khi ở khu vực này xảy ra vụ vỡ đê bao kinh tế, với chiều dài khoảng 5m, rộng khoảng 3m, nước tràn vào nhà người dân với chiều cao có nơi gần 1m. Do nước ập vào bất ngờ, các vật dụng điện tử của nhiều hộ dân bị hư hỏng nặng, một số ao nuôi cá bị sắp đến vụ thu hoạch bị ngập nước, cá tràn ra ngoài song, rạch, gây thiệt hại cho người dân hàng trăm triệu đồng. “Do nước tràn vào bất ngờ khiến cho tủ lạnh, máy giặt… trong nhà tôi bị hư hỏng nặng, còn 2 hầm cá của gia đình tôi chuẩn bị cho thu hoạch cũng bị cuốn trôi theo dòng nước…”- bà Nguyễn Thị Lợi, ở khu vực 3, phường Cái Khế rầu rĩ nói.
   
Do ảnh hưởng của triều cường, sáng 10/10/2014 tuyến đường 30/4, điểm giao với đường Trần Hoàng Na (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) bị ngập lụt khiến cho các phương tiện đi lại khó khăn
   
  Tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian qua do ảnh hưởng của triều cường làm cho 75 đoạn đê thuộc 8 xã, 1 thị trấn, với chiều dài trên 300m bị vỡ. Hàng chục tuyến đường nông thôn, xã và ấp bị ngập, 13,3 ha hoa màu các loại, 646 ha mía bị chìm trong nước, 135 căn nhà của các hộ dân ở xã Đại Ân 1, xã An Thạnh 3 và xã An Thạnh Nam bị ngập lụt, thiệt hại ban đầu ước tính hơn 1 tỉ đồng. Theo ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, mặc dù huyện đã chuẩn bị các phương án phòng chống lụt, thường xuyên nhắc nhở các địa phương chủ động ứng phó kịp thời với lũ và triều cường, nhưng năm nay mực triều cường về thất thường nên nhiều xã, thị trấn trở tay không kịp… “Hiện tại chính quyền địa phương đang huy động các lực lượng khắc phục, gia cố các đoạn đê bao bị vỡ, cơi nới các đoạn bị tràn ngập để giảm thiệt hại cho bà con…”- Ông Hòa, cho biết.  
   
Đoạn đê ở Cồn Khương bị vỡ sáng 10/10/2014 đang được các lực lượng gia cố lại
     
  Vào những ngày đầu của tháng 10/2014, cứ vào khoảng thời gian 6h sáng và 17h chiều, các tuyến đường chính của TP. Cần Thơ lại lâm vào tình trạng ngập lụt. Tại các điểm nóng ngật lụt của TP. Cần Thơ trong những năm qua như: khu vực Trung tâm Thương mại Cái Khế, đường Hai Bà Trưng, Đại lộ Hòa Bình, đường Mậu Thân tiếp giáp với đường Võ Văn Kiệt… tiếp tục bị ngập lụt, mặc dù các ngành chức năng của TP. Cần Thơ đã triển khai các giải pháp nâng cấp đường, sửa chữa lại hệ thống cống thoát nước…
   
  Qua quan sát của chúng tôi, do việc triển khai thực hiện các giải pháp chống ngập của TP. Cần Thơ chậm và không đồng bộ, nên tình trạng ngập lụt vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại khu vực Trung tâm thương mại Cái Khế còn xảy ra tình trạng, nâng cấp một tuyến đường thì một số con hẽm lại ngập lụt nghiêm trọng hơn những năm trước… Còn ở TP. Mỹ Tho, Tiền Giang, do ảnh hưởng của triều cường cộng với mưa nhiều làm cho nhiều tuyến đường nội thị bị ngập lụt cục bộ.
   
Triển khai nhiều dự án chống ngập
   
  Những nguyên nhân ngập lụt cục bộ được các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đưa ra là do sự gia tăng dân số đô thị, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa không tương xứng và đồng bộ với sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật đô thị đã lạc hậu và xuống cấp ở một số khu vực; cốt nền còn thấp, hạ tầng cũ kỹ và còn thiếu; việc đầu tư cho quy hoạch còn hạn chế và việc thực hiện quy hoạch cải tạo, mở rộng đô thị thời gian qua chưa được đầu tư đúng mức và phù hợp cho từng giai đoạn phát triển…
   
Vỡ đê, nước ngập tràn vào nhà dân  
   
  Theo KTS Trần Văn An, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc - Quy hoạch TP. Cần Thơ, nguyên nhân chủ yếu gây ngập úng tại khu vực trung tâm TP.Cần Thơ trong thời gian qua bắt nguồn từ việc cốt cao độ xây dựng của TP.Cần Thơ còn quá thấp, từ đó dẫn tới việc tiêu thoát nước kém. Ngoài ra, hệ thống thoát nước hiện đầu tư chưa hoàn chỉnh và chưa đáp ứng nhu cầu, hệ thống kênh rạch ở nội ô bị lấn chiếm hoặc bị san lấp... Từ đó dẫn đến việc chỉ cần một trận mưa kéo dài là hàng loạt tuyến đường nội ô bị ngập sâu.
   
  Để hạn chế tình trạng ngập lụt do triều cường gây ra, trong thời gian qua tỉnh Tiền Giang đã tập trung nâng cấp các trục đường và hạ tầng các con đường trong nội ô của thành phố để chống ngập, đầu tư xây dựng dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải với công suất 40.000 m3 /ngày đêm, tổng vốn đầu tư trên 2.500 tỉ đồng và triển khai dự án nâng cấp đô thị với tổng vốn trên 53 triệu USD...
   
  Còn tại Cần Thơ, theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay thành phố đang xây dựng kế hoạch dài hạn ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang triển khai xây dựng hàng loạt bờ bao, bờ kè, nâng cấp các tuyến đường thường xuyên bị ngập lụt, lắp đặt van ngăn triều tại các cửa xả, xây dựng và lắp đặt trạm bơm tại vị trí hố ga bị lệch cao độ. “Ngoài ra, thành phố cũng đang xây dựng phương án tối ưu hóa năng lực trữ nước và thoát nước ở các khu vực trong trung tâm quận Ninh Kiều và các thị trấn thuộc các quận, huyện để có thể ngăn dòng chảy ngược trong hệ thống thoát nước khi triều cường lên và tiêu nước nhanh khi triều cường xuống thấp…”- ông Quỳnh, nói.
   
  Vào cuối tháng 9/2014, UBND TP.Cần Thơ cho biết sẽ dành trên 200 tỉ đồng để chống ngập cục bộ tại các tuyến đường trong nội ô thành phố như Đại lộ hòa bình – đường 30/4; đường Hai Bà Trưng – Bến Ninh Kiều; giao lộ Nguyễn Văn Linh – 3/2; giao lộ Mậu Thân-Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt…
   
Lê Hùng
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triều cường gây ngập lụt hoành hành đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO