Môi trường

Triển vọng hợp tác Đan Mạch - Việt Nam sau quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh

Minh Hạnh 03/11/2023 - 16:57

(TN&MT) - Ngày 3/11, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo thông tin về quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh (GSP) mới ký kết giữa hai nước ngày 1/11 vừa qua.

Tại sự kiện, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz đã chia sẻ về các kế hoạch hợp tác về tăng trưởng xanh sau GSP.

GSP là thỏa thuận hợp tác đôi bên cùng có lợi với mục đích thúc đẩy hợp tác chính trị, mở rộng quan hệ kinh tế liên quan đến tăng trưởng xanh, tạo thêm việc làm, tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu và phát minh các giải pháp trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu, tập trung vào việc quyết tâm thực hiện Thỏa thuận Paris và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Quan đối tác này được ký kết ở mức cao nhất, là cấp độ Chính phủ, để đảm bảo chuyển đổi xanh được thực hiện ở toàn bộ các ngành, các cấp và lĩnh vực.

Đối tác quan trọng chống biến đổi khí hậu

Chia sẻ tại cuộc họp báo này 3/11, ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, cho biết dù Việt Nam và Đan Mạch đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện nhưng trong một vài lĩnh vực, bao gồm tăng trưởng xanh, quan hệ hợp tác giữa hai bên đã phát triển chặt chẽ hơn. Do đó, việc đưa ra một tuyên bố chung về GSP thực chất chỉ là gọi tên chính những gì hai nước đang cùng nhau thực hiện.

1.jpeg
Các đại biểu chia sẻ tại họp báo.

“Đối tác Chiến lược Xanh sẽ tập trung giải quyết các vấn đề có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế của Việt Nam cũng như hướng các nỗ lực tới việc sử dụng nhiều hơn công nghệ xanh và thực hành bền vững. Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào sự thành công của mối quan hệ đối tác này vì hai nước chúng ta không những phải đối mặt với nhiều thách thức giống nhau mà còn cùng chia sẻ mức độ tham vọng và cam kết cao. Tuy xuất phát điểm có thể khác nhau nhưng cả hai nước chúng ta đều hướng đến một mục tiêu chung: một tương lai xanh. Khi chúng ta cùng chung tay và chí hướng, GSP sẽ là công cụ quan trọng hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu quốc gia đầy tham vọng về chuyển đổi xanh cũng như thực hiện cam kết quốc tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” , Đại sứ Nicolai Prytz chia sẻ.

Theo Đại sứ Đan Mạch, GSP sẽ được thực hiện ở 3 cấp độ: Cấp độ chính trị; các chương trình hợp tác; và cấp độ kinh tế. Trong đó, ở cấp độ chính trị, Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục đối thoại về các vấn đề tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu.

“Trong quan hệ hợp tác về mặt chính trị, chúng tôi đang hợp tác với Việt Nam để đạt được một số quan điểm và vị thế chũng trước thềm Hội nghị COP28. Hiện nay, Đan Mạch là một trong những nước cung cấp nhiều vốn nhất cho Quỹ Khí hậu xanh, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên trường quốc tế về các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu. Đan Mạch cũng là thành viên nhóm đối tác quốc tế liên thực hiện Tuyên bố Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP), mà Việt Nam là một thành viên trong đó, bởi vậy chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ nhóm này”, Đại sứ nói thêm.

1gsp.jpg
Buổi lễ ký kết quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Đan Mạch.

Là một trong những quốc gia tiên phong, bắt đầu chuyển đổi xanh và kế hoạch chống biến đổi khí hậu từ rất sớm, khoảng 30 năm trước, Đan Mạch có rất nhiều kinh nghiệm và công cụ có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này. Trong đó, phía Đan Mạch mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các đoàn chuyên gia, đào tạo năng lực cho cán bộ Việt Nam và truyền cảm hứng để Việt Nam thực hiện con đường của mình. Thông qua những chia sẻ này, Việt Nam có thể lựa chọn các cách làm, kinh nghiệm phù hợp với điều kiện xã hội, điều kiện tự nhiên để ứng dụng sao cho phù hợp.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia thứ 5 thiết lập GSP với Đan Mạch. Theo đó, Đan Mạch nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong hợp tác chuyển đổi xanh và chống biến đổi khí hậu.

Chú trọng năng lượng xanh

Nói thêm về nội dung hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch, bà Sharissa Funk, Tham tán về năng lượng, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, cho biết hợp tác năng lượng là chương trình hợp tác lớn nhất và hiện đã bước sang giai đoạn 3.

“Về chương trình năng lượng, Đan Mạch và Việt Nam đã bắt đầu hợp tác trong Chương trình đối tác năng lượng năm từ 2013. Một điểm hết sức đặc biệt, đây là hợp tác trực tiếp giữa các cấp chuyên gia liên quan đến năng lượng. Bên phái Đan Mạch, chúng tôi có cơ quan năng lượng Đan Mạch, Bộ Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch. Còn ở phía đối tác Việt Nam có Bộ Công thương, và các bộ ban ngành trực tiếp phụ trách vấn đề năng lượng”, bà Sharissa Funk thông tin tại họp báo.

Một trong những điểm chính trong hợp tác năng lượng Đan Mạch – Việt Nam là xây dựng năng lực quy hoạch dài hạn. Trong đó, Đan Mạch sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng mô hình và kịch bản phát triển năng lượng. Hai năm một lần, hai bên sẽ hợp táp đưa ra ra Báo cáo Triển vọng năng lượng Viêt Nam, bao gồm các kịch bản, tình huống để hỗ trợ Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Ngoài ra, Đan Mạch cũng mong muốn hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu carbon trong ngành công nghiệp bằng cách xây dựng các khung tiêu chuẩn sử dụng năng lượng có hiệu quả trong ngành công nghiệp.

off-shore-2.jpg
Đan Mạch đánh giá cao tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Đánh giá về năng lực của Việt Nam, Đại sứ Đan Mạch cho biết Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, với đường bờ biển dài và sức gió mạnh. Do đó, Đại sứ tin rằng, nếu có thể khai thác những thế mạnh này, Việt Nam chắc chắn sẽ đủ và thậm chí thừa điện từ nguồn năng lượng tái tạo cung cấp cho hoạt động kinh tế và sản xuất của mình.

Tiếp theo tuyên bố GSP, hai phía Việt Nam và Đan Mạch sẽ bàn bạc và đưa ra một kế hoạch hành động với các mục tiêu tham vọng và cụ thể. Kế hoach hành động này sẽ đẩy mạnh việc trao đổi kiến ​​thức và kinh nghiệm thực hành tốt nhất, tăng cường xây dựng năng lực, thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong các chương trình hợp tác chiến lược giữa hai nước đang tiến hành trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp thực phẩm, y tế, giáo dục, thống kê,…Kế hoạch này cũng sẽ bao gồm các sáng kiến ​​mới trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như phát triển bền vững, khí hậu, giải pháp hàng hải,…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng hợp tác Đan Mạch - Việt Nam sau quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO