Triển khai nhiều mô hình BVMT ở khu vực nông thôn theo hướng xã hội hoá

Lê Hùng| 30/11/2020 21:20

(TN&MT) - Ngày 30/11, tại Sóc Trăng, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết, đánh giá các mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) trong xây dựng nông thôn mới theo hướng xã hội hoá. Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cùng đại diện 41 tỉnh, thành toàn quốc.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Đề án thí điểm về hoàn thiện, nhân rộng mô hình BVMT trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa giai đoạn 2017-2020 (Đề án 712) đã huy động được nguồn lực xã hội hóa về BVMT nông thôn theo hướng huy động nguồn lực và sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, hợp tác xã... trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành các mô hình BVMT. Trong phạm vi Đề án 712, đã có 29 dự án thí điểm thuộc 5 nhóm nội dung khác nhau đã được thực hiện theo cơ chế huy động nguồn lực của doanh nghiệp, tín dụng, vay ưu đãi... bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Cũng theo ông Trần Thanh Nam, thông qua việc thực hiện Đề án 712, công tác BVMT nông thôn đã và đang được toàn xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là trong mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM; đồng thời, Đề án đã huy động được các tổ chức hội, đoàn thể tham gia mô hình tuyên truyền viên BVMT, hình thành được đội ngũ tuyên truyền viên với gần 5.300 người triển khai thực hiện tại 478 xã thuộc 73 huyện của 40 tỉnh, thành trong cả nước”.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, trong đoạn 2016-2020, có 21 tỉnh đăng ký sử dụng nguồn vốn dự phòng cho thực hiện Đề án 712 với tổng số tiền 123,83 tỉ đồng từ nguồn dự phòng, để thực hiện 32 dự án thí điểm, gồm: 9 dự án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 3 dự án xử lý chất thải chăn nuôi; 5 dự án về thu gom xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; 8 dự án cấp nước sinh hoạt tập trung; 7 tỉnh triển khai dự án về cấp nước uống sinh hoạt cho xã đảo.

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại Hội nghị

Qua 3 năm thực hiện Đề án 712, các đơn vị được phân công đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện. Các nội dung cơ bản đều đã được triển khai thực hiện và bước đầu có những kết quả nhất định, việc rà soát, khảo sát, đánh giá mô hình hiện có thực hiện bám sát theo kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, từ việc triển khai thực hiện Đề án 712 đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cộng đồng dân cư khu vực nông thôn về công tác BVMT.

Cùng với đó, công tác BVMT trong xây dựng NTM đã được thể chế hoá trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các nội dung thực hiện tiêu chí môi trường trong giai đoạn 2021-2025. Nhiều địa phương đã tham gia tích cực vào việc thực hiện các nội dung của Đề án, đã chấn chỉnh lại công tác thu gom và xử lý chất thải, tạo nên phong trào BVMT rộng khắp. Sự vào cuộc của các Bộ, ngành để thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công cùng với sự quan tâm hưởng ứng của các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp Trung ương đến địa phương.

Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, trong thời gian qua, công tác quản lý các nguồn thải, cơ sở phát sinh chất thải đã được củng cố toàn diện cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo nền tảng cho công tác kiểm soát nguồn thải và ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm; công tác thu gom, phân loại xử lý chất thải rắn sinh hoạt được các địa phương triển khai thực hiện; hoạt động xây dựng cảnh quan môi trường được thực hiện tại nhiều địa phương và thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo ông Võ Tuấn Nhân, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì các chính sách thu hút đầu tư, huy động xã hội hóa trong công tác xử lý chất thải nông thôn còn chưa phát huy được hiệu quả; bộ chỉ tiêu trong Tiêu chí số 17 về môi trường đối với cấp xã và Tiêu chí số 7 về môi trường đối với cấp huyện còn bộc lộ nhiều bất cập trong triển khai thực hiện; còn thiếu các công cụ kỹ thuật, các biện pháp khoa học và công nghệ phù hợp trong hoạt động xử lý chất thải; thiếu nguồn lực đầu tư.

Tại hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân được Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu tham gia thực hiện Đề án 712

Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, bất cập trong công tác BVMT nông thôn, ông Võ Tuấn Nhân cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục rà soát, đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng về BVMT cho khu vực nông thôn, bao gồm: hệ thống thu gom, thoát và xử lý nước thải; các điểm tập kết phân loại chất thải rắn và hạ tầng BVMT cho các khu sản xuất, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, nghĩa trang.

Cùng với đó, tiếp tục phát huy sức mạnh của Nhân dân trong công tác BVMT, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh- sạch- đẹp- an toàn; phát triển du lịch, góp phần gia tăng giá trị kinh tế nhằm mục đích quay vòng tái đầu tư cho môi trường; đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các mô hình công nghệ tiên tiến và các biện pháp kỹ thuật phù hợp trong xử lý chất thải và BVMT, biến chất thải thành tài nguyên cho nền kinh tế xanh và xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng định mức đơn giá phù hợp cho thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh; trợ giá cho những sản phẩm hàng hoá được thu hồi từ chất thải hữu cơ, chính sách vay vốn ưu đãi tạo điều kiện thu hút các chủ đầu tư vào địa bàn nông thôn...

Dịp này, Bộ NN&PTNT đã trao tặng Bằng khen cho 20 tập thể và các nhân đã có thành tích tiêu biểu tham gia thực hiện Đề án 712 giai đoạn 2017-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai nhiều mô hình BVMT ở khu vực nông thôn theo hướng xã hội hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO