Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ khoa học lĩnh vực Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Công tác 7 tháng đầu năm của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã được triển khai tích cực, hoàn thành đúng theo những kế hoạch đề ra. Qua đó, nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, Viện xây dựng kế hoạch thực hiện công tác 5 tháng cuối năm để thực hiện hiệu quả và phát triển các nhiệm vụ khoa học thời gian tới.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Viện Khoa học Khí tượng và Biến đổi khí hậu (KH KTTV&BĐKH) đã ghi nhận những thành tựu quan trọng trong công tác khoa học và công nghệ với 5 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Nhà nước và 7 đề tài cấp Bộ được triển khai đúng tiến độ; Thực hiện 9 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; Triển khai thực hiện 4 dự án thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, 1 dự án thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đang trình Bộ xem xét và sẽ thực hiện khi được phê duyệt.
Bên cạnh việc thực hiện các đề tài NCKH, Viện đã chủ động tham gia dự báo, thảo luận dự báo nghiệp vụ theo chỉ đạo của Bộ TN&MT; Ra thông báo và dự báo khí hậu, thực hiện dự báo thời tiết và hiện tượng thời tiết nguy hiểm hàng tháng. Đồng thời, cung cấp hàng ngày các bản tin dự báo sóng biển và mực nước tổng cộng trong điều kiện bình thường với hạn dự báo 72 giờ; Thực hiện dự báo chất lượng môi trường không khí các thành phố lớn,…
Tính đến thời điểm hiện tại, trong công tác đào tạo, Viện đã triển khai các hoạt động đào tạo Tiến sĩ theo đúng tiến độ quy định, tổ chức họp hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đào tạo thông qua cấp bằng tiến sĩ cho 3 Nghiên cứu sinh, thực hiện công tác tuyển sinh đợt 1 năm 2023 của 4 bộ môn chuyên ngành: Khí tượng và Khí hậu học, Thủy văn học, Quản lý tài nguyên và môi trường, Biến đổi khí hậu. Tiếp tục xây dựng các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức năm 2023 để đề xuất chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ đến năm 2025.
Ngoài ra, Viện đã tổ chức thành công Hội thảo Khoa học Thường niên Viện KH KTTV&BĐKH năm 2023 và Hội thảo khoa học lần thứ XXV với chủ đề “Khoa học Khí tượng Thủy văn, Môi trường và BĐKH phục vụ bảo vệ tài nguyên và Môi trường, phòng chống thiên tai, thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững” nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Phân viện KH KTTV&BĐKH.
Theo đó, nhằm xây dựng kế hoạch 5 tháng cuối năm đạt hiệu quả, trong buổi làm việc cùng Lãnh đạo chủ chốt Viện KH KTTV&BĐKH vừa qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã nhấn mạnh, Viện cần tập trung hơn nữa trong việc thực hiện và phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng được những đề tài, đề án gắn với thực tiễn, có tầm chiến lược quốc gia về thích ứng BĐKH, khoa học khí tượng thủy văn,… để có các nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo Bộ đưa ra những quyết sách quan trọng cho đất nước.
Thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng và đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, Viện KH KTTV&BĐKH xây dựng kế hoạch công tác 5 tháng cuối năm, trong đó, tiếp tục đôn đốc việc thực hiện các đề tài, dự án và các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng đúng với tiến độ, nhất là đối với các nhiệm vụ cần nghiệm thu. Tiếp tục triển khai các kế hoạch học tập, hội thảo năm 2023, xây dựng báo cáo công tác đào tạo Tiến sĩ của Viện và thực hiện công tác tuyển sinh năm nay cho các mã ngành đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh.
Hơn hết, Viện đặc biệt chú trọng về công tác nghiên cứu, dự báo chất lượng môi trường không khí các thành phố lớn và nhiệm vụ quan trắc lắng đọng axit của Cơ quan đầu mối Quốc gia trong khuôn khổ Mạng lưới giám sát axit vùng Đông Á (EANET), tăng cường hợp tác quốc tế trong triển khai các hoạt động với EANET, Uỷ ban Quốc gia Việt Nam về Chương trình Thủy văn Liên Chính phủ (IHP); Theo dõi quá trình ký kết MOU giữa Viện và Văn phòng đại diện tổ chức Friedrich – Ebert – Stiftung tại Việt Nam trong việc tập trung vào các vấn đề liên quan đến khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, lắng đọng khí quyển trên các sông lớn, an ninh nước, lương thực và năng lượng trong bối cảnh BĐKH,… nhằm xây dựng được những đề án gắn với thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của ngành tài nguyên và môi trường nói riêng và của đất nước nói chung.