PV: Năm 2021, để cùng TP.HCM vượt qua những hậu quả nặng nề của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, lấy lại đà tăng trưởng, ngành TN&MT thành phố đã nỗ lực khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác quản lý đất đai như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Dù phải trải qua một giai đoạn dài áp dụng biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, ngành TN&MT thành phố đã hoàn thành giải quyết 364.919 hồ sơ đăng ký đất đai, trong đó có 5.424 cấp GCN lần đầu.
Đặc biệt, ngành TN&MT đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ, tạo nguồn thu ngân sách 3 tháng cuối năm 2021 theo Kết luận Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XI về kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Trong đó, Sở TN&MT đã rà soát các khu đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất được giao quản lý để tổ chức đấu giá công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và đúng quy định pháp luật; rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng thẩm định giá đất thành phố thẩm định đối với các hồ sơ đủ điều kiện nhằm tăng nguồn thu cho thành phố; giải quyết hồ sơ đăng ký biến động, thế chấp cũng như công tác xác định hệ số điều chỉnh giá đất để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án trên địa bàn thành phố.
Kết quả, đến nay, thành phố đã thu tiền sử dụng đất từ việc xác định giá đất cụ thể của 24 dự án trên địa bàn với số tiền khoảng 14.188 tỷ đồng; nguồn thu từ thế chấp, giá trị chuyển nhượng, thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân ước đạt 7.368 tỷ đồng.
PV: Năm 2022, TP.HCM chọn chủ đề “Thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19, phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Xin ông cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, Sở TN&MT TP.HCM sẽ đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gì để cùng thành phố hoàn thành mục tiêu đề ra?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Với nhiệm vụ là thành viên của Tổ Công tác về đầu tư, Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố, Sở TN&MT sẽ chủ động rà soát các khó khăn, vướng mắc trong các hồ sơ liên quan thủ tục giao, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Đồng thời, trong năm 2022, Sở TN&MT sẽ tập trung giải quyết các hồ sơ đăng ký giao dịch đảm bảo, đăng ký biến động (khoảng 400.000 hồ sơ). Đặc biệt, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu cho thành phố triển khai đấu giá các lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các khu vực khác nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách và đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT sẽ tiếp tục triển khai Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM” năm 2021-2022. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội đối với nội dung thí điểm cho TP.HCM được chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10ha và tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 của Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM.
PV: Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, nhưng TP.HCM lại đang gặp khó khăn tại các dự án nhà ở. Xin ông cho biết, Sở TN&MT đã đề ra những giải pháp nào để tháo gỡ vướng mắc trong công tác này, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Đến nay, số lượng nhà đất tại các dự án nhà ở chưa được cấp GCN vẫn còn nhiều, mặc dù người mua nhà đã nhận bàn giao và đã vào ở ổn định, điều này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản, lợi ích của người dân cũng như uy tín của chủ đầu tư dự án. Tính đến tháng 11/2021, trên địa bàn TP.HCM vẫn còn khoảng 63.000 căn nhà (chủ yếu là căn hộ chung cư) chưa được cấp GCN.
Chúng tôi xác định, việc triển khai cấp GCN cho các dự án nhà ở là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp trên cơ sở đúng quy định của pháp luật, là nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Ngày 19/10/2021, Sở TN&MT đã xây dựng Kế hoạch về đẩy nhanh công tác cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP.HCM. Mục tiêu từ nay đến tháng 12/2023, Sở TN&MT sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành và chủ đầu tư dự án giải quyết cấp GCN cho 37.421 căn nhà đã đủ điều kiện.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Sở TN&MT sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với những dự án có vi phạm xây dựng; những dự án phải rà soát, xác định nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung do dự án có thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch,… và vướng mắc trong cấp GCN cho loại hình bất động sản mới (shophouse, Oficetel).
Đồng thời, Sở TN&MT sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ; đảm bảo số lượng hồ sơ nộp được nhiều nhất và trong thời gian nhanh nhất; người mua nhà, chủ đầu tư dự án có thể dễ dàng tra cứu thông tin để biết được tiến độ giải quyết hồ sơ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!